07:28 01/11/2010

Thế giới tuần 25-31/10: Thắc thỏm chờ đợi

Dương Lâm

Dường như thị trường hàng hóa quốc tế tuần qua đều thăng giảm theo tâm lý nhà đầu tư trong lúc chờ đợi tín hiệu từ FED

Tầm vóc gói kích thích của FED đang quyết định sự lên xuống của thị trường.
Tầm vóc gói kích thích của FED đang quyết định sự lên xuống của thị trường.
Dường như mọi hoạt động trên thị trường hàng hóa quốc tế tuần qua, từ chứng khoán, vàng cho tới tiền tệ, đều thăng giảm theo tâm lý nhà đầu tư trong lúc chờ đợi tín hiệu sẽ phát đi từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần này về quy mô gói kích thích kinh tế tiếp theo. Trong lúc đó, một cuộc cạnh tranh khác cũng đang âm ỉ diễn ra, cuộc chiến lần tìm đất hiếm.

Tính cả tuần giao dịch từ 25-30/10, thị trường chứng khoán Mỹ cho kết quả đan xen, với chỉ số Dow Jones giảm 0,13%, chỉ số S&P 500 tăng 0,02% và chỉ số Nasdaq tăng 1,12%. Yếu tố gần như chi phối mọi sự thăng giảm trên thị trường trong tuần là sự thận trọng của giới đầu tư trước thềm FED công bố kế hoạch nới lỏng tín dụng tiếp theo.

FED đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục từ 0 - 0,25% từ tháng 12/2008 tới nay, và đã mua vào tổng cộng 1.700 tỷ USD trái phiếu kho bạc và các tài sản có đảm bảo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện, quy mô gói kích thích kinh tế mới chưa rõ ràng, nhưng có khả năng là 1.000 tỷ USD, theo dự báo của Bank of America-Merrill Lynch, hay lên tới 2.000 tỷ USD, theo xem xét của Goldman Sachs hoặc có thể chỉ khởi đầu với 500 tỷ USD.

Các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á cũng diễn biến theo tâm lý này. Nhà đầu tư toàn cầu đang dõi theo cuộc họp chính sách của FED diễn ra trong hai ngày 2-3/11 tới. Phiên cuối tuần, 3 sàn chứng khoán Anh, Pháp, Đức đồng loạt giảm điểm. Xu thế này cũng xuất hiện ở hầu hết các thị trường châu Á, như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Thị trường vàng phiên cuối tháng tiếp tục tăng mạnh. Đây là tháng tăng giá thứ 3 liên tiếp của vàng, do đồng bạc xanh của Mỹ vẫn suy yếu. Cụ thể, giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex của New York, chốt phiên 29/10, tăng 15,1 USD (+1,12%) lên 1.357,6 USD/ounce. Vàng giao ngay tăng 15,7 USD lên 1.359,8 USD/ounce.

Tính chung cả tháng 10, vàng đã tăng 3,7%, trong khi đồng USD mất giá 1,9% so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác. Nếu xét từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng vọt 24% và đang hướng tới năm tăng giá thứ 10 liên tục.

Sở dĩ đồng USD tiếp tục suy yếu và đẩy giá vàng lên cao là do giới đầu tư đánh cược về việc FED sẽ tăng cường bơm tiền mua tài sản nhằm hỗ trợ đà phục hồi phục kinh tế. “Thị trường đang dự đoán và phản ánh vào giá gói chính sách nới lỏng tiền tệ thứ 2. Điều làm cho vàng ngừng tăng giá là nếu Fed chỉ nói, mà không thực hiện,”,  Frank McGhee, một quan chức thuộc hãng chứng khoán Integrated Brokerage Services tại Chicago nói.

“Đã có một số dự đoán rằng các bước bơm tiền vào nền kinh tế của FED sẽ thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Giá vàng có thể vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh, nếu các gói tiền ít ỏi mà FED đưa ra không mang lại những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế”,  nhóm chuyên gia phân tích thuộc Deutsche Bank AG, nhận định.

Cuộc chiến âm thầm

Thế giới tuần 25-31/10: Thắc thỏm chờ đợi - Ảnh 1

Mặc dù theo tiết lộ ngày 28/10 của tờ New York Times rằng, Trung Quốc đã cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu đất hiếm của nước này sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhưng một cuộc cạnh tranh, tìm kiếm nguồn hàng mới vẫn đang diễn ra âm thầm trên khắp các "mặt trận" từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Theo chinhphu.vn, sáng 31/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đang thăm chính thức nước ta lần đầu tiên. Ngay sau hội đàm, lãnh đạo hai nước đã ký “Tuyên bố chung về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo, Việt Nam quyết định chọn Nhật Bản là đối tác giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2 và hợp tác lâu dài trong thăm dò, khai thác, chế biến đất hiếm. Ngược lại, Thủ tướng Naoto Kan khẳng định, Nhật Bản sẽ đáp ứng các điều kiện mà Việt Nam đưa ra như sử dụng công nghệ tiên tiến nhất và an toàn nhất, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác xử lý chất thải.

Không chỉ hợp tác với Việt Nam, hôm 29/10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Seiji Maehara khẳng định, chính phủ nước này sẽ hợp tác với Mỹ để đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu kim loại đất hiếm hết sức cần thiết cho quá trình sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton tại Hawaii, ông Maehara nói: "Chúng tôi phải đa dạng hóa các nguồn kim loại đất hiếm và tại đây một lần nữa Nhật Bản và Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau một cách khéo léo để có được nguồn kim loại đất hiếm được đa dạng hóa"

Ông Maehara nói thêm: "Chúng tôi nghĩ rằng thật không hợp lý khi 97% sản lượng kim loại đất hiếm trên toàn cầu chỉ phụ thuộc vào một mình Trung Quốc". Bà Clinton thì cho rằng, động thái hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm gần đây của Trung Quốc là lời cảnh tỉnh Mỹ cũng như thế giới, nhất là các nước công nghiệp hóa, và khẳng định cần thiết phải đảm bảo các nguồn cung bổ sung.

Trước đó, phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản Akihiro Ohata cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong chuyến thăm Nhật Bản ba ngày (24-26/10) khi hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Naoto Kan, đã đồng ý cung cấp đất hiếm đều đặn cho Nhật Bản trong lúc nền kinh tế kỹ thuật cao này muốn đa dạng hóa nguồn cung.

Theo Bộ trưởng Ohata, hai thủ tướng đã thảo luận về sự hợp tác song phương, về việc phát triển, tái chế và tái sử dụng đất hiếm và các loại kim loại hiếm, nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp liên quan. Theo các quan chức, nguồn dự trữ đất hiếm của Nhật Bản dùng để sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao có thể cạn vào tháng Ba hay tháng Tư năm tới, nếu không nhận được đất hiếm nhập khẩu.

Đau đầu không kém Nhật Bản, Mỹ và châu Âu cũng đang tìm kiếm nguồn cung đất hiếm mới. Liên minh châu Âu (EU) mới đây cho biết, khối này đang theo dõi các động thái của Trung Quốc liên quan đến hoạt động xuất khẩu đất hiếm. Trước đó, Đức đã cảnh báo tác động nghiêm trọng của tình trạng khan hiếm nguồn cung đất hiếm.

EU cũng kêu gọi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra các quy định nhằm đảm bảo hoạt động mua bán nguyên liệu thô. Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức Hans-Peter Keitel nói: "Nguyên liệu đã trở thành vấn đề địa chính trị. Chúng ta cần phải có chính sách nguyên liệu mang tính quốc tế".