08:59 20/09/2010

Thế giới tuần 13-19/9: Động thái ngược

Dương Lâm

Trong khi Mỹ đang hối thúc Trung Quốc nâng giá đồng Nhân dân tệ, thì Nhật Bản lại ra tay can thiệp giảm giá đồng Yên

Cuộc chiến tiền tệ giữa các nước là chủ đề chính trong tuần qua.
Cuộc chiến tiền tệ giữa các nước là chủ đề chính trong tuần qua.
Việc Nhật Bản can thiệp giảm giá đồng Yên, trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang hối thúc Trung Quốc nâng giá Nhân dân tệ, không phải là điều bất ngờ vì Nhật Bản đã đánh tiếng từ vài ngày trước, nhưng động thái ngược chiều này vẫn ít nhiều gây tranh cãi.

Căng thẳng Mỹ - Trung

Theo Reuters, mới đây 93 nghị sĩ Mỹ đã gửi thư thúc giục lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện lên lịch bỏ phiếu thông qua một dự luật xác định Trung Quốc là nước “phá giá tiền tệ”. Các nghị sĩ Mỹ muốn Quốc hội thông qua trước kỳ bầu cử tháng 11 tới. Dự luật cải cách tiền tệ vì thương mại công bằng sẽ cho phép Bộ Thương mại Mỹ áp nhiều loại thuế chống phá giá đối với “hàng nhập khẩu gây tổn thương từ bất cứ quốc gia nào phá giá tiền tệ”.

Hôm 16/9, các nghị sỹ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thuộc lưỡng viện Quốc hội đã nói với Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner rằng, Trung Quốc đang "thao túng" chính sách tiền tệ. Các nghị sỹ Mỹ nói rằng, điều này cùng với các chính sách khác đã dẫn tới sự thâm hụt thương mại khổng lồ giữa hai quốc gia và việc mất việc làm ở Mỹ.

Các thành viên của Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ nói rằng họ thất vọng trước việc chính quyền Mỹ đã không gắn mác "thao túng tiền tệ" đối với Trung Quốc trong báo cáo mới nhất. Thay vào đó, Nhà Trắng vẫn thể hiện lập trường giống như thời chính quyền tiền nhiệm, đó là chỉ đơn giản kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng để đồng Nhân dân tệ tăng giá so với đồng USD.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Charles Schumer nói rằng: "vào thời điểm khi mà nền kinh tế Mỹ đang cố gắng leo lên khỏi mặt đất thì sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc giống như một chiếc giầy ngáng cuống họng đối với sự phục hồi của chúng ta". Trong khi, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện, Thượng nghị sỹ Dân chủ Christopher Dodd và Thượng nghị sỹ Cộng hòa Richard Shelby nói rằng họ ngày càng thất vọng khi chính quyền Mỹ từ chối gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Mặc dù tránh dùng chữ “phá giá tiền tệ” để mô tả Trung Quốc, nhưng ông Geithner xác nhận trong ba tháng qua đồng Nhân dân tệ chỉ tăng giá vỏn vẹn 1,5% so với đồng USD. “Việc điều chỉnh giá đồng Nhân dân tệ diễn ra quá chậm và quá hạn chế”, ông Geithner khẳng định. Ông Geithner cũng cáo buộc Trung Quốc làm lơ với tình trạng ăn cắp bản quyền và công nghệ Mỹ tràn lan ở nước này, khiến Mỹ thiệt hại hàng tỉ USD và mất hàng triệu việc làm.

Nhật Bản hứng chỉ trích

Lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, Nhật Bản đã quyết định can thiệp trực tiếp lên thị trường tiền tệ, nhằm giảm nhiệt cho đồng Yên đang tăng giá kỷ lục. Ngay sau khi có quyết định này, trong phiên ngày 15/9, đồng nội tệ của Nhật tụt giá mạnh, còn 84,85 Yên/ USD.

Cũng ngay trong ngày 15/9, sau khi Bộ Tài chính Nhật Bản công bố chính sách can thiệp thị trường ngoại hối, Ngân hàng Trung ương Colombia đã tung tiền ra mua 20 triệu USD nhằm giảm bớt đà tăng giá của đồng Peso, còn Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega “đang theo dõi các diễn biến” và sẽ không khoanh tay đứng nhìn nếu các nước khác cũng can thiệp nhằm giảm giá đồng nội tệ.

Tại Thái Lan, giới chủ doanh nghiệp đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tìm cách kìm giá đồng Baht để tránh tác động tới lĩnh vực công nghiệp. Giới chuyên gia lo ngại có thể xảy ra hiệu ứng dây chuyền, khi Thái Lan và các nước châu Á khác theo chân Nhật Bản.

Phản ứng trước hành động của Nhật Bản, tờ Financial Times cho rằng, một đồng Yên mạnh sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa Nhật. Tuy nhiên để hình thành nên tỷ giá hối đoái cần 2 phía. Đồng Yên yếu hơn cần có đồng USD hoặc Euro mạnh hơn.

Financial Times dẫn lời ông Tim Murphy, nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa, cho rằng: “Nhật Bản hẳn đã nghĩ nếu Trung Quốc có thể can thiệp nhằm giảm giá đồng Nhân dân tệ thì sao chúng ta không thể. Sẽ là một vấn đề lớn nếu nước nào cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình”. Trong khi, Chủ tịch khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu, Jean Claude Juncker, nói “hành động đơn phương không phải là cách thích hợp để giải quyết vấn đề mất cân bằng thế giới”.

Trước đây, khi thỏa thuận can thiệp tỷ giá, nhóm G7 đã quyết định  trên cơ sở đồng thuận và phản đối các hành động đơn phương, vì lo ngại việc này có thể dẫn tới một cuộc chạy đua phá giá các đồng nội tệ. Thêm vào đó, mới tháng 6 vừa qua, Nhật Bản ký thông qua thông cáo của nhóm G20 yêu cầu các nước có thặng dư thương mại không nên duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.