10:55 26/02/2014

Starbucks tuyên bố không “chặt chém” ở Trung Quốc

Diệp Vũ

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phàn nàn tỷ suất lợi nhuận của Starbucks ở Trung Quốc là quá cao

Starbucks, "đế chế” cà phê đến từ Mỹ hiện có 1.100 cửa hiệu tại Trung Quốc - Ảnh: WSJ.<br>
Starbucks, "đế chế” cà phê đến từ Mỹ hiện có 1.100 cửa hiệu tại Trung Quốc - Ảnh: WSJ.<br>
Ở Trung Quốc, giá một cốc cà phê Starbucks loại lớn (grande latte) có giá cao hơn khoảng 1 USD so với sản phẩm cùng loại bán ở Mỹ, bất chấp giá nhân công ở Trung Quốc rẻ hơn ở Mỹ. Trên kênh CNBC, Chủ tịch phụ trách thị trường Trung Quốc của Starbucks nói rằng mức giá như vậy là hợp lý.

Để uống một cốc grande latte ở Trung Quốc, người tiêu dùng phải bỏ ra khoảng 30 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 4,92 USD. Giá một cốc cà phê Starbucks như vậy ở Mỹ thấp hơn khoảng 1 USD so với giá mà Starbucks áp dụng với thị trường Trung Quốc. Sự khác biệt về giá cả này đã gây nhiều tranh cãi, xét tới việc thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ vào khoảng 7.200 USD/năm, thấp hơn 5,5 lần so với thu nhập trung bình của người Mỹ.

“Nếu nhìn vào cơ cấu giá của chúng tôi, có thể thấy chúng tôi đưa ra các mức giá tùy theo từng thị trường. Giá tại Trung Quốc hay bất kỳ thị trường nào khác tùy thuộc vào chi phí vận hành công ty của chúng tôi trên thực tế tại thị trường đó”, ông John Culver, Chủ tịch Starbucks Coffee China, phát biểu trên CNBC.

Theo ông Culver, trong vòng một năm qua, Starbucks đã đầu tư gần 100 triệu vào thị trường Trung Quốc cho thiết kế cửa hàng, cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, và mở trường Đại học Starbucks Trung Quốc.

“Nếu so chúng tôi với các đối thủ khác, có thể thấy giá sản phẩm của chúng tôi ngang bằng, và trong một số trường hợp thậm chí còn thấp hơn”, ông Culver nói. “Chúng tôi cho rằng, mình đang đưa ra mức giá cạnh tranh, phản ánh đúng chi phí hoạt động tại Trung Quốc”.

Bất chấp những lời phàn nàn cho rằng Starbucks “chặt chém” khách hàng Trung Quốc, chuỗi cửa hiệu của hãng này vẫn phát triển mạnh tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Starbucks dự kiến tuyển thêm 8.000 nhân viên tại Trung Quốc trong năm tài khóa tới, bổ sung vào đội ngũ 20.000 nhân viên hiện có tại thị trường này.

“Đế chế” cà phê đến từ Mỹ hiện có 1.100 cửa hiệu tại Trung Quốc. Nếu kế hoạch mở thêm 750 cửa hiệu nữa tại thị trường Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm tài khóa hiện tại hoàn thành, Trung Quốc sẽ vượt Canada trở thành thị trường lớn thứ nhì của Starbucks, sau thị trường Mỹ.

Ông Culver cho biết, Trung Quốc là cơ hội tăng trưởng lớn nhất và nhanh nhất của Starbucks. “15 năm trước khi chúng tôi bắt đầu vào Trung Quốc, khách đến với các cửa hiệu của chúng tôi chủ yếu là khách du lịch và người nước ngoài. Nhưng hiện nay, uống cà phê Starbucks đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người tiêu dùng tại nước này”, ông Culver nói.

Tuy nhiên, một vấn đề đang khiến ông Culver lo ngại là giá cà phê arabica, loại cà phê mà Stabucks dùng để chế biến sản phẩm, tăng mạnh trong mấy tháng gần đây. Đầu tuần này, giá cà phê arabica nhân xô trên thị trường quốc tế đã lên mức hơn 1,76 USD/pound, tăng 69% so với mức khoảng 1 USD/pound vào tháng 11/2013. Hạn hán ở Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, là nguyên nhân dẫn tới việc giá cà phê arabica tăng mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên giá cà phê thế giới tăng vọt. Năm 2011, giá cà phê arabica giao sau tăng lên mức 2,82 USD/pound, gây thách thức lớn cho các công ty bán lẻ cà phê như Starbucks. Năm 2011 và 2012, Starbucks mỗi năm gánh thêm 200 triệu USD chi phí phát sinh vì giá cà phê tăng. Hãng này mua hơn 500 triệu pound cà phê nhân mỗi năm (1 pound = 0,45 kg).

Tháng 10 năm ngoái, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) có một bản tin cho rằng chuỗi cửa hiệu cà phê Starbucks “chém” giá cao đối với người tiêu dùng ở nước này. CCTV cho rằng, chuỗi cửa hiệu cà phê này đã áp giá một số sản phẩm bán tại Trung Quốc cao hơn 50% so với ở một số nước khác như Mỹ, Anh và Ấn Độ.

Theo bản tin của CCTV, tỷ suất lợi nhuận của Starbucks ở Trung Quốc là quá cao, với mức lợi nhuận mà hãng này đạt được ở Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên tới 32%, so với mức 21,1% ở Mỹ và 1,9% ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi.