17:35 16/11/2016

Trung Quốc đang khát phi công

Diệp Vũ

Một số hãng hàng không Trung Quốc quảng cáo mức lương phi công hơn 300.000 USD mỗi năm

Một số phi công và tiếp viên của hãng hàng không Chengdu Airlines.<br>
Một số phi công và tiếp viên của hãng hàng không Chengdu Airlines.<br>
Các hãng hàng không Trung Quốc đưa ra mức lương “khủng” nhằm thu hút phi công nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở nước này tăng chóng mặt.

Hãng tin CNN cho biết, một số hãng quảng cáo mức lương hơn 300.000 USD mỗi năm, kèm lời hứa đóng thuế thu nhập cá nhân cho phi công.

“Hiện không có đủ phi công trên thế giới để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Đó là lý do vì sao mức lương tiếp tục tăng cao hơn”, ông Dave Ross, Giám đốc điều hành (CEO) của Wasinc International, một công ty tuyển dụng tìm phi công cho các hãng hàng không Trung Quốc, cho hay.

Theo dự báo, Trung Quốc sẽ cần từ 4.000-5.000 phi công mới mỗi năm trong vòng 2 thập kỷ tới. Các hãng hàng không nước này đang giữ tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, cả ở thị trường trong và ngoài nước, và là khách hàng lớn nhất của hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing.

Các trường đào tạo phi công ở Trung Quốc không thể cung cấp đủ phi công để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, ngành hàng không Trung Quốc còn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm cơ trưởng có kinh nghiệm.

Mức lương hấp dẫn mà các hãng hàng không Trung Quốc đưa ra đã thu hút sự chú ý của nhiều phi công lâu năm từ nhiều quốc gia khác.

“Trước đây, tôi phải bay 80-100 giờ mỗi tháng. Bây giờ, tôi chỉ phải bay 50 giờ mỗi tháng mà lương tăng gấp khoảng 3 lần”, phi công Jeff Graham cho biết. Năm ngoái, Graham đã bỏ công việc lái máy bay chở hàng ở hãng Southern Air ở San Antonio, Texas, Mỹ và chuyển sang làm cho một hãng hàng không có trụ sở ở Thẩm Quyến, Trung Quốc.

Đối với Fernando, một cựu cơ trưởng của một hãng hàng không lớn ở Mexico, thì nói tiết lộ rằng thu nhập của anh khi làm việc cho một hãng hàng không ở Thành Đô tăng gấp 5-6 lần so với trước kia.

“Tôi cũng có một số lựa chọn công việc khác ở châu Á, nhưng mức lương ở Trung Quốc lao cao nhất”, Fernando nói và cho biết đã cùng vợ chuyển tới Thành Đô vào tháng 8 vừa qua.

Từ lâu, các phi công của Mỹ và châu Âu, với kinh nghiệm và kỹ năng cao, đã nhận được lời mời gọi hấp dẫn từ các hãng hàng không nước ngoài. Nhiều phi công lâu năm làm việc cho các hãng bay phương Tây vì vậy đã chuyển sang làm việc cho các hãng bay ở Trung Đông. Tuy nhiên, giờ đây, một vài phi công trong số này lại đang chuyển từ Dubai sang Trung Quốc.

Nhiều quảng cáo tuyển dụng phi công của các hãng hàng không Trung Quốc đăng trên các trang web việc làm như Wasinc đề nghị mức lương cơ trưởng hàng tháng hơn 25.000 USD sau thuế.

Một quảng cáo từ hãng Chengdu Airlines tuyên bố hãng này trả “mức lương cao nhất ở Trung Quốc”, với 25.800 USD/tháng, cộng thêm 36.000 USD tiền thưởng nếu hoàn tất hợp đồng ba năm.

“Ở Trung Quốc, phi công luôn trong tình trạng thiếu”, phát ngôn viên Guo Jing của Chengdu Airlines cho biết. “Chúng tôi phải đề nghị mức lương cao vì nếu không sẽ chẳng ai đến cả”.

Mức lương mà hãng này đề nghị là rất hấp dẫn nếu so với mức lương trung bình 17.400 USD/tháng dành cho phi công cấp cao ở các hãng hàng không lớn của Mỹ như United Airlines hay Delta Airlines. Gần đây, một số hãng hàng không hàng đầu ở Mỹ đã tăng mạnh lương cho phi công theo hợp đồng lao động mới, khiến các hãng khác cũng đối mặt áp lực phải tăng lương.

Phi công làm việc cho một số hãng hàng không khu vực ở Mỹ chỉ kiếm được chưa đầy 25.000 USD/năm. Lương thấp và thay đổi quy định về giờ bay của phi công đã dẫn tới tình trạng thiếu phi công nghiêm trọng tại các hãng hàng không nhỏ ở Mỹ.

Phi công Graham nói rằng nếu tiếp tục làm việc ở Mỹ, anh phải mất 10-15 năm nữa mới đạt được mức thu nhập như làm ở Trung Quốc hiện nay.

Nhưng dù đưa ra mức lương siêu hấp dẫn, các hãng hàng không Trung Quốc vẫn không thể tuyển đủ phi công nước ngoài để lái những chiếc máy bay chở khách mới toanh của họ. Lý do nằm ở chỗ tình trạng quan liêu và ô nhiễm nặng ở Trung Quốc đã khiến một số ứng viên tiềm năng ngần ngại - theo các công ty nhân sự.

Khoảng thời gian từ lúc được một hãng hàng không Trung Quốc nhận vào làm cho tới khi chính thức được bay có thể khá dài. Quy trình được cấp phép phi công ở Trung Quốc - từ lúc nộp đơn, tới Trung Quốc để thi và kiểm tra, rồi quay lại một lần nữa để bay thử - khiến Graham mất khoảng 1 năm trời.