08:42 12/09/2007

Tin vắn thị trường thế giới ngày 11/9

P.V

Một số tin vắn đáng chú ý về diễn biến giá cả nông lâm sản trên thị trường thế giới trong ngày 11/9

Một số tin vắn đáng chú ý về diễn biến giá cả nông lâm sản trên thị trường thế giới trong ngày 11/9.

* Ngày 11/9, giá ca cao giao ngay lúc mở cửa tại New York đạt 1.852 USD/tấn. Giá ca cao đã tăng thêm 37 USD/tấn so với ngày 7/9. Giá ca cao giữ vững đà tăng từ mức 1.775 USD/tấn ngày 27/8. So với cùng kỳ tháng trước, giá ca cao chỉ còn thấp hơn 1.874 USD/tấn khoảng 1,1%.

Nỗi lo sâu bệnh phá hoại mùa màng ở Bờ Biển Ngà, nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, đã làm giá ca cao tại New York trải qua gần hai tuần giao dịch với xu thế tăng. Giới giao dịch cho biết, các đồn điền trồng ca cao ở Bờ Biển Ngà đang bị ảnh hưởng bởi bệnh nấm, mà theo ước tính của các chuyên gia thị trường, sản lượng ca cao vụ 07/08 có thể giảm 20.000 tấn.

* Ngày 11/9, giá FOB gạo 100%B Bangkok giao ngay lúc mở cửa còn 331 USD/tấn. Giá gạo tiếp tục giảm thêm 1 USD/tấn so với ngày 7/9. Nếu so với mức cao nhất kể từ đầu năm đạt được vào ngày 20/7 là 350 USD/tấn, giá gạo đã giảm gần 5,5%.

Theo giới thương nhân, giá gạo sẽ còn giảm nữa do Chính phủ Thái Lan có thể tạm dừng Chương trình can thiệp vào thị trường trong 4 tháng từ tháng 11. Nhiều năm qua Chính phủ đã mua lượng gạo lớn của nông dân với giá cao hơn giá thị trường, khiến cho gạo dự trữ tăng, đạt khoảng 4 triệu tấn, gây khó khăn trong bảo quản. Tuần này Chính phủ sẽ bán đầu giá hơn 800.000 tấn gạo từ kho dự trữ.

* Ngày 11/9, giá hạt tiêu xuất khẩu trên thị trường thế giới vào khoảng 3.000 -4.000 USD/tấn. Nguồn cung khan hiếm bởi thời tiết không thuận ở các nước xuất khẩu lớn như Brazil, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam. Indonesia và Brazil đang thu hoạch hạt tiêu, nhưng người trồng vẫn lưỡng lự không muốn bán ngay.

Theo Tổ chức Hạt tiêu Thế giới, cung hạt tiêu toàn cầu năm nay đạt khoảng 329.000 tấn, nhu cầu lên tới 376.500 tấn. Tuy nhiên, giá xuất khẩu biến động mạnh có thể khiến khách hàng mất lòng tin vào thị trường. Dự báo, nhu cầu tăng lên trên thị trường nội địa Ấn Độ mùa lễ hội và mùa đông có thể làm giảm lượng bán ra những ngày tới, ngành rang xay có thể sẽ tích cực mua vào sẽ đẩy giá tăng lên nữa.

* Ngày 11/9, giá FOB cao su RSS2 giao ngay tại Singapore lúc mở cửa đạt 3.281 SGD/tấn. Giá cao su này đã tăng thêm 16 SGD/tấn so với ngày 7/9. Giá cao su đang trên đà phục hồi, nhưng vẫn thấp hơn 3.380 SGD/tấn ngày 7/8, mức cao nhất tháng 8.

Giá cao su đang được hỗ trợ bởi nhu cầu mua vào vẫn cao, mặc dù mưa đã tạnh ở một số khu vực trồng cao su chủ chốt ở Thái Lan và Malaysia, giúp củng cố nguồn cung. Mùa lễ hội kéo dài Hari Raya vào tháng tới sẽ thúc đẩy nhu cầu mua vào tích trữ của giới thương nhân. Hiệp hội cao su Nhật cho biết, dự trữ cao su thô của nước này tính đến 31/8 đã giảm 5,7% xuống 9.819 tấn so với ngày 20/8, giảm 3% so với 10.136 tấn cùng kỳ năm ngoái.

* Ngày 11/9, giá bông số 2 giao ngay lúc mở cửa tại New York còn 1.278 USD/tấn. Giá bông số 2 giảm 2 USD/tấn so với ngày 7/9, sau khi ở xu thế tăng từ mức 1.251 USD/tấn ngày 3/9.

Các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra kiếm lời sau khi giá bông tăng liên tục gần 1 tuần, gây bất lợi cho giá bông. Nhưng theo nhận định của các thương nhân, giá bông sẽ sớm lấy lại đà tăng dựa trên báo cáo của Uỷ ban tư vấn bông quốc tế cho thấy, vụ 07/08 sản lượng bông thế giới dự báo sẽ giảm 2,3% đạt 25,4 triệu tấn so với 26 triệu tấn vụ trước. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ bông thế giới sẽ tăng 1,3% đạt 27 triệu tấn cao hơn 1,6 triệu tấn so với sản lượng và cao hơn 26,65 triệu tấn tiêu thụ 2006.