14:34 31/05/2012

Thế giới “sụt sịt” trước “gió độc” Tây Ban Nha

Dương Lâm

Không may mắn như bóng đá, mặt trận tài chính của Tây Ban Nha tỏ ra có rất ít cơ hội xoay chuyển được tình hình khó khăn hiện nay

Thị trường chứng khoán châu Á hôm nay cũng rớt điểm thê thảm trước nỗi lo tài chính Tây Ban Nha - Ảnh: AP.
Thị trường chứng khoán châu Á hôm nay cũng rớt điểm thê thảm trước nỗi lo tài chính Tây Ban Nha - Ảnh: AP.
Hôm 30/5, Tây Ban Nha đã đánh bại Hàn Quốc với tỷ số 4/1 trong trận thử nghiệm đội hình đầu tiên ngay sau khi chốt danh sách cầu thủ tham dự Cúp bóng đá châu Âu năm 2012. Một lần nữa, đội tuyển bóng đá xứ sở đấu bò tót lại khẳng định đẳng cấp vượt trội của mình.

Nhưng trên mặt trận tài chính, Tây Ban Nha có vẻ không được may mắn như vậy. Cũng trong ngày hôm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm đã tăng 22,2 điểm cơ bản lên 6,685%, cao nhất 6 tháng khi các nhà chức trách nước này thảo luận về việc sẽ chi 23,6 tỷ USD giải cứu ngân hàng Bankia.

Đối với một nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu như Tây Ban Nha, chi phí vay mượn quốc gia ở mức trên 6,0% được coi là nguy hiểm xét về khả năng tái huy động vốn và nếu tỷ lệ này lên 7% thì được coi là ngoài khả năng tái huy động vốn.

Theo các nhà quan sát, những khó khăn mà khu vực tài chính công ở Tây Ban Nha và Ngân hàng Bankia, định chế cho vay lớn thứ tư của nước này, đang phải hứng chịu đã "soán ngôi" cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp trở thành tâm điểm lo ngại trên các thị trường tài chính.

Chưa hết, cũng trong ngày 30/5, tổ chức xếp hạng tín dụng Egan Jones Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm nước này từ “BB-“ xuống “B”, tức thuộc hạng không đầu tư, với triển vọng tiêu cực. Hiện Fitch Ratings, Moody’s và Standard & Poor's (S&P) đều xếp hạng nợ của Tây Ban Nha ở mức đầu tư.

Sức ép lên Tây Ban Nha gia tăng khi xuất hiện thông tin Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này, Miguel Angel Fernández Ordóñez, sẽ từ chức sớm hơn so với dự kiến. Giới phân tích nhận định, động thái của ông Ordonez không thể "tháo ngòi" tâm lý lo ngại trên thị trường về khó khăn tài chính ở Tây Ban Nha.

Cùng với việc lợi suất trái phiếu chính phủ Italy nhảy 17,4 điểm cơ bản lên ngưỡng 6,068%, cơn bão mới từ Tây Ban Nha hôm qua đã nhấn chìm các thị trường chứng khoán, tài chính, năng lượng toàn cầu và đẩy các nhà đầu tư tiến sâu vào địa hạt của đồng USD, coi đây là kênh đầu tư an toàn nhất trong lúc này.

Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã nhảy vọt lên ngưỡng 83,053 điểm, tăng mạnh từ mức 82,468 điểm cuối phiên 29/5, trong khi đồng Euro sụt xuống thấp nhất 23 tháng so với USD khi chạm đáy 1,2360 USD/Euro, giảm từ mức 1,2493 USD/ Euro cuối ngày 29/5.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, đêm 30/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới 160,83 điểm, tương ứng 1,28%, xuống còn 12.419,86 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 19,10 điểm, tương ứng 1,43%, xuống 1.313,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 33,63 điểm, tương ứng 1,17%, xuống 2.837,36 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng ngập trong sắc đỏ. Chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh quốc giảm 93,86 điểm, tương ứng 1,74%, còn 5.297,28 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 69,12 điểm, tương ứng 2,24%, còn 3.015,58 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 116,04 điểm, tương ứng 1,81% còn 6.280,80 điểm.

Kết quả giao dịch đỏ lửa của thị trường chứng khoán Âu, Mỹ đã tác động mạnh tới các sàn chứng khoán châu Á ngay trong phiên giao dịch sáng nay. Vào lúc 10h sáng 31/5, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,3%, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia trượt 1,2%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 1,2%.

Với kết quả giao dịch trên, phần lớn các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gần như mất sạch thành quả từ đầu năm đến nay và tháng 5 có thể là tháng giảm điểm mạnh nhất trong hơn ba năm của các thị trường chứng khoán khu vực. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm gần 1%.

Cổ phiếu của một loạt công ty liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn châu Á - Thái Bình Dương giảm mạnh, như cổ phiếu của Samsung hạ 2,5%, LG trượt 2,8%, hãng cung ứng máy móc Li & Fung giảm 3,8%, cổ phiếu của Prada SpA giảm tới 3,3%. Cổ phiếu tài chính, bất động sản cũng không thoát khỏi xu thế này.

Tính tới 14h chiều nay (31/5), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 90,46 điểm, tương ứng 1,05%, xuống còn 8542,73 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 119,45 điểm, tương ứng 0,64% xuống 18.570,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc hạ 0,44%, Kospi của Hàn Quốc giảm 0,08%.

Trên bảng thanh toán điện tử, tính tới 13h17 chiều nay (31/5), đồng Euro đang được giao dịch ở mức 1,2393 USD, tăng nhẹ trở lại so với mức siêu thấp cuối ngày hôm qua. Trong khi, chỉ số đồng USD giảm 0,13 điểm xuống còn 82,91 điểm.

Như vậy, so với đầu giờ sáng, hiện tại mức lao dốc của các thị trường chứng khoán châu Á đã được rút ngắn. Một trong những lý do quan trọng là việc cuối ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết chưa hề tỏ quan điểm chống đối kế hoạch bán trái phiếu để tái cấp vốn cho Bankia của Tây Ban Nha. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Tây Ban Nha Luis de Guindos, cũng bác bỏ các thông tin nói rằng ECB đã phản đối kế hoạch tái cấp vốn cho Bankia. Tại một phiên họp của Quốc hội, ông De Guindos cho rằng các thị trường nên lắng nghe Chính phủ Tây Ban Nha hơn là dựa vào các thông tin trên Financial Times.

Trước đó, có tin tức nói rằng, các quan chức Liên minh châu Âu yêu cầu giấu tên cho biết, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bác bỏ kế hoạch của Tây Ban Nha về phát hành trái phiếu chính phủ như vật thế chấp để vay tiền từ ECB nhằm cứu ngân hàng Bankia thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Lời giải oan kịp thời của ECB đã cứu được một bàn thua trông thấy cho Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào một lý do này, thị trường chứng khoán toàn cầu chưa thể lạc quan và nếu phiên giao dịch hôm nay, chi phí vay mượn của Tây Ban Nha tăng cao thêm nữa, thì cơn "sụt sịt" của thế giới sẽ còn trở nên khó chịu hơn.