13:43 27/01/2011

Thặng dư thương mại 2010 của Nhật tăng vọt

Diệp Anh

Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết, trong năm 2010, thặng dư thương mại của nước này tăng tới 153,4% so với năm 2009

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nhật Bản gồm máy móc và xe cộ.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nhật Bản gồm máy móc và xe cộ.
Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết, trong năm 2010, thặng dư thương mại của nước này đạt 6.770 tỷ Yên (tương đương 82 tỷ USD), tăng tới 153,4% so với năm 2009.

Trong đó, xuất khẩu tăng 24,4% lên 67.410 tỷ Yên, nhập khẩu tăng 17,7% lên 60.640 tỷ Yên. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua, xuất khẩu của Nhật Bản tăng trưởng.

Chỉ tính riêng trong tháng 12, xuất khẩu tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo của giới phân tích. Nhập khẩu tăng 10,6% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo. Thặng dư thương mại tháng 12 tăng 34,1% lên 727,7 tỷ Yên (8,86 tỷ USD), vượt các mức dự báo 469,6 tỷ Yên của Dow Jones và 450 tỷ Yên của Reuters.

Thặng dư thương mại của Nhật Bản tăng cao là nhờ xuất khẩu sang các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, như Trung Quốc, đạt mức kỷ lục. Các số liệu này cho thấy dấu hiệu nền kinh tế Nhật Bản sẽ mở rộng trong năm 2011, đồng thời tăng trưởng nhanh hơn Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu.

Đà phục hồi kinh tế toàn cầu cũng có thể hỗ trợ Nhật Bản chống lại sự leo thang của đồng Yên, nhân tố quan trọng được xem là mối đe dọa đến lợi nhuận các nhà xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế Kyohei Morita thuộc hãng Barclays Capital tại Tokyo cho hay, đà phục hồi của Nhật Bản đang bắt đầu đi lên sau một thời gian tạm lắng. Theo ông, nhu cầu gia tăng tại châu Á cùng với đà phục hồi của Mỹ đã thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản.

Nhật Bản coi xuất khẩu là yếu tố có tầm quan trọng sống còn đối với sự phục hồi kinh tế, đồng thời dựa vào xuất khẩu để bù lại phần sụt giảm nhu cầu nội địa của chính nước này.

Hiện tượng suy giảm tăng trưởng xuất khẩu kéo dài trong suốt tám tháng của năm 2010 đã từng gây nhiều lo ngại về xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước "Mặt trời mọc".

Trước đó, hôm 25/1, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản từ 0 – 0,1%, chương trình mua tài sản từ các tổ chức tài chính và công ty, để hỗ trợ vốn hoạt động cho các doanh nghiệp.

BOJ cho biết, chính sách tiền tệ nới lỏng này sẽ được giữ nguyên cho đến khi có dấu hiệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản ổn định ở mức 2% hoặc thấp hơn.

BOJ nhận định, nền kinh tế Nhật Bản sẽ dần vượt qua tình trạng thiểu phát và quay trở lại quỹ đạo phục hồi từ từ. Theo dự báo của BOJ, CPI có thể giảm 0,3% trong tài khóa 2010, nhưng sẽ tăng nhẹ trong các năm tới.

CPI cơ bản dự báo tăng 0,3% trong tài khóa 2011, so với mức 0,1% của tháng 10/2010. Tuy nhiên, BOJ vẫn giữ nguyên dự báo về tốc độ tăng CPI trong tài khóa 2012 là 0,6%.

Tuy nhiên, BOJ tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế của nước này. Cơ quan này đã nâng mức dự báo về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2010 của nền kinh tế nước này từ 2,1% lên 3,3%, trong bối cảnh giá trị sản xuất và chi tiêu dùng cá nhân đang tăng nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ.

Do quan ngại ảnh hưởng của các biện pháp kích cầu của Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ giảm trong thời gian tới khi một số các biện pháp hết hạn, BOJ đã hạ thấp dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Nhật Bản trong các tài khóa 2011 và 2012.

Theo dự báo của BOJ, nền kinh tế Nhật Bản sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,6% và 2% trong hai tài khóa tới, thấp hơn so với các mức dự báo tương ứng là 1,8% và 2,1% trước đây.

Tuy nhiên, BOJ vẫn tỏ ra tương đối lạc quan về triển vọng kinh tế Nhật Bản khi khẳng định nền kinh tế nước này sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng từ từ, chủ yếu nhờ tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường mới nổi và các nước sản xuất hàng hóa.