11:31 15/03/2012

Thế giới có tái bùng phát cuộc chiến đất hiếm?

Hoài An

Trung Quốc chỉ sở hữu 36% trữ lượng đất hiếm của thế giới, nhưng lại kiểm soát tới 95% tổng sản lượng toàn cầu

Đất hiếm là một mặt hàng nguyên liệu chiến lược, có vai trò rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm công nghệ cao.
Đất hiếm là một mặt hàng nguyên liệu chiến lược, có vai trò rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm công nghệ cao.
Việc châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đồng loạt kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan tới các quy định mới về hạn ngạch xuất khẩu và giá sàn đất hiếm do Trung Quốc ban hành mới đây, đã đánh động dư luận về nguy cơ cuộc chiến đất hiếm vẫn còn.

Đất hiếm là một mặt hàng nguyên liệu chiến lược, có vai trò rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm công nghệ cao như màn hình phẳng, điện thoại thông minh, ổ cứng, các thiết bị chụp ảnh trong y khoa, hay các tấm pin năng lượng mặt trời.

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia đang kiểm soát 95% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Nếu Trung Quốc giảm hạn ngạch xuất khẩu thì sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho thế giới, đặc biệt là châu Âu bởi lục địa này gần như lệ thuộc 100% vào thị trường thế giới.

Mỹ và Nhật Bản càng có nhiều lý do hơn để không muốn Trung Quốc sử dụng những quy định mới về hạn ngạch xuất khẩu và giá sàn mới. Trong đó, lý do lớn nhất là nhiều doanh nghiệp mũi nhọn của Mỹ và Nhật Bản đang duy trì thế thượng phong trên thị trường toàn cầu.

Hàng loạt vũ khí Mỹ như xe tăng M1A2 Abrams hay radar Aegis Spy-1, tên lửa Hell Fire, thiết bị vệ tinh… đều cần tới đất hiếm. Đất hiếm được ví như “muối của cuộc sống” với cuộc cách mạng công nghệ cao, khi xuất hiện từ iPad tới Blackberry, tivi tinh thể lỏng hoặc laser...

“Người lao động và các doanh nghiệp Mỹ đang bị đối xử không công bằng”, hãng tin Reuters dẫn lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo ông Obama, chính sách của Trung Quốc khiến công ty nước ngoài từ Mỹ, châu Âu, Nhật phải mua đất hiếm với giá cao ngất.

Ông khẳng định, "tôi sẽ hành động khi cần, nếu người lao động và các công ty của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi các hành động không công bằng. Chúng tôi muốn các công ty của chúng tôi sản xuất sản phẩm ngay ở Mỹ, nhưng muốn vậy, họ phải có đất hiếm do Trung Quốc cung cấp".

Do sự hạn chế này, các sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ, EU và Nhật mất lợi thế cạnh tranh về giá so với sản phẩm của Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Theo tờ Wall Street Journal, năm 2011 Bắc Kinh đã đặt hạn ngạch xuất khẩu 33.353 tấn, song họ chỉ xuất khẩu 18.586 tấn.

Đồng tình với quan điểm này, theo Karel De Gucht, ủy viên thương mại của châu Âu, "các doanh nghiệp Trung Quốc được mua đất hiếm rẻ hơn các doanh nghiệp khác đến hai lần, và đối với các doanh nghiệp châu Âu, mức giá đã tăng 1.000% giữa những năm 2009-2011".

Còn theo Michael Silver, Giám đốc điều hành công ty American Elements tại Los Angeles, ông hy vọng dù WTO cuối cùng có thể quyết định thế nào về hạn ngạch Trung Quốc, thì hành động của Mỹ sẽ có thể dẫn tới các cuộc đàm phán với Trung Quốc để thu hẹp chênh lệch giá.

Mỹ đã từng có ít nhiều thành công trong việc gia tăng áp lực với Trung Quốc thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới. Từ nhiều năm nay, hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 này luôn có tranh cãi về các vấn đề chính sách thương mại cho sản phẩm, từ lốp xe tới thịt gia cầm.

Trên mặt trận truyền thông, các báo châu Âu cũng giật những cái tít đùng đùng về vấn đề này, như "Châu Âu chiến đấu để có được đất hiếm Trung Quốc", "Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản tấn công Trung Quốc ở WTO", "Đất hiếm: Châu Âu, Mỹ và Nhật chiến đấu chống Trung Quốc".

Phản ứng lại, Bắc Kinh khẳng định rằng họ đã chơi theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm giúp bảo vệ môi trường. Các mỏ khai thác và tinh lọc đất hiếm tiêu tốn nhiều axit và thải ra môi trường phóng xạ nồng độ thấp.

“Những cáo buộc nhằm vào những chính sách về hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc là điều vô lý. Nhu cầu của thế giới chỉ bằng 50% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc trong năm 2011”, hãng thông tấn Tân Hoa dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Một số tờ báo khác của Trung Quốc còn bình luận, “Mỹ, Nhật muốn sở hữu thứ nguyên liệu quý giá mà chỉ chi ra ít tiền”. Họ cũng đưa ra bằng chứng về việc 83% số đất hiếm mà Nhật Bản nhập khẩu là từ Trung Quốc và Tokyo đã tích trữ đủ nguồn nguyên liệu này cho 20 năm sau.

Trung Quốc có 10 ngày để phản ứng với WTO về vụ kiện trên và có 60 ngày để thương thuyết với Mỹ, châu Âu và Nhật. Nếu đàm phán không thành, Mỹ sẽ yêu cầu WTO thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp để phân xử. Vụ việc có thể kéo dài hai năm nếu Bắc Kinh kháng án.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Trung Quốc chỉ kiểm soát 36% trữ lượng đất hiếm thế giới. Trữ lượng đất hiếm được phân bố đồng đều giữa các đại lục. Cơ quan Khảo sát địa lý của Mỹ hồi 2007 cho hay, nước này chiếm 13% trữ lượng thế giới, Nga 22% và Australia khoảng 5%.