16:08 26/08/2011

Tiền đầu tư của Libya đang nằm ở đâu?

An Huy

Theo giới phân tích, khối tài sản khổng lồ mà chế độ Gaddafi để lại sẽ giúp ích nhiều cho công cuộc tái thiết Libya

Một chiến binh thuộc phe nổi dậy tại Tripoli. Chiến cuộc tại Libya đang đi dần đến hồi kết - Ảnh: AFP.
Một chiến binh thuộc phe nổi dậy tại Tripoli. Chiến cuộc tại Libya đang đi dần đến hồi kết - Ảnh: AFP.
Với việc phe nổi dậy gần như đã chiếm lĩnh thủ đô Tripoli và lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, một tương lai mới đang mở ra với Libya. Theo giới phân tích, khối tài sản khổng lồ mà chế độ Gaddafi để lại sẽ giúp ích nhiều cho công cuộc tái thiết quốc gia châu Phi này.

Với nguồn tài nguyên “vàng đen” dồi dào, Libya là nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu của lục địa đen. Ngành dầu khí tạo việc làm cho 3/4 dân số Libya, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của nước này vẫn ở mức cao.

Dưới thời Gaddafi, một phần không nhỏ nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa đã được dùng để đầu tư vào trái phiếu chính phủ của nhiều nước châu Âu trước đây là đồng minh thân cận của Libya, chẳng hạn Italy, thông qua Cơ quan Đầu tư Libya.

Theo hãng tin CNN, một bản báo cáo tài chính do tổ chức Global Witness thu thập được cho thấy, Cơ quan Đầu tư Libya sở hữu khối tài sản trị giá 64 tỷ USD tính đến tháng 9 năm ngoái. Trong khi đó, GDP của Libya theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ đạt có 62,36 tỷ USD trong năm 2010, tăng 4,2% so với năm 2009.

Danh mục khối tài sản này theo thông tin mà bản báo cáo trên đưa ra gồm:

- 593,237 triệu USD tiền mặt (dưới dạng USD, Đô la Canada, Bảng Anh, Franc Thụy Sỹ và Euro)

- 20,202466 tỷ USD tiền gửi

- 7,199841 tỷ USD cổ phiếu

- 3,185220 tỷ USD trái phiếu

- 3,995280 tỷ USD đầu tư vào các quỹ đầu cơ

- 24,710972 tỷ USD trong các công ty con của Cơ quan Đầu tư Libya

- 4,300600 tỷ USD tài sản khác

Khoảng 68% tài sản do Cơ quan Đầu tư Libya nắm giữ được cất ở châu Âu, trong đó những ngành được đầu tư mạnh nhất gồm truyền thông, giao thông và ngân hàng. Những khoản đầu tư lớn nhất bao gồm:

- 2,6% cổ phần ngân hàng lớn nhất của Italy là UniCredit, trị giá 1,3 tỷ USD

- 3% cổ phần của Pearson, công ty xuất bản tờ Financial Times, trị giá dưới 412 triệu USD

- 2% cổ phần của nhà thầu vũ trụ và quốc phòng Finmeccanica, trị giá 119 triệu USD

- Cổ phần trong các doanh nghiệp khác, như Siemens, BASF, Lagardere, Nokia, Telefonica, Pfizer…

Hiện tại, hầu hết các tài sản của chế độ Gaddafi giờ đã bị đóng băng và có thể được sử dụng để tái thiết quốc gia này một khi tình hình an ninh được cải thiện. Theo các chuyên gia, chính nhờ những khoản đầu tư của Gaddafi mà Libya sắp tới sẽ không lo thiếu tiền.

“Tiền là chuyện mà Libya không phải nghĩ. Họ có nhiều tiền mà lại chẳng nợ nần là bao”, ông Jan Randolph, Giám đốc mảng rủi ro nợ quốc gia thuộc hãng nghiên cứu IHS Global Insight, nhận định.