12:23 08/07/2016

Trung Quốc “nhắc nhở” Mỹ trước thềm phán quyết vụ kiện Biển Đông

Bình Minh

Ngoại trưởng Trung Quốc nói với người đồng cấp Mỹ rằng Mỹ nên giữ đúng lời hứa không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông

Hình ảnh được cho là đường băng mà Trung Quốc xây dựng trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh do Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố hồi tháng 1/2015 - Nguồn: Reuters.<br>
Hình ảnh được cho là đường băng mà Trung Quốc xây dựng trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh do Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố hồi tháng 1/2015 - Nguồn: Reuters.<br>
Mỹ không nên làm điều gì tổn hại đến chủ quyền và an ninh của Mỹ trên Biển Đông, ngoại trưởng Trung Quốc nói với người đồng cấp Mỹ vài ngày trước khi tòa án trọng tài ra phán quyết vụ kiện Biển Đông.

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một cuộc điện đàm ngày 6/7, ngoại trưởng nước này Vương Nghị nói với ông John Kerry rằng Mỹ nên giữ đúng lời hứa không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ “phát ngôn và hành động cẩn trọng, và không có hành động nào làm tổn hại đến chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị.

Căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông trước ngày 12/7, thời điểm mà Tòa án Thường trực Trọng tài (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Trung Quốc đang tiến hành tập trận quân sự gần quần đảo Hoàng Sa, trong khi giới chức Hải quân Mỹ ngày 7/7 nói khu trục hạm của Mỹ vừa tuần tra quanh các đảo và đá do Trung Quốc chiếm giữ trái phép ở Trường Sa.

Theo tin từ tờ Navy Times, lần này các khu trục hạm của Mỹ không đi vào phạm vi 12 hải lý từ thực thể ở Trường Sa, khoảng cách đáp ứng định nghĩa một cuộc tuần tra tự do hàng hải. Tuy nhiên, các tàu Mỹ cũng di chuyển với khoảng cách khá gần, chỉ cách 14-20 hải lý từ các thực thể mà Trung Quốc chiếm giữ.

Tàu USS Ronald Reagan và các tàu hộ tống cũng đã tiến hành tuần tra trên Biển Đông từ tuần trước.

“Tất cả các cuộc tuần tra này đều được tiến hành theo luật pháp quốc tế và phù hợp với sự hiện diện thường xuyên của Hạm đội Thái Bình Dương ở phía Tây Thái Bình Dương”, phát ngôn viên Clint Ramsden của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết.

Phát biểu tại Bắc Kinh sau một cuộc gặp với ông Vương Nghị ngày 7/7, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nói dù không thể bình luận về vụ kiện của Philippines, ông kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các khác biệt trên Biển Đông.

“Tôi đã nhấn mạnh với Bộ trưởng Vương, cũng như tôi đã nhấn mạnh với tất cả các quốc gia liên quan, về sự cần thiết phải giải quyết các khác biệt của họ một cách hòa bình và tránh bất kỳ sự leo thang hay hiểu lầm nào có thể đặt an ninh và phát triển trong khu vực vào thế rủi ro”, ông Ban Ki-moon cho hay.

Về phần mình, ông Vương Nghị nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng Bắc Kinh cũng muốn có giải pháp hòa bình nhưng sẽ không chấp nhận phán quyết mang tính cưỡng ép.

“Cách làm này sẽ không giúp mang lại một giải pháp hòa bình cho tranh chấp. Ngược lại, làm như vậy sẽ chỉ đẩy tranh chấp và căng thẳng leo thang và sẽ vấp phải sự phản đối của tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp”, ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu.

Trong cuộc điện đàm do ông Kerry khởi xướng, ông Vương Nghị cũng nói rằng quan hệ Mỹ-Trung nhìn chung đang tốt đẹp và hai bên cần tập trung hơn nữa vào hợp tác bên cạnh quản lý các khác biệt.

Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ông Kerry có trao đổi qua đường điện thoại với ông Vương Nghị, nhưng không đưa ra chi tiết nào về cuộc điện đàm.

Giới chức Mỹ nói họ lo ngại Trung Quốc có thể phản ứng với phán quyết của PCA bằng cách công bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như đã làm ở Hoa Đông hồi năm 2013, hoặc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi lấp trái phép ở Biển Đông.