11:38 19/12/2016

Trung Quốc sẽ giữ thái độ "điềm tĩnh chiến lược" với Trump?

An Huy

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo sự kiềm chế sẽ không kéo dài sau khi Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.<br>
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.<br>
Trong lúc Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump liên tục có những dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter khiến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lung lay, Bắc Kinh dường như đang âm thầm nghĩ cách để trả đũa - theo hãng tin Bloomberg.

Trong động thái công kích mới nhất nhằm vào Trung Quốc, vào cuối tuần vừa rồi, Trump viết trên Twitter rằng việc Trung Quốc bắt giữ một tàu ngầm không người lái của Hải quân Mỹ trên biển Đông là “hành động chưa từng có tiền lệ”.

Bắc Kinh chưa có phản ứng nào đối với tuyên bố trên của Trump. Tuy nhiên, tờ China Daily bản tiếng Anh ngày 19/12 đã có một bài viết cảnh báo rằng sự thiếu kinh nghiệm của Trump trong ngoại giao có thể dẫn tới sự đối đầu giữa hai cường quốc. Tờ Thời báo Hoàn cầu “chế nhạo” Trump, nói rằng cách hành xử của ông “còn thua xa các phát ngôn viên Nhà Trắng”.

“Trung Quốc đến nay đã kiềm chế trước sự gây hấn của Trump bởi ông ta còn chưa vào Nhà Trắng”, Thời báo Hoàn cầu viết. “Nhưng sự kiềm chế này sẽ không kéo dài lâu sau khi ông ta chính thức trở thành Tổng thống Mỹ nếu ông ta còn tiếp tục đối xử với Trung Quốc theo cách mà ông ta viết trên Twitter hôm nay”.

Bất chấp những ồn ào trên tài khoản Twitter của Trump và những cảnh báo mà truyền thông Trung Quốc đưa ra, Bắc Kinh có vẻ như đang ghìm giữ cơn giận cho tới khi Trump nhậm chức vào tháng tới. Cho đến thời điểm đó, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục giữ thái độ “điềm tĩnh chiến lược” như đã thể hiện sau khi Trump cảnh báo có thể từ bỏ chính sách “một Trung Quốc” về công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Các lựa chọn của Trung Quốc


Bắc Kinh sẽ “đáp trả mạnh mẽ” nếu Trump sau khi chính thức trở thành Tổng thống Mỹ vẫn ngang nhiên thách thức những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như Đài Loan, Tây Tạng, biển Đông, và biển Hoa Đông  - theo ông Shin Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứ Mỹ thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, đồng thời là một cố vấn của Hội đồng Nhà nước, tức nội các, Trung Quốc.

Ông Shin nói rằng, những lựa chọn của Bắc Kinh bao gồm triệu hồi đại sứ, dừng hợp tác quốc tế, và khởi động chiến tranh thương mại, thậm chí là cắt đứt quan hệ ngoại giao.

“Đến nay, Trung Quốc vẫn giữ thái độ ‘chờ xem’ đầy thận trọng và cân nhắc. Chính phủ Trung Quốc vẫn theo dõi chặt chẽ xem dự định thực sự của Trump là gì, và theo đó hình thành một cái nhìn rõ nét hơn về chủ trương chính sách của ông ấy. Hướng đi này có thể tiếp tục trong một hai tháng đầu Trump cầm quyền”, ông Shi phát biểu.

Quan hệ song phương xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 627 tỷ USD trong năm 2015, lớn hơn cả kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ với Nhật Bản, Anh, và Đức cộng lại. Một số nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh ban đầu hy vọng Trump sẽ áp dụng một hướng đi thực dụng hơn, nhưng hy vọng này đã nhanh chóng tan biến.

Trong một bài viết vào tuần trước sau khi Trump cảnh báo về chính sách “một Trung Quốc”, Thời báo Hoàn cầu viết: “Chúng ta sẽ không mắc phải ảo tưởng nào, và sẵn sàng đấu với Trump”.

“Tự bắn vào chân mình”

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tuy không đề cập đến tên Trump, nói rằng bất kỳ ai tìm cách phá hoại những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc đều là tự bắn vào chân mình.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã dùng một trong những cuộc họp báo cuối cùng của mình trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng để nhấn mạnh sự cần thiết phải có một kế hoạch toàn diện nếu Trump muốn đảo ngược chính sách đã kéo dài nhiều thập kỷ nay của Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt là chính sách về Đài Loan. Ông Obama nói rằng phản ứng của Trung Quốc có thể sẽ có ảnh hưởng “rất lớn”.

“Điều này không đồng nghĩa với việc gắn chặt với những gì đã được làm trước đây, mà cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và lên kế hoạch cho những phản ứng có thể xảy ra từ phía đối phương”, ông Obama nói hôm thứ Sáu.

Liên quan đến vụ Trung Quốc bắt giữ tàu ngầm Mỹ, sau khi gọi vụ việc này là “chưa từng có tiền lệ”, Trump tiếp tục có một dòng tweet khác, nói: “Chúng ta nên bảo Trung Quốc rằng chúng ta không cần lấy lại chiếc tàu ngầm mà họ đã đánh cắp. Hãy để họ giữ nó!”

Nếu làm vậy, Mỹ sẽ không thể biết được Trung Quốc đã tìm cách thu thập thông tin gì ở chiếc tàu ngầm này - theo ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia ở Canberra.

“Điều này cho thấy Trump không hề nghĩ kỹ về chính sách của ông ấy trước khi viết lên Twitter”, ông Davis nhận xét. “Rủi ro nằm ở chỗ ông ấy có thể đối đầu với Trung Quốc tới mức gây thiệt hại lớn”.

Vụ Trung Quốc bắt tàu ngầm Mỹ cho thấy căng thẳng giữa hai nước có thể leo thang nhanh chóng như thế nào, nhất là khi Trung Quốc thách thức vị thế thống lĩnh hải quân của Mỹ ở khu vực châu Á.

Lầu Năm Góc nói một tàu ngầm nhỏ không người lái của Mỹ đã bị một tàu Trung Quốc bắt giữ bất hợp pháp vào hôm thứ Năm, khi con tàu Mỹ đang hoạt động cách Vịnh Subic của Philippines khoảng 50 hải lý về phía Tây Bắc. Trung Quốc nói bắt giữ con tàu ngầm này vì lý do an toàn, đồng thời chỉ trích hoạt động do thám của Mỹ gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương.

“Dưới thời Trump, xung đột Trung-Mỹ trên biển Đông có thể căng thẳng hơn, với những sự việc không thể lường trước như vụ tàu ngầm vừa rồi có thể liên tục xảy ra”, nhà nghiên cứu cấp cao Li Jie thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận xét.