08:03 08/11/2010

Thế giới tuần 1 - 7/11: Mừng và lo

Hoàng Ly

Quỹ Tiền tệ Quốc tế thông qua đề xuất cải tổ mang tính lịch sử, các lãnh đạo tài chính APEC nhất trí kiềm chế phá giá tiền tệ

Quyết định bơm thêm tiền vào nền kinh tế của FED là một bước đi táo bạo.
Quyết định bơm thêm tiền vào nền kinh tế của FED là một bước đi táo bạo.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông qua đề xuất cải tổ mang tính lịch sử, các bộ trưởng bộ tài chính Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhất trí kiềm chế phá giá tiền tệ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) táo bạo bơm thêm 600 tỷ vào nền kinh tế nước này... là một vài tín hiệu đáng chú ý đối với kinh tế thế giới tuần qua.

Hôm 5/11, trong một quyết định mang tính lịch sử, ban lãnh đạo IMF đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) về cải tổ định chế tài chính này, trong đó có việc trao thêm quyền bỏ phiếu cho các cường quốc kinh tế mới nổi.

Thỏa thuận về cải tổ IMF nhằm tăng gấp đôi số vốn của tổ chức này và phân bổ lại số ghế đại diện trong ban lãnh đạo gồm 24 thành viên, đã được nhất trí trên nguyên tắc tại Hội nghị các bộ trưởng bộ tài chính G-20 hồi cuối tháng trước ở Hàn Quốc. Theo đó, hơn 6% tỷ lệ bỏ phiếu của các nước công nghiệp phát triển và các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ được chuyển cho các nền kinh tế mới nổi năng động.

Các quốc gia châu Âu mất 2/9 ghế của họ trong ban lãnh đạo IMF. Quyết định này cũng đưa Trung Quốc trở thành thành viên lớn thứ ba tại IMF, chỉ sau Mỹ và Nhật. Trước đây, có năm quốc gia đứng trong nhóm hàng đầu tại ban lãnh đạo 24 thành viên của IMF là Mỹ, Nhật, Anh, Pháp và Đức.

Các nước nghèo thường chỉ trích cơ cấu của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) quá thiên vị cho Mỹ và các đồng minh tại châu Âu. Thỏa thuận mới sẽ tăng quyền bỏ phiếu cho 110 thành viên IMF và đưa các cường quốc mới nổi là Ấn Độ, Brazil và Nga vào tốp 10 vị trí đứng đầu trong thể chế tài chính thế giới gồm 187 thành viên này.

Ngoài ra, vai trò của IMF trong giám sát các chính sách kinh tế của các nước sẽ được tăng cường. Theo đó, IMF sẽ tăng gấp đôi số vốn lên 756 tỉ USD.

"Thỏa thuận lịch sử này là đợt cải tổ cơ cấu điều hành cơ bản nhất trong lịch sử 65 năm của IMF, và là sự thay đổi tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay theo hướng có lợi cho thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, nhằm thừa nhận vai trò ngày càng quan trọng của họ trong nền kinh tế toàn cầu", Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cho biết trong cuộc họp báo tại trụ sở IMF ở Washington, Mỹ.

Giới chuyên gia nhận định, quyết định cải tổ lần này được thông qua nhanh một phần vì vai trò của Mỹ tại IMF vẫn được đảm bảo. Washington hiện đang nắm giữ số ghế tương đương 17% số phiếu ở IMF. Điều đó có nghĩa Mỹ nắm quyền phủ quyết tại IMF, do các quyết định lớn cần 85% số phiếu để được thông qua.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nền kinh tế mới nổi đang ngày càng có thêm ảnh hưởng trong IMF, và sự thay đổi ngày 5/11 có ý nghĩa quan trọng nhất tính tới thời điểm này. Đó là sự khởi đầu cho công cuộc cải tổ mạnh mẽ và toàn diện định chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới ra đời sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tiến tới xác lập một trật tự kinh tế toàn cầu mới.

Hôm 6/11, các bộ trưởng và quan chức tài chính của những nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí sẽ kiềm chế phá giá tiền tệ để tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để thị trường quyết định tỷ giá hối đoái.

Trong Tuyên bố chung tại hội nghị, các lãnh đạo tài chính APEC đặc biệt nhấn mạnh tới nguy cơ xảy ra cuộc chiến tiền tệ, theo đó các nền kinh tế sẽ chạy đua để phá giá đồng nội tệ hoặc kiểm soát các luồng vốn vào, nhằm tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu và tạo thêm việc làm.

Các bộ trưởng và quan chức tài chính APEC đã nhất trí tăng cường hợp tác đa phương để thực hiện các chính sách nhằm giảm tình trạng mất cân đối thương mại quá mức và duy trì tỷ lệ mất cân đối tài khoản vãng lai ở mức có thể chấp nhận được.

“Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính nhưng vẫn còn nhiều rủi ro. APEC cam kết dùng nhiều chính sách phối hợp để giảm mất cân bằng mậu dịch, đồng thời thúc giục các nền kinh tế thâm hụt mậu dịch từng bước gia tăng tiết kiệm và giảm thâm hụt ngân sách để không phải phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Ngoài ra các nền kinh tế này phải thúc đẩy nhu cầu nội địa”, Tuyên bố chung có đoạn.

Bên cạnh những vấn đề nêu ra trong Tuyên bố chung, các bộ trưởng và quan chức tài chính APEC cũng nhất trí đệ trình “Báo cáo Kyoto về Chiến lược Tăng trưởng và tài chính” lên Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sắp tới ở thành phố Yokohama.

Báo cáo này chỉ ra các ưu tiên để đảm bảo tăng trưởng của khu vực trong tương lai, trong đó có việc tái lập cân bằng và thúc đẩy nhu cầu trên toàn thế giới, thực hiện chính sách quản lý tài chính lành mạnh và tăng vốn cho các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình.

Thêm một tín hiệu khác đối với kinh tế thế giới tuần qua. Hôm 3/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nhất trí bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế nước này nhằm duy trì sự phục hồi hiện mong manh và giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao.

Theo đó, từ nay tới cuối quý 2/2011, FED sẽ mua các khoản nợ của Bộ Tài chính với tỷ lệ khoảng 75 tỷ USD/tháng - mức chưa từng thấy kể từ giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009. Ngoài ra, FED cũng quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục từ 0-0,25% nhằm kích thích sự phục hồi kinh tế.

Quyết định của FED được đánh giá là một bước đi táo bạo đối với kinh tế Mỹ, song với nhiều chuyên gia, điều này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và có khả năng ảnh hưởng xấu tới các quốc gia khác. FED từng có động thái tương tự trong giai đoạn khủng hoảng, song quyết định bơm thêm tiền này là chưa từng có, nhất là trong bối cảnh Mỹ đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.

Thái Lan và Hàn Quốc đã lên tiếng về việc gói kích thích kinh tế mới của Mỹ sẽ làm tăng dòng vốn nóng vào châu Á. Trong khi, theo Tân Hoa Xã dẫn lời các nhà phân tích cho hay, để đối phó với dòng tiền nóng chảy vào Trung Qốc, nước này sẽ siết chặt quản lý tài sản vốn, tăng thêm nhiều quy định để làm rào cản.