12:12 04/07/2017

Trung Quốc cảnh báo Mỹ về sự chuyển biến “tiêu cực” trong quan hệ

An Huy

Lần đầu tiên ông Tập Cận Bình thừa nhận căng thẳng nhen nhóm trở lại trong quan hệ Trung-Mỹ sau một thời gian thân mật

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: CNN.<br>
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: CNN.<br>
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phàn nàn về một sự chuyển hướng “tiêu cực” trong quan hệ Trung-Mỹ cho thấy thách thức mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp tại Đức trong tuần này.

Hãng tin Bloomberg cho biết, lời phàn nàn trên được ông Tập đưa ra trong cuộc điện đàm với ông Trump vào ngày 3/7, sau một loạt động thái cứng rắn tại châu Á của Mỹ gần đây.

Ông Trump thực hiện cuộc gọi này chủ yếu nhằm thúc đẩy những nỗ lực nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và Triều Tiên. Trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ở khu nghỉ dưới Mar-a-Lago, bang Florida, Mỹ hồi tháng 4, ông Tập đã hứa giúp Mỹ trong vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có bước tiến cụ thể nào.

“Mối quan hệ giữa hai nước cũng bị ảnh hưởng bởi một số nhân tố tiêu cực, và phía Trung Quốc đã bày tỏ lập trường của chúng tôi với Mỹ rồi”, ông Tập nói với ông Trump - theo bản tin của Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). “Trung Quốc và Mỹ nên giữ vững đường lối phát triển chung dựa trên sự đồng thuận đã đạt được ở Mar-a-Lago”.

Phát biểu này đánh dấu lần đầu tiên ông Tập thừa nhận căng thẳng nhen nhóm trở lại trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự thừa nhận được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) khai mạc tại Humburg, Đức vào ngày thứ Sáu tuần này.

Ngoài việc ông Trump mất kiên nhẫn vì cho rằng Trung Quốc thiếu hành động để kiềm chế Triều Tiên, như được thể hiện trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter vào cuối tháng 6, một số quan chức chính quyền Trump cũng đã bắt đầu nối lại sự chỉ trích đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại.

Giới phân tích cho rằng rủi ro nằm ở chỗ ông Trump có thể sẽ từ bỏ sự thân thiện mà ông đã có ban đầu với ông Tập, và theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc như những tuyên bố mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Những biện pháp như đánh thuế nhập khẩu hay tăng cường quan hệ với Đài Loan có thể kéo theo hành động trả đũa từ Trung Quốc.

Một tuyên bố của Nhà Trắng tóm tắt nội dung cuộc điện đàm giữa ông Trump với ông Tập nói “cả hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” và đã thảo luận một loạt vấn đề. Theo tuyên bố, Tổng thống Trump “nhắc lại quyết tâm của ông về tìm kiếm mối quan hệ thương mại cân bằng hơn với các đối tác thương mại của Mỹ”.

Ngày 4/7, ông Trump lại đặt trách nhiệm lên vai Trung Quốc sau khi Triều Tiên có vụ thử tên lửa thứ 11 từ đầu năm. “Có lẽ Trung Quốc sẽ có động thái mạnh với Triều Tiên và kết thúc luôn hành động bậy bạ này!”, người đứng đầu Nhà Trắng viết trên Twitter.

“Mối quan hệ Trung-Mỹ đã lạnh đi đôi chút so với mức đỉnh sau cuộc gặp ở Mar-a-Lago”, giáo sư Jia Qingguo thuộc Đại học Peking, nhận xét. “Sự suy giảm quan hệ này được dự báo trước, bởi Trung Quốc không thể một mình giải quyết vấn đề Triều Tiên”.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc thì cảnh báo về “những hậu quả thảm họa” có thể xảy ra nếu Mỹ và Triều Tiên không nối lại đàm phán. “Chúng ta không thể đợi quá lâu cho tới khi diễn ra đối thoại”, đại sứ Liu Jieyi phát biểu trước báo giới ở New York hôm thứ Hai.

Sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã tỏ ra mềm mỏng với Trung Quốc nhằm thuyết phục Bắc Kinh giúp kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nhưng gần đây, những mâu thuẫn cũ giữa hai bên lại nổi lên. Tuần trước, Mỹ tuyên bố bán 1,3 tỷ vũ khí cho Đài Loan, đồng thời dọa đánh thuế quan phổ cập đối với thép nhập khẩu, trong đó có thép Trung Quốc.

Bản tin của CCTV nói rằng trong cuộc điện đàm, ông Trump đã tái khẳng định chính sách bấy lâu của Mỹ về coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Trong khi đó, tuyên bố của Nhà Trắng không đề cập gì đến nội dung này.