10:25 22/01/2014

Thái Lan công bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok

Diệp Vũ

Phe biểu tình đang quyết tâm buộc bà Yingluck phải rời ghế và phá hoại cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 2/2

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xuất hiện trước báo giới sau khi công bố tình trạng khẩn cấp ngày 21/1 tại Bangkok - Ảnh: Reuters.<br>
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xuất hiện trước báo giới sau khi công bố tình trạng khẩn cấp ngày 21/1 tại Bangkok - Ảnh: Reuters.<br>
Thái Lan vừa công bố tình trạng khẩn cấp tại Bangkok trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống Chính phủ khiến thủ đô nước này tê liệt và đẩy tấn công bạo lực leo thang.

Tin từ tờ Wall Street Journal cho hay, luật tình trạng khẩn cấp đã được công bố vào ngày hôm qua (21/1), bắt đầu được áp dụng từ ngày hôm nay và dự kiến kéo dài 60 ngày. Tuy nhiên, lãnh đạo phe biểu tình đã tuyên bố không tuân thủ luật này và tiếp tục duy trì các cuộc biểu tình nhằm buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức.

“Họ cấm chúng tôi tuần hành, chúng tôi vẫn sẽ tuần hành. Họ cấm chúng tôi nói, chúng tôi sẽ nói cả ngày”, thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban tuyên bố. “Nếu họ triển khai lực lượng, chúng tôi sẽ cầu nguyện… Đừng đánh nhau với họ”.

Giới chức Thái Lan cho biết, chi tiết các biện pháp an ninh của tình trạng khẩn cấp vừa được công bố sẽ được nêu cụ thể trong ngày hôm nay. Nhìn chung, luật tình trạng khẩn cấp cho phép chính quyền có thể tùy ý bắt giữ các nghi phạm, giám sát các hoạt động truyền thông, thiết lập lệnh giới nghiêm, và cấm việc tụ tập chính trị với từ hơn 5 người tham gia…

Việc áp dụng tình trạng khẩn cấp là nỗ lực mới nhất của Thái Lan nhằm đảm bảo cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức vào ngày 2/2 diễn ra theo đúng kế hoạch, đồng thời giành lại quyền kiểm soát của những khu vực bị phe biểu tình chiếm đóng ở Bangkok.

Các cuộc biểu tình ở Bangkok đã kéo dài suốt 2 tháng trở lại đây, có thời điểm lượng người biểu tình lên tới 150.000 người, chủ yếu là tầng lớp trung lưu của thành phố này. Người biểu tình phản đối các chính sách và chế độ “gia đình trị” của nhà Shinawatra với hai “nhân vật chính” là bà Yingluck và anh trai của bà là cựu Thủ tướng Thaksin.

Phe biểu tình đang quyết tâm buộc bà Yingluck phải rời ghế và phá hoại cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 2/2. Theo dự báo, nếu cuộc bầu cử này diễn ra, chiến thắng dễ dàng thuộc về bà Yingluck bởi chính sách của nhà Shinawatra nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri nghèo ở phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan.

Tuần trước, người biểu tình đã chuyển hướng chiến thuật bằng cách chiếm đóng 7 nút giao thông của Bangkok, khiến giao thông tê liệt, kéo theo sự gián đoạn hoạt động tại một số khu vực kinh doanh và du lịch chính của Thái Lan. Phó thủ tướng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết, lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ không chỉ được áp dụng ở Bangkok mà cả một số tình lân cận.

Riêng trong tuần qua, những kẻ tấn công không rõ danh tính đã tổ chức hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào người biểu tình ở Bangkok, khiến một người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Nếu tính từ tháng 11, đã có 9 người thiệt mạng liên quan tới biểu tình ở Thái Lan.

Biểu tình cũng đang gây ra những nguy cơ lớn cho nền kinh tế Thái Lan, khi mà các nhà đầu tư quan trọng nhất ở nước này, bao gồm các hãng xe hơi Nhật Bản, đã bày tỏ quan ngại về tương lai các khoản đầu tư của họ.

Hãng Toyota mới đây tuyên bố sẽ cân nhắc lại các kế hoạch đầu tư trị gia sleen tới 20 tỷ Baht, tương đương 609 triệu USD để mở rộng sản xuất ở Thái Lan nếu các cuộc biểu tình còn tiếp diễn. Các hãng Mazda và Nissan thì nói rằng, bất ổn chính trị có thể ảnh hưởng xấu tới doanh số của họ tại thị trường Thái Lan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan cảnh báo, tăng trưởng kinh tế nước này có thể giảm về mức 3% nếu bất ổn tiếp diễn và tổng tuyển cử bị trì hoãn. Năm 2012, GDP Thái Lan tăng trưởng 6,4%.