08:58 27/09/2010

Thế giới tuần 20-26/9: Tranh cãi nảy lửa

Dương Lâm

Ít nhất có 3 cuộc tranh cãi gay gắt đã xảy ra trong tuần qua, thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế

Đất hiếm là một trong những vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm trong tuần.
Đất hiếm là một trong những vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm trong tuần.
Ít nhất có 3 cuộc tranh cãi gay gắt đã xảy ra trong tuần qua, thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế.

Suy thoái Mỹ đã chấm dứt?

Hôm 20/9, Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) tuyên bố cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua ở nước này, kéo dài nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930 của thế kỷ trước, đã chấm dứt từ tháng 6/2009.

Tuy nhiên, NBER cho rằng, điều này không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ đã quay trở lại hoạt động ở công suất bình thường, đồng thời cảnh báo rằng, mặc dù suy thoái chấm dứt nhưng các hoạt động kinh tế đôi khi vẫn thấp hơn bình thường trước khi tăng trưởng trở lại.

Sau cuộc họp hồi tháng 4, một số thành viên của NBER bày tỏ quan ngại về khả năng nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể rơi trở lại vào suy thoái. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới đây, NBER khẳng định bất kỳ sự suy giảm mới nào sẽ đánh dấu một cuộc suy thoái mới, chứ không phải là sự tiếp tục cuộc suy thoái bắt đầu hồi tháng 12/2007.

Tuy nhiên, phát biểu sau đó trên kênh truyền hình CNBC hôm 23/9, tỷ phú Warren Buffett lại khẳng định, “chúng ta chưa hề vượt qua suy thoái”. “Thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thoát được khỏi nó, song nhất định sẽ vượt qua”, ông nói thêm.

Theo tỷ phú Buffett, ông định nghĩa về một cuộc suy thoái hoàn toàn khác với quan niệm của NBER rằng, nó kết thúc khi GDP bình quân đầu người thực tế quay lại mức ban đầu. “Chúng ta nói về kích cầu, song sự thật, thâm hụt liên bang vẫn chiếm tới 9% GDP. Đó là toàn bộ kết quả mà chúng ta nhận được từ những đợt kích thích”.

Trước đó, phát biểu ngay sau tuyên bố của NBER, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nói rằng, việc tuyên bố suy thoái chấm dứt không làm thay đổi thực tế nghiệt ngã đối với nhiều người: "Rõ ràng hiện còn hàng triệu người bị mất việc làm, người dân chứng kiến giá nhà giảm sút và nhiều người vẫn đang vật lộn để chi trả các hóa đơn hàng ngày".

Ông Obama cho rằng kinh tế yếu kém vẫn đang ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ và tỷ lệ thất nghiệp 9,6% không thể giảm trong một thời gian ngắn. Sau khi nhắc lại rằng khó khăn kinh tế hiện nay là hậu quả của chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Obama kêu gọi người dân Mỹ hãy kiên nhẫn hơn.

Châu Âu đã “quẳng xong gánh nợ”

Hôm 21/9, trả lời tờ The Wall Street Journal, Thủ tướng Tây Ban Nha, José Luis Rodríguez Zapatero cho biết, khủng hoảng nợ tại châu Âu đã kết thúc. Tuy nhiên, các nhà kinh tế ngay lập tức phản bác lại, cho rằng khủng hoảng nợ vẫn đang bám dính châu lục này.

Nhà kinh tế Desmond Lachman của Viện doanh nghiệp Mỹ nhận định: “Chúng tôi thấy rằng, các nhà đầu tư đang đòi hỏi lãi suất cao hơn khi mua trái phiếu của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha… Các trái phiếu này có thể sẽ đạt mức cao nhất trong năm nay”. Theo ông, nếu khủng hoảng nợ đã kết thúc, lãi suất trái phiếu các nước trên sẽ giảm, chứ không phải tăng như hiện nay. 

Trong khi đó, nhà kinh tế Michael Schuman cho biết trên trang web của tạp chí Time: “Ông Zapatero có thể không nhìn thấy Ireland đang trải qua thử thách và khó khăn”.

Ông Lachman cho rằng, Thủ tướng Tây Ban Nha phát biểu như trên là vì cuộc khủng hoảng nợ ở mức độ nào đó đã làm khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư và ông Zapatero muốn khôi phục niềm tin thị trường. Tuy nhiên, dù có nói thế nào, nhưng nếu vấn đề của Khu vực đồng Euro chưa được giải quyết triệt để thì vẫn rất khó để khôi phục niềm tin của thị trường.

Như để minh chứng thêm cho những gì ông Zapatero nói là chưa chính xác, hôm 23/9, Chính phủ Ireland thông báo, GDP quý 2 của nước này đã giảm 1,2% so với quý 1, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế Ireland sắp sa vào một cuộc suy thoái kép. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Ireland giảm tới 1,8%. Mức tăng GDP quý 1 cũng được điều chỉnh xuống còn 2,2%.

Trước đó một ngày, hôm 22/9, Bồ Đào Nha đã huy động được 750 triệu Euro trái phiếu chính phủ với mức lãi suất cao nhất kế từ khi nước nay gia nhập Khu vực đồng Euro. Điều này cho thấy thị trường vẫn còn lo ngại về tình hình tài chính của các nước thành viên khối này.

Và câu chuyện đất hiếm

Ngày 23/9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin nước này cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tờ New York Times (Mỹ) cho hay, Trung Quốc đã ra lệnh ngừng tất cả các chuyến hàng vận chuyển đất hiếm tới Nhật.

Theo báo New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, nhằm tăng áp lực buộc Nhật Bản phải thả thuyền trưởng tàu Mân Tấn 5179 đã bị Nhật Bản bắt giữ hồi đầu tháng 9.

Đất hiếm là nhóm 17 loại khoáng sản chiến lược được sử dụng trong các ngành công nghiệp mũi nhọn hiện nay, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp điện tử và xe hơi (chế tạo iPod, xe hybrid hay bóng đèn tiết kiệm năng lượng). Trung Quốc là nước xuất khẩu hơn 97% đất hiếm cho các nước công nghiệp lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản...

Báo trên cho rằng, vấn đề hạn chế xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay là một đề tài thương lượng giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Trong cuộc thảo luận cuối tháng 8/2010, Trung Quốc đã quyết định cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu loại khoáng sản này xuống 40% so với năm 2009. Trong khi Nhật Bản lại muốn Trung Quốc tăng xuất khẩu đất hiếm. Bởi lẽ, với mức cắt giảm này, năm 2010, Nhật Bản sẽ chỉ nhận được 30.000 tấn đất hiếm thay vì 50.000 tấn như năm 2009.

Tuy nhiên theo hãng tin AFP, giới phân tích lại cho rằng, đây có thể là một đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc đối với Nhật Bản và có thể là một trong “những biện pháp mới” mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo công bố ngày 22/9.