09:18 02/06/2017

Tổng thống Trump: "Chúng tôi không muốn bị quốc gia khác cười vào mặt"

An Huy

Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Donald Trump tuyên bố

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 1/6 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 1/6 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/6 tuyên bố ông sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Đây là động thái hiện thực hóa một trong những lời hứa chính mà ông Trump đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, nhưng vấp phải sự chỉ trích cả từ phía các đồng minh và lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo hãng tin Reuters, ông Trump - người đưa ra thông điệp “nước Mỹ” trên hết khi đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái - nói rằng thỏa thuận Paris sẽ làm giảm sức mạnh nền kinh tế Mỹ, khiến người lao động Mỹ mất việc làm, làm suy yếu chủ quyền quốc gia Mỹ, và đặt nước Mỹ vào thế bất lợi vĩnh viễn so với các quốc gia khác trên thế giới.

Quyết định gây thất vọng

“Chúng tôi không muốn các nhà lãnh đạo khác và các quốc gia khác cười vào mặt chúng tôi thêm nữa. Và họ sẽ không làm thế nữa”, ông Trump nói. “Chính những nước đề nghị chúng tôi ở lại trong thỏa thuận này là những nước đã khiến nước Mỹ thiệt hại tổng cộng hàng nghìn tỷ USD thông qua những hoạt động thương mại khó, và trong một số trường hợp không đóng góp đầy đủ vào liên minh quân sự quan trọng của chúng tôi”, ông Trump nói.

Những người ủng hộ thỏa thuận Paris gọi động thái của nhà lãnh đạo Mỹ là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát sự nóng lên của Trái Đất - vấn đề đe dọa gây ra những hậu quả to lớn đối với trong thế kỷ này và xa hơn. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ sự tiếc nuối trước việc nước này rút khỏi một thỏa thuận mà ông giữ vai trò đi đầu.

“Nhưng cho dù thiếu sự lãnh đạo của nước Mỹ, cho dù chính quyền này gia nhập một nhóm nhỏ các quốc gia phủ nhận tương lai, thì tôi vẫn tin rằng các tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp của chúng ta sẽ thúc đẩy và nỗ lực nhiều hơn nữa để đi đầu, và để bảo vệ các thế hệ tương lai trên hành tinh của chúng ta”, ông Obama phát biểu.

“Quyết định ngày hôm nay là một trở ngại đối với môi trường và đối với vị trí lãnh đạo của nước Mỹ trên thế giới”, Giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng Goldman Sachs, ông Lloyd Blankfein, viết trên mạng xã hội Twitter.

Ông Trump nói Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán về hai khả năng: hoặc quay lại thỏa thuận Paris, hoặc có một thỏa thuận mới “với những điều khoản công bằng cho nước Mỹ, doanh nghiệp, người lao động, nhân dân, và người đóng thuế của Mỹ. Ông Trump cũng đặc biệt phàn nàn về những điều khoản về Trung Quốc trong thỏa thuận này.

Thời gian qua, các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Giáo hoàng Francis, đều đã kêu gọi ông chủ Nhà Trắng không từ bỏ thỏa thuận Paris.

Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra một tuyên bố chung hiếm hoi nói không thể đàm phán lại thỏa thuận Paris và hối thúc các nước đồng minh gia tăng nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo này cũng hứa sẽ làm nhiều hơn để giúp các nước đang phát triển thích nghi.

“Mặc dù quyết định của Mỹ là một điều gây thất vọng, chúng tôi vẫn tin tưởng và động lực đang ngày càng lớn trên thế giới về chống biến đổi khí hậu và sự dịch chuyển để trở thành những nền kinh tế tăng trưởng sạch hơn”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu.

Mỹ tách mình khỏi thế giới

Với động thái trên của Tổng thống Trump, nước Mỹ gần như tách mình khỏi tất cả mọi quốc gia trên thế giới tại một trong những vấn đề toàn cầu cấp bách nhất trong thế kỷ 21. Hiện chỉ có hai quốc gia là Syria và Nicaragua là không tham gia thỏa thuận Paris về chống sự nóng lên của Trái Đất.

Mỹ là một trong số 195 quốc gia đạt thỏa thuận này tại thủ đô của nước Pháp vào tháng 12/2015. Theo nội dung thỏa thuận phải mất nhiều năm mới đạt được, các quốc gia cả giàu và nghèo cùng cam kết giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính - loại khí thải phát sinh khi đốt năng lượng hóa thạch và bị các nhà khoa học cho là nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên.

“Chúng tôi sẽ ra khỏi thỏa thuận”, ông Trump nói tại một buổi lễ ở Vườn Hồng của Nhà Trắng. “Tôi trúng cử để đại diện cho công dân của Pittsburgh, chứ không phải đại diện cho người Paris”.

Tuy nhiên, thị trưởng thành phố Pittsburgh, ông Bill Peduto, một thành viên của Đảng Dân chủ, “phản pháo” Tổng thống trên mạng xã hội Twitter rằng thành phố này ủng hộ thỏa thuận Paris. Pittsburgh vốn là trung tâm của ngành công nghiệp thép Mỹ.

Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres gọi động thái của ông Trump là một “điều gây thất vọng lớn”. Cơ quan của Liên hiệp quốc về đàm phán chống biến đổi khí hậu nói thỏa thuận Paris không thể được đàm phán lại theo yêu cầu của một quốc gia.

Giám đốc điều hành (CEO) hãng xe điện Tesla, ông Elon Musk, tuyên bố sẽ rời khỏi Hội đồng Cố vấn Nhà Trắng sau khi ông Trump đưa ra tuyên bố trên. “Biến đổi khí hậu là có thật. Rời thỏa thuận Paris là điều không tốt cho cả nước Mỹ và thế giới”, ông Musk viết trên Twitter.

CEO tập đoàn công nghiệp General Electric (GE) Jeff Immelt cũng bày tỏ sự thất vọng về quyết định của ông Trump và nói: “Biến đổi khí hậu là chuyện có thật. Ngành công nghiệp giờ đây phải nắm lấy vai trò đi đầu và không thể phụ thuộc vào Chính phủ nữa”.

Các thủ lĩnh Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ ủng hộ quyết định của ông Trump, trong khi phe Dân chủ chỉ trích kịch liệt động thái này.

Theo thỏa thuận Paris, Mỹ cam kết đến năm 2025 giảm 26-28% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2005. Mỹ hiện chiếm hơn 15% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Những người ủng hộ thỏa thuận Paris nói động thái của ông Trump khiến nước Mỹ trở nên không còn đáng tin cậy trong các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, với quyết định này, Tổng thống Mỹ đã thực hiện thêm một lời hứa tranh cử. Trước đây, ông Trump từng gọi biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới về khí hậu nói rằng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giữ nhiệt trong bầu khí quyển, theo đó làm Trái Đất nóng lên, gây nước biển dâng, hạn hán, và những cơn bão ngày càng mạnh.

Các nhà khoa học cũng nói việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris có thể đẩy nhanh hiệu ứng của biến đổi khí hậu, làm gia tăng các luồng khí nóng, lụt lội, hạn hán và bão lũ.

Năm 2015 là năm nóng nhất được ghi nhận kể từ thế kỷ thứ 19, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng đã kéo dài hàng thập kỷ mà các nhà khoa học cho là do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.