09:35 13/09/2010

Thế giới tuần 6-12/9: Việt Nam trong mắt “người ngoài”

Dương Lâm

Khá nhiều đánh giá trên thế giới trong tuần qua có nhắc tới yếu tố kinh tế của Việt Nam, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực

Việt Nam tham dự Hội chợ Caexpo 2009 tại Trung Quốc - Ảnh: Kas.
Việt Nam tham dự Hội chợ Caexpo 2009 tại Trung Quốc - Ảnh: Kas.
Khá nhiều tờ báo và tổ chức xếp hạng quốc tế trong tuần qua có nhắc tới Việt Nam, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, nói như tờ Saigon Times, điều quan trọng không phải là họ hiểu về chúng ta ra sao, mà là ta cần biết, trong mắt họ, kinh tế Việt Nam như thế nào, từ đó chủ động điều chỉnh hình ảnh bản thân.

Những tờ báo và tổ chức xếp hạng đó là những kênh quảng bá và chấm điểm hình ảnh về kinh tế Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài, có thể ảnh hưởng đến chi phí vốn vay quốc tế của chúng ta, vì vậy không thể phớt lờ họ được. Vấn đề là làm sao để cải thiện hình ảnh của ta trong mắt người khác.

Tăng 16 bậc

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đã thăng 16 hạng, từ bậc 75 lên vị trí 59 trên tổng số 139 nền kinh tế được nêu tên. Điểm số năng lực cạnh tranh của Việt Nam là 4,3 điểm, tăng 0,3 điểm so với báo cáo 2009-2010.

Từ báo cáo này có thể thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện hơn dưới đánh giá của WEF. Cụ thể, Việt Nam xếp hạng 74 về các yêu cầu cơ bản (thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản và chăm sóc y tế); hạng 57 về các nhân tố cải thiện hiệu quả và hạng 53 đối với các nhân tố sáng tạo và phát triển.

Việt Nam xếp hạng khá cao ở các tiêu chí như tiền lương và năng suất (hạng 4), mức độ tin tưởng của dân chúng vào các chính khách (32), mức độ tin cậy của lực lượng cảnh sát (41), hệ thống điện thoại cố định (35), tỷ lệ tiết kiệm quốc gia (17)… nhưng lại đứng gần chót bảng ở mức độ bảo vệ nhà đầu tư 133), gánh nặng thủ tục hành chính (120), cơ sở hạ tầng (123)…

5 rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam là khả năng tiếp cận vốn, lạm phát, sự ổn định về chính sách, lực lượng lao động yếu kỹ năng và cơ sở hạ tầng yếu kém.

Sụt 5 hạng

Theo kết quả bình chọn những quốc gia và vùng lãnh thổ có môi trường kinh doanh tốt nhất của tạp chí chuyên xếp hạng Forbes, Việt Nam đứng thứ 118 trên tổng số 128 địa danh được nêu tên, tụt 5 bậc so với hạng 113 của năm 2009.

Đây là bảng xếp hạng được Forbes thực hiện hàng năm, trên cơ sở đánh giá tổng hợp một loạt yếu tố. Với thứ hạng 118, Việt Nam đứng trên Gambia, Syria, Tajikistan, Cote d'Ivoire (Bờ Biển Ngà), Bolivia, Cameroon, Burundi, Chad, Zimbabwe và Venezuela.

Yếu tố đánh giá khiến Việt Nam giảm điểm trong báo cáo năm nay là yếu tố bảo vệ nhà đầu tư. Ở hạng mục này, Việt Nam xếp hạng 125, tụt so với năm ngoái. Còn lại, ở các tiêu chí khác, xếp hạng của Việt Nam không có sự thay đổi, như tự do thương mại của Việt Nam xếp hạng 105, tự do tiền tệ xếp hạng 125, gánh nặng thuế quan 103.

Forbes nhận định, Việt Nam là quốc gia đang phát triển đông dân, với 88,6 triệu người. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam đạt 2.900 USD và tỷ lệ nợ công trên GDP là 53,7%. Tuy nhiên, suy thoái toàn cầu đã khiến nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của Việt Nam yếu đi.

Nhân công rẻ

Tờ Saigon Times dẫn bài viết trên báo The Economist cho biết, kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ một lợi thế nhân công rẻ so với điều kiện giá nhân công đang tăng lên ở phía Nam Trung Quốc hiện nay. Vì vậy, các tập đoàn đa quốc gia hướng tới việc thiết lập hoạt động ở Việt Nam để tận dụng nguồn nhân công rẻ này và đa dạng hóa rủi ro.

Một đồ thị của bài báo này cho thấy mức lương bình quân hàng tháng của nhân công Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc, Thái Lan, Phillipines, Indonesia và Malaysia. Vậy là so với những nền kinh tế láng giềng, Việt Nam vẫn đang duy trì một lợi thế giá nhân công thấp.

Chuyện cúp điện của Việt Nam được bài báo nhắc tới và xem đó là một ví dụ điển hình về tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém của Việt Nam. Cuối cùng, bài báo này không quên nhắc đến sự kiện Vinashin như là một bằng chứng của sự tồn tại các tập đoàn kinh tế nhà nước “quá lớn không thể để cho sụp đổ” (too big to fail).

Dưới góc nhìn của bài báo này, nhiều tập đoàn kinh tế có lợi thế lớn từ nguồn tín dụng giá rẻ và sự hỗ trợ của chính phủ, do đó chúng trở thành một thế lực cản trở hoạt động tự do cạnh tranh trong một số lĩnh vực.

IMF cảnh báo

Trang tin Vietstock dẫn nguồn tin Reuters cho hay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 8/9 cảnh báo rằng động thái cắt giảm lãi suất cho vay quá nhanh của Việt Nam sẽ đe dọa đến sự bình ổn của thị trường. Theo IMF, Việt Nam nên duy trì giá trị của VND để bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính.

Trong báo cáo định kỳ về tình hình kinh tế Việt Nam được công bố ngày hôm qua, IMF cho rằng: “Các công bố liên tiếp của Chính phủ Việt Nam về nhu cầu cần thiết phải hạ thấp lãi suất cho vay có thể phản tác dụng”.

Cũng theo Vietstock dẫn bài viết trên tờ Financial Times, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho rằng, thông tin trong báo cáo của IMF là “không chính xác”. Ông cho biết: “Khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra, một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ vững ổn định tăng trưởng kinh tế vĩ mô, còn ưu tiên thứ hai là duy trì sự minh bạch”.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, hiện Chính phủ đang tập trung giữ tỷ giá VND/USD ổn định và những thay đổi thời gian qua chứng tỏ “Việt Nam là nền kinh tế thị trường”. Ông nói: “Tôi chưa nhận thấy tín hiệu tiêu cực nào từ phía nhà đầu tư nước ngoài, họ không hề tỏ ra lo lắng”.