09:32 21/03/2012

“Trái đắng kinh tế” mang tên Trung Quốc ngày một chín?

Cao Hiền

Bức tranh triển vọng kinh tế Trung Quốc đang trở nên u ám hơn bao giờ hết, gây lo ngại cho giới đầu tư toàn cầu

Hàng loạt thông tin bất lợi về kinh tế Trung Quốc như giá nhà đất liên tục sụt giảm, giá xăng dầu được điều chỉnh lần hai trong vòng chưa tới 6 tuần, thâm hụt thương mại phình to kỷ lục... đã dồn dập xuất hiện.
Hàng loạt thông tin bất lợi về kinh tế Trung Quốc như giá nhà đất liên tục sụt giảm, giá xăng dầu được điều chỉnh lần hai trong vòng chưa tới 6 tuần, thâm hụt thương mại phình to kỷ lục... đã dồn dập xuất hiện.
Hàng loạt thông tin về kinh tế Trung Quốc như giá nhà đất liên tục sụt giảm, giá xăng dầu được điều chỉnh lần hai trong vòng chưa tới 6 tuần, thâm hụt thương mại phình to kỷ lục... đã khiến cho bức tranh triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc trở nên u ám hơn bao giờ hết.

Hôm 19/3, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã phát đi thông báo về việc tăng giá xăng, dầu diezel lần thứ hai trong năm 2012. Theo đó, từ 0h ngày 20/3, giá mỗi tấn xăng, dầu sẽ tăng thêm 600 Nhân dân tệ và sau khi điều chỉnh, giá xăng, dầu tiêu chuẩn sử dụng cho giao thông, hàng không… lần lượt là 9.580 Nhân dân tệ/tấn và 8.730 Nhân dân tệ/tấn.

Đối với thị trường bán lẻ, việc tăng thêm 600 Nhân dân tệ/tấn xăng, dầu đồng nghĩa với việc mỗi lít xăng, dầu diezel sẽ lần lượt tăng thêm 0,44 Nhân dân tệ và 0,51 Nhân dân tệ. Đối với xăng 93, loại xăng được phương tiện giao thông Trung Quốc sử dụng nhiều nhất, sau khi điều chỉnh giá, mỗi lít sẽ tăng từ mức 7,85 Nhân dân tệ lên 8,29 Nhân dân tệ.

Còn đối với dầu diesel 0, loại dầu diezel được phương tiện giao thông Trung Quốc sử dụng nhiều nhất, giá mỗi lít sẽ là 8,3 Nhân dân tệ, hình thành hiện tượng hiếm có trên toàn cầu là “dầu đắt hơn xăng”. Theo NDRC, quyết định tăng giá nhiên liệu được đưa ra sau khi giá dầu thô thế giới tăng hơn 10% từ ngày 8/2, khi giá bán lẻ cả khí đốt và dầu diezel tăng 300 Nhân dân tệ/tấn.

Để bảo đảm ổn định vật giá, ngăn chặn việc tăng giá dây chuyền, sau khi điều chỉnh giá xăng, dầu lần này, Trung Quốc sẽ tạm thời không điều chỉnh cước vận tải hành khách bằng đường sắt, cước giao thông công cộng thành phố, vận tải hành khách trên các tuyến đường nông thôn…

Đồng thời, để giảm nhẹ ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, dầu đối với nhóm quần chúng khó khăn và các ngành mang tính công ích, Trung Quốc sẽ căn cứ vào cơ chế trợ cấp giá xăng dầu đã xây dựng, tiếp tục tiến hành trợ cấp cho nông dân trồng trọt, nghề cá, lâm nghiệp, giao thông công cộng ở thành phố, vận tải hành khách trên các tuyến đường nông thôn…

Đánh giá về tác động của việc tăng giá xăng, dầu đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), báo giới dẫn lời một nhà phân tích thị trường cho biết do giá dầu thành phẩm chỉ chiếm khoảng 0,5% trong rổ tính toán CPI. Lần này giá xăng, dầu tăng bình quân là 7,4%, cho nên dự kiến mức độ ảnh hưởng trực tiếp tới CPI là khoảng 0,37%.

CPI của Trung Quốc tăng 3,2% trong tháng 2 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái và so với mức tăng 4,5% trong tháng 1, đánh dấu tốc độ tăng chậm nhất trong vòng 20 tháng qua.

Tuy nhiên, theo giới phân tích quốc tế, việc Trung Quốc tăng giá xăng sẽ bổ sung thêm một bằng chứng mới cho thấy khả năng đi xuống của nền kinh tế này là có thực và không hẳn là do tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu như những đánh giá trước đó của các tổ chức, định chế tài chính quốc tế uy tín.

Đài RFI của Pháp dẫn báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết, trong tháng 2, nhà đất tại gần 2/3 các thành phố lớn của nước này bị sụt giá. Thị trường bất động sản mất giá tại 45 trên 70 thành phố cỡ vừa và lớn. Tại 21 thành phố, giá nhà được coi là ổn định và tại 5 thành phố còn lại thì chỉ số này đã gia tăng. Đặc biệt là giá nhà mới xây giảm tại 27 thành phố.

Số liệu của các cơ quan môi giới nhà đất cho thấy, số lượng nhà bán ra giảm 14% trong hai tháng đầu năm 2012, khiến doanh thu trong ngành giảm tới 20,9% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Giá nhà đất tại hai thành phố lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải đã giảm 10% và giới trong ngành chờ đợi là sẽ còn giảm thêm từ 10 đến 20% nữa trong năm nay.

Bên cạnh những chỉ số thuần túy liên quan đến ngành bất động sản của Trung Quốc, ngân hàng JP Morgan Chase của Mỹ còn chú ý đến những dấu hiệu khác như là khối lượng xi măng và thép bán ra trên thị trường Trung Quốc giảm đi trông thấy. Đồng thời, cổ phần của các tập đoàn xây dựng Trung Quốc trên các sàn chứng khoán nội địa mất giá.

Các chuyên gia nước ngoài băn khoăn lo ngại thị trường bất động sản Trung Quốc vỡ bong bóng, tác động dây chuyền tới đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ nhì trên thế giới. Tại Trung Quốc ngành bất động sản chiếm tới 13% tổng sản phẩm quốc nội.

Ngoài năng lượng và bất động sản, tập đoàn BHP Billiton còn đóng góp thêm một yếu tố khác cũng cho thấy nguy cơ suy giảm của kinh tế Trung Quốc. Đó là triển vọng tiêu thụ sắt, thép của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Ian Ashby, một quan chức BHP Billiton Ltd, cho biết nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc đang giảm sút và tốc độ tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại còn một con số.

BHP Billiton dẫn thông tin thống kê từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết, sản lượng thép sản xuất của nước này đã giảm 4% trong năm nay. Giá thép trung bình hiện là 141 USD/tấn, giảm 16% so với năm trước. Mục tiêu phát triển nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay 7,5%, cũng gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp thép nước này.

Trên thực tế, trong báo cáo về thâm hụt thương mại phình to kỷ lục trong tháng 2, các nhà thống kê Trung Quốc cũng đã cho biết về mức độ suy giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của nước này, bởi đơn đặt hàng của các nhà máy xuất khẩu giảm đáng kể và Bắc Kinh đang nỗ lực điều chỉnh thị trường đang quá nóng nhằm duy trì sự tăng trưởng bền vững.

Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của nhiều nước láng giềng châu Á, cũng như các nhà cung cấp hàng hóa xa xôi như Australia và châu Phi, điều đó có nghĩa là nhu cầu hạ nhiệt thị trường của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến toàn cầu.

Theo tờ Guardian, mới đây, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, đã khen ngợi Trung Quốc về việc nước này trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, bà Lagarde kêu gọi Trung Quốc nên chú trọng hơn nữa vào thị trường nội địa và không nên phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.

Sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, người đứng đầu IMF cho rằng Trung Quốc cần nhanh chóng rời xa chính sách lấy xuất khẩu và đầu tư làm động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, mà hãy chuyển hướng sang tiêu dùng nội địa.