15:39 07/05/2014

Tòa án Thái Lan buộc Thủ tướng từ nhiệm

An Huy

Phán quyết ngày 7/5 của Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho rằng Thủ tướng đã vi phạm hiến pháp

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra - Ảnh: EPA.<br>
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra - Ảnh: EPA.<br>
Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm nay (7/5) đã ra phán quyết buộc Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phải từ nhiệm, sau khi kết luận bà lạm dụng quyền lực. Diễn biến này đẩy Thái Lan chìm sâu thêm vào khủng hoảng chính trị.

Theo tin từ Bloomberg, Thẩm phán Tòa án Hiến pháp Thái Lan Udomsak Nitimontree tuyên bố trong quyết định được truyền hình trực tiếp rằng, bà Yingluck, 46 tuổi, “vi phạm hiến pháp”. Bà bị cáo buộc điều chuyển Chánh thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia vào năm 2011 “để mở đường cho việc bổ nhiệm một người họ hàng vào vị trí cảnh sát trưởng”, và quy trình này bị cho là “chứng tỏ sự lạm dụng quyền lực”.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan nói rằng, phán quyết trên khiến địa vị thủ tướng của bà Yingluck trở thành vô hiệu lực, dẫn tới những hoài nghi về khả năng Chính phủ tạm quyền của bà có thể tồn tại cho tới khi tiến hành bầu cử vào ngày 20/7 tới như Ủy ban Bầu cử Thái đã nhất trí.

Ngoài ra, phán quyết này cũng dẫn tới nguy cơ kéo dài cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan - cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái với những cuộc biểu tình chống chính phủ của bà Yingluck, và có nguồn gốc sâu xa từ việc loại bỏ anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, khỏi ghế Thủ tướng trong cuộc đảo chính năm 2006.

Bloomberg nhận định, phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan có thể dẫn tới sự phản kháng của lực lượng ủng hộ bà Yingluck, chủ yếu là nông dân, gọi là phe “áo đỏ”, có nguy cơ đẩy nước này vào một cuộc nội chiến.

Bạo lực chính trị đã khiến ít nhất 28 người ở Thái Lan thiệt mạng trong 8 tháng qua.

Phe đối lập của bà Yingluck đã yêu cầu bà chấp nhận một chính phủ không thông qua bầu cử, thay đổi các quy định chính trị nhằm loại bỏ ảnh hưởng của gia đình Shinawatra. Những người biểu tình phản đối bà Yingluck nói rằng, một phán quyết loại bà Yingluck sẽ tạo cơ hội để thành lập một chính phủ lâm thời.

Trong khi đó, thủ lĩnh phe “áo đỏ” Jatuporn Prompan ngày 6/5 tuyên bố, những người ủng hộ chính phủ của bà Yingluck sẽ tập trung ở Bangkok vào ngày 10/5 để “chứng tỏ sức mạnh của chúng tôi, rằng chúng tôi không chấp nhận bất kỳ hành động nào chống lại hiến pháp”.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng nói rằng, tất cả các bộ trưởng có liên quan trong vụ điều chuyển năm 2011 mà bà Yingluck bị cho là lạm dụng quyền lực cũng không thể duy trì chức vụ. Tuy nhiên, danh tính của các bộ trưởng này không được nêu rõ.

Theo ông Michael Montesano, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, ảnh hưởng từ quyết định cách chức bà Yingluck “sẽ tùy thuộc vào việc chính phủ của bà sẽ được thay thế nhanh chóng tới mức độ nào, và bằng một chính phủ như thế nào”.

Ông cho rằng, nếu các bộ trưởng dưới quyền bà Yingluck được giữ chức, một trong số họ có thể trở thành thủ tướng mới. Trong khi đó, việc loại bỏ toàn bộ nội các của bà Yingluck “sẽ khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn nhiều” vì bất kỳ chính phủ nào sau đó lên cầm quyền cũng sẽ bị xem là thiếu tính hợp pháp.

Chính phủ của bà Yingluck trở thành chính phủ tạm quyền với quyền lực hạn chế từ tháng 12 năm ngoái sau khi bà Yingluck giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử nhằm chấm dứt biểu tình. Tuy nhiên, tòa án Thái Lan đã tuyên rằng kết quả bỏ phiếu hồi tháng 2 là không hợp pháp vì việc bỏ phiếu không diễn ra trên toàn quốc trong cùng ngày do người biểu tình ngăn chặn hoạt động bỏ phiếu ở một số khu vực.

Chính phủ Thái Lan và Ủy ban Bầu cử của nước này sau đó đã nhất trí tổ chức bầu cử lại vào ngày 20/7, nhưng quyết định vẫn còn chờ được nhà vua thông qua. Phe đối lập chính là đảng Dân chủ Thái Lan tiếp tục đe dọa sẽ tẩy chay cuộc bầu cử như đã làm hồi tháng 2.

Những người biểu tình phản đối bà Yingluck cáo buộc bà là “con rối” của người anh trai Thaksin. Họ cho rằng, nhà Shinawatra theo chủ nghĩa tư bản “cha truyền con nối”, lạm dụng quyền lực và sử dụng các chính sách “mị dân” để giành phiếu bầu của các cử tri nông thôn.

Phe biểu tình cũng cho rằng, không nên tổ chức bất kỳ cuộc bầu cử nào cho tới khi hệ thống chính trị của Thái Lan được “làm sạch” để đảm bảo Thaksin và các đồng minh của ông này không bao giờ giành chiến thắng trong bầu cử nữa. Các đảng liên minh với Thaksin đã thắng liên tục trong 5 cuộc bỏ phiếu gần nhất ở Thái Lan, trong khi đảng Dân chủ chưa giành thắng lợi nào trong hơn 2 thập kỷ qua.