16:46 24/11/2015

Trung Quốc đứng ngoài cuộc chiến chống IS đến bao giờ?

An Huy

Khoảng 5 triệu công dân Trung Quốc đang sống và làm việc ở nước ngoài

Một nhóm chiến binh IS ở Syria.<br>
Một nhóm chiến binh IS ở Syria.<br>
Trong thập kỷ qua, đã có hàng chục vụ người Trung Quốc thiệt mạng ở nước ngoài dưới bàn tay của các phần tử cực đoan. Phần lớn họ là công nhân các công ty nhà nước Trung Quốc làm việc trong các dự án khai mỏ, làm đường, xây bệnh viện... ở các khu vực bất ổn của châu Phi, Trung Đông hay Trung Á.

Tuy nhiên, sau cái chết của một số công dân Trung Quốc ở nước ngoài do hành động khủng bố mới đây, Bắc Kinh có thể sẽ không còn tiếp tục đứng ngoài cuộc chiến chống nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) nói riêng và chủ nghĩa khủng bố nói chung.

Sức ép dư luận


Tờ Wall Street Journal cho biết, cách phản ứng của Trung Quốc trước vụ IS hành quyết con tin Fang Jinghui đã dẫn những lời bình luận đầy cay đắng của cộng đồng mạng ở nước này.

Trong khi Pháp đáp trả vụ thảm sát ở Paris bằng cách tuyên bố “đang trong một cuộc chiến tranh” với IS, Mỹ và Nga tăng cường không kích thành trì của IS ở Syria, thì cư dân mạng Trung Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chỉ bày tỏ sự “phản đối kịch liệt” việc một công dân nước mình bị IS hành quyết.

“Ngoài ra, họ còn có thế làm điều gì nữa đây?” một người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc mỉa mai.

Tuy nhiên, vụ hành quyết dã man con tin Fan Jinghui, cùng với cái chết của 3 quan chức doanh nghiệp đường sắt Trung Quốc trong vụ bắt giữ con tin trong khách sạn ở Mali, có thể sẽ đẩy mạnh xu hướng Bắc Kinh can thiệp vào những khu vực nguy hiểm trên thế giới để bảo vệ công dân và những khoản đầu tư khổng lồ của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thề sẽ tăng cường hợp tác với cộng đồng thế giới “để cương quyết chống lại hoạt động bạo lực khủng bố làm tổn thương những con người vô tội”. Hôm 23/11, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Trong tình hình mới, chúng tôi sẽ đi đến những đề xuất mới nhằm đảm bảo an ninh cho công dân và tổ chức của Trung Quốc ở nước ngoài”.

Trong những năm gần đây, chính sách an ninh quốc tế của Trung Quốc đã chịu sức ép chính trị phải tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ khoảng 5 triệu công dân nước này đang sống và làm việc ở nước ngoài. Sức ép này đã khiến Trung Quốc phải thay đổi chính sách bấy lâu là “không can thiệp” vào công việc của các nước khác.

Sự chuyển hướng chính sách trên thể hiện rõ vào năm 2011 khi Trung Quốc triển khai tàu hải quân và máy bay vận tải không quân để sơ tán hơn 35.000 công dân khỏi Libya khi nước này bắt đầu rơi vào một cuộc nội chiến.

Năm nay, tàu hải quân Trung Quốc một lần nữa được cử đi để giải cứu công dân bị mắc kẹt ở một quốc gia khác có chiến tranh là Yemen.

Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên cử binh sỹ gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, tham gia lực lượng này ở Nam Sudan sau khi đạt thỏa thuận rằng nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình tại đó sẽ bao gồm bảo vệ các cơ sở dầu lửa có vốn đầu tư của Trung Quốc.

Trước đó, đóng góp của Trung Quốc vào công tác gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc chủ yếu là hậu cần và các chức năng hỗ trợ.

Theo Wall Street Journal, khó có chuyện Trung Quốc sẽ mở một chiến dịch không kích IS sau vụ con tin Fan bị hành quyết, bởi Trung Quốc thiếu khả năng để hành động như vậy cho dù có muốn hay không. Trung Quốc không có căn cứ quân sự ở nước ngoài và “tránh xa” các liên minh quân sự.

Song theo một số nhận định, sớm muộn gì cũng sẽ đến lúc Trung Quốc cử lực lượng đặc biệt ra nước ngoài để giải cứu con tin hoặc cứu công dân nước này bị mắc kẹt trong khủng hoảng.

Theo ông Matheiu Duchatel, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), lần tới khi xảy ra vấn đề ở nước ngoài đe dọa lợi ích của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ chịu sức ép lớn từ người dân và doanh nghiệp trong nước đòi hòi phải có sự can thiệp quyết đoán.

“Khi nào, ở đâu, và trong tình huống nào điều này xảy ra là một câu hỏi để ngỏ, và mức độ dính líu quân sự [của Trung Quốc] cũng vậy”, một cuốn sách do ông Duchatel là đồng tác giả viết.

Bước ngoặt

Nếu Trung Quốc hành động như vậy, thì nhiều khả năng sẽ nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt về ý định chiến lược của nước này.

Hoạt động xây dựng trái phép và các căn cứ chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh trên biển Đông đã bị Washington xem như bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thay thế Mỹ ở vị trí có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực, và tiến tới chiếm lĩnh ảnh hưởng toàn cầu. Việc Trung Quốc sử dụng lực lượng trên mặt đất tại những khu vực “điểm nóng” của thế giới sẽ càng làm gia tăng những lo ngại như vậy.

Nhưng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ hành động như vậy, khi mà Trung Quốc đang ngày càng tiến sâu hơn vào những khu vực “có vấn đề” của thế giới.

Trọng tâm trong tầm nhìn quốc tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một kế hoạch khôi phục “con đường tơ lụa” - tuyến thương mại cổ xưa nối giữa Trung Quốc với châu Âu. Theo kế hoạch, một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và ống dẫn năng lượng sẽ được xây dựng chạy từ Trung Quốc, qua Trung Á và Pakistan để tới lục địa già.

Dự án “con đường tơ lụa mới” được dự báo sẽ đưa thịnh vượng và ổn định đến với một vài trong số những khu vực có mức độ bất ổn chính trị cao nhất thế giới, mở ra những thị trường xuất khẩu mới cho Trung Quốc, và không kém phần quan trọng là ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tới Tân Cương.  

Việc triển khai dự án này sẽ đặt một số lượng lớn công nhân Trung Quốc vào thế phải đối mặt với rủi ro bởi Trung Quốc sẽ phải dính líu nhiều hơn và sâu hơn vào công việc chính trị của những quốc gia mà dự án đi qua. Bởi vậy, triển vọng dính líu quân sự cũng tăng theo.

Trong quá trình lên kế hoạch những bước đi an ninh tiếp theo, Bắc Kinh chắc chắn sẽ quan tâm nhiều hơn đến dư luận.

Hình ảnh con tin Fang bị hành quyết mà IS đăng tải có thể sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ của Trung Quốc với thế giới - Wall Street Journal nhận xét.