09:09 03/01/2011

Thế giới tuần 27/12 - 2/1: Vận hội mới

Dương Lâm - Diệp Anh

Thế giới chào đón năm 2011, Eurozone có thêm thành viên thứ 17, lạm phát tại Trung Quốc có thể dịu bớt

Người dân thế giới hân hoan đón chào năm mới - Ảnh: Getty.
Người dân thế giới hân hoan đón chào năm mới - Ảnh: Getty.
Mặc dù còn đó nhiều nỗi lo lắng, nhưng thế giới vẫn hân hoan chào đón năm mới, Khu vực đồng tiền chung châu Âu chính thức có thành viên thứ 17, lạm phát tại Trung Quốc có thể dịu bớt... là những tin tức nổi bật trong tuần qua.

Hàng triệu người trên thế giới đã hân hoan chào đón những thời khắc đầu tiên của năm 2011, với nhiều hy vọng và ước nguyện. Như thường lệ, các quốc gia nam Thái Bình Dương là những nước đầu tiên bước sang năm mới. Quốc đảo nhỏ bé Kiribati trở thành nơi đầu tiên đón chào năm 2011.

Tại New Zealand, hàng nghìn người dân đã đổ ra đường ngắm nhìn pháo hoa. Tại thành phố miền nam Christchurch, bất chấp hai trận động đất nhỏ vừa xảy ra, người dân thành phố vẫn không ngần ngại mừng năm mới suốt đêm tại quảng trường Cathedral. Ở Australia, khoảng 1,5 triệu người tập trung ngoài trời để thưởng ngoạn màn pháo hoa đặc biệt trên cầu cảng Sydney.

Tại New York (Mỹ), gần 1 triệu người đổ ra chật các đường phố dẫn tới quảng trường Thời đại, để tham dự lễ thả quả cầu truyền thống. Với sự trợ giúp của Thị trưởng Michael Bloomberg, quả cầu pha lê lấp lánh được thả vào 23h59 trong sự hò reo, hân hoan của công chúng. Hàng tấn hoa giấy cũng được thả, với điều ước của mỗi người được viết bằng 25 thứ tiếng.

Tại châu Âu, mặc dù nỗi lo nợ công còn đó, nhưng người dân vẫn háo hức chào đón năm mới với mong ước sẽ có sự đổi thay. Tại London (Anh quốc), hàng nghìn người đổ ra đường chứng kiến màn pháo hoa tại Vòng quay thiên niên kỷ London Eye cao 135m trên bờ sông Thames. Tại Tây Ban Nha, người dân nước này tập trung tại quảng trường chính để ăn lần lượt 12 quả nho.

Tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong thông điệp năm mới được phát đi trên truyền hình rằng, 2010 là một năm tốt lành đối với nước Đức. Tuy vậy, bà nhấn mạnh, nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung sẽ phải tiếp tục chứng tỏ sức mạnh của mình trong tương lai.

2010 cũng được đánh dấu là năm lạc quan của khu vực kinh tế châu Á, nhưng dự báo năm nay sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc chào đón năm mới không vì thế mà kém phần hấp dẫn. Tại ngôi chùa Phật giáo 600 năm tuổi Zojoji ở trung tâm Tokyo (Nhật Bản), hàng nghìn người chờ đợi để thả bóng bay mang theo những tờ giấy gửi gắm hy vọng của họ. Ở Hồng Kông, hàng trăm ngàn người đã tập trung dọc vịnh Victoria để xem pháo hoa được bắn từ nóc các tòa nhà nổi bật nhất thành phố.

Tại Đài Bắc, pháo hoa hình rồng uốn lượn đã vút bay lên từ tòa nhà cao nhất hòn đảo này trong một buổi trình diễn ngoạn mục, hoành tráng nhất từ trước tới nay. Ở Việt Nam, hàng chục nghìn người đã đổ về trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM để đón chào năm mới.

Thế giới tuần 27/12 - 2/1: Vận hội mới - Ảnh 1

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chính thức có thêm thành viên thứ 17 - Estonia - đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tại nhà hát opera quốc gia ở thủ đô Tallinn, Thủ tướng Andrus Ansip cùng một số quan khách nước ngoài đã rút những đồng Euro đầu tiên từ một máy rút tiền tự động đặt bên ngoài nhà hát, trước sự chứng kiến của khoảng 5.000 người.

Giơ cao đồng Euro trên tay, Thủ tướng Andrus Ansip khẳng định, nước này tự hào là thành viên chính thức của một khu vực tài chính lớn thứ hai thế giới. Ông nhấn mạnh, đồng Euro là vật đảm bảo đầu tiên cho an ninh của Estonia.

Trong thông điệp phát đi trước đó vài giờ từ trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso hoan nghênh Estonia gia nhập Khu vực đồng Euro, khẳng định đây là một tín hiệu mạnh mẽ về sức hấp dẫn và sự ổn định mà đồng tiền này có thể mang lại cho tất cả các nước thành viên EU.

Chính phủ Estonia đã cho phép mọi khách hàng giao dịch ở nước này được đổi miễn phí đồng tiền nội địa sang đồng Euro từ ngày 1/12/2010, và được sử dụng song song cả tiền cũ và tiền mới trong 2 tuần đầu của tháng 1/2011. Việc đổi tiền có thể được thực hiện tại một số chi nhánh ngân hàng nhà nước cho đến hết năm 2011 và tại Ngân hàng Trung ương trong thời gian không hạn định.

Việc Estonia gia nhập Eurozone đang nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận trong nước. Hầu hết các cuộc điều tra cho thấy, khoảng 50% người dân Estonia ủng hộ chính sách gia nhập khu vực đồng Euro, trong khi gần 40% phản đối kế hoạch này.

Những người phản đối chủ yếu nêu lý do thời điểm, vì nhiều quốc gia trong Khu vực đồng Euro đang trải qua cuộc khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước. Trong khi những người ủng hộ cho rằng, đồng Euro sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại của Estonia vì 70% khối lượng giao dịch ngoại thương của nước này được thực hiện với các nước thành viên EU.

“Có một vấn đề cần bàn đến là tỷ lệ người ủng hộ đồng Euro chưa cao, song tôi tin rằng con số này sẽ tăng dần như ở Slovakia. Đồng Kroon gần gũi với nhiều người, nhưng tiếc là các nhà đầu tư chuộng tiền Euro hơn”, Thủ tướng Andrus Ansip nói. “Tôi cũng tin chắc đồng Euro sẽ có một tương lai tươi sáng”, ông cho biết thêm.

Thế giới tuần 27/12 - 2/1: Vận hội mới - Ảnh 2

Dẫn báo cáo của cơ quan thống kê Trung Quốc công bố trong ngày đầu tiên của năm 2011, Bloomberg cho hay, lạm phát của nước này có thể dịu bớt do tăng trưởng sản xuất đã chậm lại trong tháng 12/2010.

Cụ thể, theo báo cáo, chỉ số quản lý sức mua của nền kinh tế châu Á này lần đầu tiên trong 5 tháng qua, đã giảm từ mức 55,2 điểm trong tháng 11 xuống còn 53,9 điểm trong tháng 12, mức giảm mạnh hơn dự báo của giới phân tích. Chi phí đầu vào của các nhà sản xuất tăng với nhịp độ chậm hơn.

Trước đó, quyết định nâng lãi suất cơ bản của Trung Quốc vào thời điểm Giáng sinh, theo các chuyên gia quốc tế, phát đi tín hiệu cho thấy, nước này đã mất niềm tin vào các biện pháp kiềm chế lạm phát và tăng trưởng tín dụng khác, vốn khiến giá nhà đất và thực phẩm tăng cao.

Chiến lược gia Brian Jackson tại ngân hàng hoàng gia Canada cho rằng, các biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng thông qua nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, hạn chế cho vay và nhiều biện pháp khác đã mất khả năng phát huy tác dụng.

Trong khi đó, giáo sư Xu Xiaonian thuộc trường kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải lại cho rằng, tái cơ cấu lại là vấn đề quan trọng nhất. “Lạm phát chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Vấn đề căn bản nhất mà chúng ta phải giải quyết là cơ cấu. Chúng ta cần mở cửa nhiều hơn, cần những chính sách cải cách”, ông này cho hay.

Cũng trong ngày đầu tiên của năm mới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố giá trị mới của bốn đồng tiền, gồm USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật trên cơ sở Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - đơn vị tính toán tiền tệ và cũng là đồng tiền của IMF.

Sau khi đánh giá tiền tệ (được tiến hành 5 năm một lần), IMF quyết định, kể từ ngày 1/1/2011, hệ số mới của mỗi đồng tiền được tính toán dựa trên sức nặng của chúng. Theo đó,  USD hệ số 0,660; Euro hệ số 0,423; Bảng Anh 0,111 và Yên Nhật 12,1.

Sức nặng của mỗi đồng tiền trên được IMF quyết định dựa trên giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước hoặc liên minh tiền tệ phát hành đồng tiền đó, đồng thời dựa trên số lượng ngoại tệ mà các nước thành viên IMF dự trữ bằng đồng tiền này.

Theo hai tiêu chí trên, IMF quyết định sức nặng của bốn đồng tiền trong rổ tiền tệ như sau: đồng USD: 41,9% (giảm so với mức 44% của đợt xem xét năm 2005), Euro: 37,4% (tăng so với mức 34% của năm 2005), Bảng Anh 11,3% (tăng so với 11% của năm 2005) và Yên Nhật 9,4% (giảm so với 11% của năm 2005).

Sự thay đổi sức nặng của mỗi đồng tiền hợp thành SDR này là để đảm bảo tổng giá trị hối đoái của các đồng tiền trên so với đồng USD luôn duy trì giá trị 1 SDR tương đương 1,54003 USD. Tỷ giá hối đoái mới của đồng SDR sẽ được IMF công bố ngày 7/1 tới và có giá trị từ ngày 10/1/2011.