06:32 08/08/2011

Thế giới đương đầu “siêu bão” tài chính

Dương Lâm

Việc Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm có thể coi như một cơn "siêu bão" đang đổ bộ vào thị trường tài chính quốc tế

Thị trường tài chính thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một cơn bão tố.
Thị trường tài chính thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một cơn bão tố.
Việc tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's quyết tâm hạ bậc tín nhiệm của Mỹ, trong bối cảnh châu Âu chưa thuyết phục được giới đầu tư quốc tế về khả năng dứt điểm nợ công của khu vực này, có thể coi như một cơn "siêu bão" đang đổ bộ vào thị trường tài chính quốc tế.

Lãnh đạo các cường quốc kinh tế thế giới đã phải cấp tốc tìm cách trấn an giới đầu tư. Nhiều người tỏ ra lo sợ rằng, các thị trường chứng khoán thế giới có nguy cơ đổ sụp vào ngày hôm nay (8/8), khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần.

Cú sốc cuối tuần

Hôm 5/8, Standard & Poor’s đã tung ra một quả bom trên nền tài chính thế giới. Trong một bản thông báo, cơ quan này cho biết đã hạ thấp điểm tín nhiệm của Mỹ từ AAA, xuống còn AA+. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Mỹ bị hạ điểm uy tín về nợ công.

Trên thang điểm của Standard & Poor’s, mức AAA được dành cho các nước được đánh giá là đáng tin cậy nhất về khả năng thanh toán trái phiếu mà họ phát hành. Từ khi được thành lập năm 1941, Standard & Poor’s không bao giờ nghi ngờ về tính ưu việt của nền tài chính Mỹ và luôn cho Mỹ điểm AAA.

Thế nhưng lần này lòng tin của Standard &Poor's đã bị sứt mẻ trước cuộc tranh luận gay gắt và dai dẳng giữa hai đảng Cộng hoà và Dân chủ, với một thoả thuận đạt được một cách trầy trật vào giờ chót khi đến sát thời hạn "vỡ nợ kỹ thuật" hôm 2/8.

Hơn nữa, theo Standard & Poor's, thỏa thuận này lại không đủ mạnh để củng cố nền tài chính Mỹ. Trong thông báo, Standard & Poor’s cho hay, "rủi ro chính trị" gắn liền với món nợ công khổng lồ của nước Mỹ là lý do tổ chức này hạ điểm tín nhiệm của Mỹ.

Không chỉ thế, Standard & Poor's còn hạ mức triển vọng của Mỹ xuống thành tiêu cực, mở ra khả năng tiếp tục hạ điểm tín nhiệm của Mỹ trong tương lai.

John Chambers, Chủ tịch Hội đồng xét hạng của Standard & Poor's, nói rằng, nước Mỹ đã có thể ngăn chặn lần hạ điểm này nếu sớm giải quyết vấn đề với Quốc hội. "Điều đầu tiên đáng ra phải làm là nâng mức nợ trần lên kịp thời, rồi sau đó mới tránh được việc phải đứng ra phản biện và tranh cãi", ông nói.

Nhà Trắng đã lên tiếng phản đối quyết định của Standard & Poor’s. Thậm chí, Bộ Tài chính Mỹ còn chỉ ra, Standard & Poor’s đã nhầm lẫn tới 2.000 tỷ USD trong tính toán của họ về dự thảo ngân sách Mỹ. Theo Gene Sperling, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế quốc gia thì lỗi của Standard & Poor’s đã được xác nhận.

Tuy nhiên, Standard & Poor’s vẫn cho biết việc tính toán các số liệu không ảnh hưởng nhiều đến quyết định hạ cấp tín nhiệm của Mỹ. Và Standard & Poor's tiếp tục giữ ý kiến của họ, bất kể hai tổ chức tín dụng khác, Moody's và Fitch Ratings, tiếp tục đánh giá Mỹ là AAA.

Báo chí Mỹ cho rằng, quyết định của Standard & Poor’s chẳng tác động nhiều tới tinh thần các thành viên hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, những người luôn dùng điều này để khẳng định chỗ đứng của họ.

Thậm chí, tỷ phú Mỹ, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet còn lên tiếng cho hay, "việc Mỹ bị S&P hạ xếp hạng tín dụng AAA chẳng có ý nghĩa gì". "Tại Omaha, Mỹ vẫn được xếp hạng AAA. Thực tế, nếu có xếp hạng AAAA, tôi sẽ xếp hạng đó cho nước Mỹ".

Tuy nhiên, động thái của Standard & Poor’s đồng nghĩa với việc nợ Mỹ giờ đây đã trở nên kém an toàn hơn so với trước. Do đó giới đầu tư có thể đòi mức lãi suất cao hơn đối với trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.

Tờ Wall Street Journal cho hay, hiện mỗi năm Mỹ trả 250 tỷ USD tiền lãi suất trái phiếu. Một số nhà phân tích dự báo trong thời gian tới, nhiều khả năng mỗi tháng Washington phải trả thêm 75 tỷ USD. Không chỉ chính phủ, các doanh nghiệp và các cá nhân Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn khi đi vay và phải trả phí cao hơn.

Cuống cuồng lo bão

Theo nhiều chuyên gia phân tích, dù việc Standard & Poor's hạ điểm nước Mỹ là điều đã được các thị trường dự kiến, nhưng khi hành động đó thực sự xảy ra, các thị trường sẽ không tránh khỏi bị chấn động.

Hãng tin AFP cho hay, nhiều nhà kinh tế lo sợ một vòng xoáy đi xuống của thị trường. Theo ông Paul Dales, chuyên gia phân tích tại Capital Economics có trụ sở tại Mỹ, chắc chắn là quyết định của Standard & Poor’s sẽ làm rung chuyển thị trường tài chính khi mở cửa vào ngày 8/8.

Trong tình hình các thị trường chứng khoán trên đà đi xuống vào những ngày qua, tin xấu đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, lẽ dĩ nhiên, làm cho tình hình trở nên nguy hiểm, buộc các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ phải khẩn cấp phối hợp hành động.

Trong hai ngày cuối tuần, từ nhóm G7, G20, cho đến Ngân hàng Trung ương châu Âu, chính phủ các nước, tất cả đều cố gắng liên lạc lạc với nhau, tổ chức các hội nghị khẩn cấp qua điện thoại, để bàn về cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng Euro và cú sốc sau vụ Mỹ bị hạ điểm tín nhiệm.

Theo tờ The Guardian của Anh, bộ trưởng tài chính các nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới G7, mặc dù đang đi nghỉ, nhưng đã thực hiện một loạt các cuộc điện đàm khẩn cấp cuối tuần nhằm ngăn chặn việc mất lòng tin ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Pháp François Baroin, nước đang giữ chức Chủ tịch G/7, nói rằng ông đã liên hệ với những người đồng cấp trong 24 giờ qua và nói: “Chúng tôi đang dõi theo chặt chẽ nhưng diễn biến có thể xảy ra vào ngày 8/8 tới”.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, hiện đang đi nghỉ ở California, đã hội đàm với các người đồng cấp trong G/7 và với Thủ tướng Anh David Cameron. Các quan chức nói rằng ông Osborne sẽ sẵn sàng bay về họp nếu có cuộc họp của G/7 được triệu tập.

Trong các cuộc điện đàm, ông Osborne được cho là đã yêu cầu các nước giàu có hơn trong khu vực đồng tiền chung châu Âu như Đức và Pháp ủng hộ việc phát hành cái gọi là “trái phiếu Euro”.

Trong khi đó, các thứ trưởng tài chính nhóm G20 cũng đã tổ chức một hội nghị khẩn cấp qua điện thoại để bàn về vấn đề khủng hoảng nợ kép ở châu Âu và Mỹ hiện đang gây ra hiện tượng rối loạn thị trường toàn cầu và làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Choi Jong-ku cho biết sáng 7/8, Hàn Quốc tin tưởng vào khả năng giải quyết các khoản nợ của Mỹ không thay đổi, cho dù Mỹ không còn giữ được chỉ số tín nhiệm AAA. Hiện Hàn Quốc đang sở hữu số lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ trong tổng số hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Trên thực tế, nguy cơ các thị trường sụp đổ vào ngày 8/8 như đã được dự báo tại thị trường chứng khoán Tel Aviv - Isreal. Là một trong những nơi hiếm hoi mở cửa ngày chủ nhật, 7/8/2011, thị trường này đã bị mất hơn 6% trong phiên giao dịch.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc cho biết các nhà xuất khẩu châu Á, vốn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường Mỹ, sẽ nằm trong số những nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề nhất do kinh tế Mỹ ngày một khó khăn.

Phần lớn các nước trong khu vực châu Á đều đạt thặng dư thương mại lớn với Mỹ, thu về lượng USD lớn và đổ chúng vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Bất cứ biến động nào của kinh tế Mỹ cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế châu lục.

Phản ứng từ Trung Quốc

Hôm 6/8, Tân Hoa xã đã chỉ trích dữ dội chứng nghiện nợ của Mỹ và những tranh chấp chính trị "thiển cận" của Quốc hội nước này. Tân Hoa xã cho rằng đã đến lúc thế giới cần loại ngoại tệ dự trữ mới ổn định hơn. Tính tới tháng 5/2011, lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã lên tới 1.160 tỷ USD.

Theo Tân Hoa xã, Chính phủ Mỹ phải đương đầu với sự thật rằng, những ngày tốt đẹp mà nước Mỹ có thể vay được tiền để thoát ra khỏi mớ lộn xộn nay không còn nữa, và với tư cách là chủ nợ lớn nhất, Trung Quốc có quyền yêu cầu Mỹ giải quyết vấn đề nợ và đảm bảo an toàn cho tài sản USD mà Trung Quốc đang giữ.

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc khẳng định việc Mỹ bị hạ xếp hạng tín dụng tiềm ẩn rủi ro lớn với thị trường tài chính toàn cầu và nó buộc Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ phải đẩy nhanh hoạt động đa dạng hóa dự trữ.

Ông Li Jie, Giám đốc viện nghiên cứu tại đại học Central University of Finance and Economics, cảnh báo: “ít nhất trong ngắn hạn, sẽ có yếu tố hỗn loạn trên thị trường tài chính. Dự trữ của Trung Quốc chịu tác động. Giá trị tài sản đồng USD do Trung Quốc nắm giữ sẽ đi xuống và tác động sẽ lớn”.

Còn tờ "Trùng Khánh Buổi chiều" dẫn lời các chuyên gia khác cho rằng, 6 tháng cuối năm, kinh tế Trung Quốc khó có thể có “niềm vui bất ngờ”, ngược lại có thể xuất hiện không ít sợ hãi và chính sách thắt chặt của Trung Quốc sẽ càng phải thận trọng, tăng cường quan sát, giảm hành động.