08:11 18/03/2008

Tin vắn thị trường thế giới ngày 17/3

P.V

Một số tin vắn đáng chú ý về diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới ngày 17/3

Một số tin vắn đáng chú ý về diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới ngày 17/3.

* Blonnet 17/3, giá tiêu xuất khẩu Ấn Độ giảm từ 3.975 USD/tấn CIF ngày 13/3 xuống còn 3.850 USD/tấn CIF. Mức giá trên được cho là rẻ nhất so với tiêu xuất xứ khác nên nhận được nhu cầu rất lớn. Hoạt động bán ra không gây sức ép lớn đối với thị trường giao ngay.

Lượng hàng thanh lý từ những quỹ hàng lớn lập tức được các nhà xuất khẩu mua vào để đáp ứng nhu cầu từ nước ngoài. Giá tiêu giao ngay giảm theo xu hướng của thị trường kỳ hạn, giảm 200 Rupi so với ngày 13/2008 xuống 14.100 Rupi/tạ (chưa phân loại) và 14.700 Rupi/tạ (MG1). Tác động xấu của hoạt động trục lợi đã làm hợp đồng ở tất cả các kỳ hạn đều giảm giá. Trên sàn NCDEX, giá tháng 3/2008 giảm 445 Rupi xuống 14.310 Rupi/tạ.

* Dow Jones 17/3, tại Thái Lan, tình trạng thiếu giả tạo gạo xuất khẩu vẫn tiếp diễn, bởi hầu hết các nhà xay xát và nông dân vẫn găm hàng chờ giá tăng. Giá chào bán gạo tại cuộc đấu thầu mua gạo của Philippines rất cao, với gạo 25% tấm, giá trên 600 USD/tấn, khích lệ người có hàng giữ hàng lại chờ giá tăng thêm.

Trong khi đó, có tin đồn, Chính phủ Thái Lan đang xem xét một hệ thống hạn ngạch để kiểm soát xuất khẩu gạo và giữ giá nội địa ổn định. Hệ thống hạn ngạch xuất khẩu đã được xoá bỏ tại Thái Lan hơn 20 năm nay vì nó chỉ có lợi cho những nhà xuất khẩu lớn. Các nhà xuất khẩu có thể lỗ rất nặng, nếu giá trong nước cứ tiếp tục tăng hơn nữa. Giá gạo 100% B Bangkok vững ở mức 570 USD/tấn FOB, tăng 80 USD/tấn so với ngày 5/3.

* Xinhua 17/3, Phó thủ tướng kim Bộ trưởng thương mại Thái Lan, Mingkwan Sangsuwan đã thuyết phục được 12 nhà sản xuất giảm giá 60 mặt hàng tiêu dùng từ 10-15% trong vòng từ 2-6 tháng tới. Theo đó, 15 loại sữa bột sẽ giảm từ 10-56 Baht và 45 loại hàng tiêu dùng hàng ngày giảm từ 2-20 Baht.

Việc giảm giá bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/3, sẽ thích hợp với cả các cửa hàng bán lẻ địa phương và các tổ hợp bán lẻ lớn, nhằm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng. Tám tổ hợp siêu thị, trong đó có Tops, Marko, Samyan cùng các nhà sản xuất Nestle, Dumex, Alacta, Saha Group, Lion, Colgate, P&G, Kao, Johnon, Osotspa và PZ Cussons đã hưởng ứng đề nghị giảm giá của Phó thủ tướng Mangkwan.

* Reuters 17/3, Phoschem của Mỹ đã bán 16.000 tấn DAP với giá 1.000 USD/tấn FOB cho khách Trung Mỹ, giao hàng tháng 5,6/2008. Thị trường DAP đang sốt cao khi tuần qua có tới 3 cuộc gọi thầu mua 700.000 tấn DAP của Etiopiah, Iran, Ấn Độ mà không có một đơn hàng riêng lẻ nào được thực hiện.

Các giao dịch nổi bật tuần qua là OCP bán DAP với giá 970 USD/tấn FOB cho Mỹ Latinh; IFCCO đã mua 35.000 tấn DAP của Phoschem với giá 1.045,85 USD/tấn CFR; khách hàng Việt Nam trả mức giá 1.100 USD/tấn CFR để mua một lượng nhỏ DAP của Hàn Quốc. Thiếu nguyên liệu sản xuất, trong khi nhu cầu của người nông dân tăng cao sẽ là động lực đẩy giá DAP tiếp tục vượt xa mức 1.000 USD/tấn.

* Reuters 17/3, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, giá xăng bán lẻ tại Mỹ đã tăng lên 3,225 USD/gallon, tăng 0,7 UScent so với mức cao nhất năm 2007 vào ngày 21/5, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 3,405 USD/gallon tháng 3/1981.

Cameron Hanover dự báo, vào dịp Phục Sinh (24/3) mức giá bán lẻ xăng có thể đạt 3,5 USD/gallon và sẽ lên 4 USD/gallon vào dịp Lễ tưởng niệm (26/5). Giá các loại hàng hoá như xăng, dầu, ngô, kim loại... đang trên đà tăng cao vì các nhà đầu tư đang đổ tiền vào kinh doanh những mặt hàng này, coi đây là hàng hoá giúp bảo toàn vốn trong khi USD mất giá và lãi suất cho vay bị cắt giảm. Trong tháng 3, trung bình giá xăng tăng gần 1 UScent/ngày.