17:01 23/09/2010

Trung Quốc “phản pháo” Mỹ về chuyện tỷ giá

An Huy

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố, nếu đồng Nhân dân tệ tăng giá 20%, nước này sẽ phải đối mặt với bất ổn xã hội gia tăng

Hôm 21/9, tỷ giá Nhân dân tệ đã đạt mức 6,7079 Nhân dân tệ tương đương 1 USD, mức cao nhất kể từ cuối năm 1993 tới nay - Ảnh: Reuters.
Hôm 21/9, tỷ giá Nhân dân tệ đã đạt mức 6,7079 Nhân dân tệ tương đương 1 USD, mức cao nhất kể từ cuối năm 1993 tới nay - Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố, nếu đồng Nhân dân tệ tăng giá 20%, nước này sẽ phải đối mặt với sự gia tăng bất ổn xã hội. Tuyên bố này của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc là diễn biến mới nhất trong những tranh cãi gần đây giữa Bắc Kinh và Washington quanh vấn đề tỷ giá.

Phát biểu trên được ông Ôn Gia Bảo đưa ra trong một bài phát biểu trước giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại New York vào tối ngày 22/9 theo giờ địa phương. Buổi gặp mặt của Thủ tướng Trung Quốc với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ do Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung và Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung đồng tổ chức.

Ông Ôn Gia Bảo hiện đang có mặt tại New York để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc diễn ra vào ngày hôm nay (23/9). Dự kiến, ông sẽ gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong sự kiện này.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo, “chúng tôi không thể tưởng tượng sẽ có bao nhiêu nhà máy ở Trung Quốc rơi vào cảnh phá sản, bao nhiêu công nhân Trung Quốc mất việc làm, và bao nhiêu người lao động từ quê ra thành phố phải quay trở lại nông thôn”, nếu Bắc Kinh thực hiện đề nghị tăng giá đồng Nhân dân tệ 20-40%.

“Trung Quốc sẽ phải đương đầu với tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng”, ông Ôn Gia Bảo nói.

Bloomberg cho biết, kể từ ngày 19/6 khi Trung Quốc tuyên bố tăng cường tính linh hoạt cho tỷ giá tới nay, tỷ giá đồng Nhân dân tệ đã tăng khoảng 2% so với USD. Hôm 21/9, tỷ giá Nhân dân tệ đã đạt mức 6,7079 Nhân dân tệ tương đương 1 USD, mức cao nhất kể từ cuối năm 1993 tới nay.

Tuy nhiên, nhiều chính trị gia và chuyên gia kinh tế của Mỹ vẫn cho rằng, đồng Nhân dân tệ đang bị định giá thấp hơn giá trị thực 20-40% so với USD. Những người có quan điểm này tin là, việc đồng Nhân dân tệ yếu một cách giả tạo đang hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu và nền kinh tế Trung Quốc, trong khi gây thiệt hại cho các nhà sản xuất và nền kinh tế của các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.

Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng mạnh trong bối cảnh Chính phủ của Tổng thống Obama phải đương đầu với mức thất nghiệp 9,6% - một nhân tố đe dọa dẫn tới khả năng mất ghế của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, trong 6 tháng đầu năm 2010, thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc đạt mức 119 tỷ USD, sau khi đã lên tới 227 tỷ USD trong cả năm 2009.

Mới đây, chính quyền Tổng thống Obama đã gia tăng sức ép với phía Bắc Kinh về vấn đề tỷ giá. Hôm 20/9, ông Obama tuyên bố, Trung Quốc đang ghìm tỷ giá đồng nội tệ của nước này ở mức rẻ hơn so với thực tế để hỗ trợ xuất khẩu. Hạ viện Mỹ thì đang cân nhắc một dự luật để buộc phía Trung Quốc phải nâng tỷ giá.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 22/9, ông Ôn Gia Bảo cho rằng, giá trị của đồng Nhân dân tệ không phải là nguyên nhân gây ra mất cân đối thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hay làm gia tăng thất nghiệp ở Mỹ, đồng thời khẳng định, không có cơ sở nào cho việc “tăng giá mạnh” đồng Nhân dân tệ.

“Nguyên nhân chính của thâm hụt thương mại Mỹ không phải là tỷ giá Nhân dân tệ, mà là cơ cấu đầu tư và tiết kiệm. Trung Quốc không chủ ý theo đuổi thặng dư trong thương mại”, ông Ôn Gia Bảo nói. Theo ông, hàng xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng có hàm lượng sức lao động cao, và “nước Mỹ từ lâu đã thôi sản xuất những mặt hàng này”. “Nếu Mỹ không nhập khẩu những mặt hàng như vậy từ Trung Quốc thì sẽ nhập từ các nước khác”, ông Ôn Gia Bảo phát biểu.

Thủ tướng Trung Quốc cho rằng, để giải quyết vấn đề mất cân đối thương mại, hai nước cần tập trung vào việc tăng cường xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Ông Ôn Gia Bảo cho biết, Chính phủ Trung Quốc cam kết thúc đẩy tiêu dùng nội địa để tạo thế cân bằng thương mại.

Cũng theo ông Ôn Gia Bảo, những mất cân đối mà Trung Quốc đang phải đối mặt “là điều khó tránh khỏi trong quá trình phát triển của bất kỳ quốc gia nào”, đồng thời chỉ ra rằng, tỷ lệ thặng dư thương mại so với GDP của Trung Quốc đang giảm dần qua các năm. Năm 2008, tỷ lệ này 9,9%, nhưng trong nửa đầu năm nay, con số này chỉ còn 2,2%. Theo ông Ôn Gia Bảo, cả Mỹ và Trung Quốc đều cần phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Nhiều chuyên gia nước ngoài tỏ ý ủng hộ cách lập luận của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc trong bài phát biểu hôm qua.

“Việc yêu cầu một đồng tiền nào đó tăng giá tới 40% trong ngắn hạn là điều bất khả thi. Thêm vào đó, hoạt động sản xuất trong nhiều lĩnh vực của Mỹ đã dịch chuyển sang Trung Quốc. Nếu Mỹ buộc Trung Quốc tăng mạnh tỷ giá hoặc thiết lập các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, thì xét cho cùng, nước Mỹ có thể thiệt hại nhiều hơn Trung Quốc”,  ông Glenn Maguire, một nhà kinh tế học của ngân hàng Pháp Societe General tại Hồng Kông, phát biểu trên Bloomberg.

Trên thực tế, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 21% trong thời gian từ tháng 7/2005-7/2008 so với USD, nhưng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn tăng trong thời gian này.

Tham dự cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm qua có những gương mặt nổi bật trong cộng đồng doanh nhân Mỹ, như Giám đốc điều hành (CEO) Lloyd Blankfein của ngân hàng Goldman Sachs, CEO Indra Nooyi của hãng đồ uống Pepsi… Ngoài ra, sự kiện này còn có sự tham dự của hai cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson và Robert Rubin, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger.

Phát biểu tại cuộc gặp này, ông Stephen Roach, Chủ tịch Morgan Stanley châu Á, cho rằng, Trung Quốc cần cải thiện hệ thống an sinh xã hội, theo đó giảm tỷ lệ tiết kiệm của người dân xuống, tăng tiêu dùng nội địa để góp phần giúp cải thiện tình hình xuất khẩu và việc làm của nước Mỹ.

“Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không phát huy tác dụng trừ phi nhiều chuyên gia kinh tế và chính trị gia nổi tiếng khẳng định điều này. Điều chỉnh tỷ giá đã không có tác dụng gì đối với Nhật Bản hồi cuối thập niên 1980 và cũng không giúp ích gì cho nước Mỹ khi đồng USD mất giá 23% so với một rổ tiền tệ kể từ đầu năm 2002 tới nay”, ông Roach nói.