21:44 03/09/2017

Trung Quốc tham vọng chế tạo tàu “bay” với vận tốc 4.000 km/h

Hoài Thu

Mục tiêu của tàu bay đạt tốc độ 4.000km/h vượt qua tốc độ của các máy bay thương mại như Airbus A380 và Boeing 787

Về mặt lý thuyết, “tàu bay cao tốc” cho phép di chuyển từ Bắc Kinh tới Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) với khoảng cách hơn 1.000km chỉ trong nửa giờ.
Về mặt lý thuyết, “tàu bay cao tốc” cho phép di chuyển từ Bắc Kinh tới Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) với khoảng cách hơn 1.000km chỉ trong nửa giờ.
Một công ty Trung Quốc cho biết đang lên kế hoạch phát triển một loại tàu cao tốc có thể bay trên không, kết hợp giữa máy bay siêu thanh và công nghệ đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này, tờ South China Morning Post cho biết.

Công ty China Aerospace Science and Industry Corporation của Trung Quốc mới đây cho biết đang có kế hoạch phát triển một loại tàu "bay" có khả năng di chuyển với vận tốc 4.000 km/h. Công ty này sẽ bắt đầu nghiên cứu phát triển mạng lưới tàu cao tốc tương lai với vận tốc 1.000 km/h và sau đó nâng lên vận tốc 4.000 km/h.

Mục tiêu này đồng nghĩa với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với vận tốc tối đa của tàu “viên đạn” hiện tại của Trung Quốc. Ngoài ra, mục tiêu 4.000km/h cũng vượt qua tốc độ tối đa của các máy bay thương mại như Airbus A380 (1.020 km/h) và Boeing 787 (954 km/h).

Với loại tàu "bay" này, hành khách sẽ chỉ mất 30 phút để di chuyển từ Bắc Kinh tới Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc. Ở khoảng cách hơn 1.000 km, di chuyển giữa hai thành phố này bằng tàu thông thường mất tới 8 giờ đồng hồ.

Dự án này nhắm tới mục tiêu kết hợp giữa máy bay siêu thanh và các công nghệ tàu cao tốc như điện từ hay ống chân không - công nghệ được tỷ phú Elon Musk dùng để phát triển tàu Hyperloop từ năm 2013 (có vận tốc tối đa 1.200 km/h).

Ý tưởng này được công bố bởi Liu Shiquan, phó giám đốc điều hành công ty China Aerospace Science and Industry Corporation, tại một hội thảo diễn ra mới đây tại Vũ Hán, Hồ Bắc. Tuy nhiên, công ty này chưa đưa ra lộ trình cụ thể cho kế hoạch đầy tham vọng này.

Liu cho biết công ty sẽ làm việc với hơn 20 tập đoàn nghiên cứu khoa học của Trung Quốc và quốc tế để thực hiện kế hoạch này.

Công ty này cho biết trong giai đoạn đầu của dự án sẽ phát triển tàu có vận tốc 1.000 km/h di chuyển giữa các thành phố trực thuộc tỉnh, nguồn tin thân cận với sự việc chia sẻ với trang tin Thepaper.cn.

Giai đoạn tiếp đó sẽ tăng vận tốc lên 2.000 km/h và vận hành giữa các thành phố trọng điểm. Còn trong giai đoạn cuối, mục tiêu là nâng vận tốc lên 4.000km/h để kết nối các quốc gia nằm dọc hành lang của dự án “Vành đai, Con đường” qua 62 nước của Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc sở hữu công nghệ “tàu viên đạn” tiên tiến với vận tốc nhanh nhất thế giới chuyên tuyến Thượng Hải - Bắc Kinh với vận tốc tối đa 350 km/h.

Tuy nhiên, ý tưởng này ngay lập tức vấp phải sự hoài nghi từ giới chuyên gia vận tải và công chúng Trung Quốc. Giáo sư Zhao Jian của Đại học Vận tải Bắc Kinh cho biết, về mặt sinh lý, cơ thể người chỉ có thể chịu được vận tốc 4.000 km/h trong khoảng thời gian rất ngắn.

Ngoài ra, ông Jian cũng hoài nghi về tính kinh tế của ý tưởng này bởi cho rằng lưu lượng giao thông quá nhỏ không đủ để bù đắp cho việc vận hành một dự án siêu tốn kém như vậy.

“Chi phí sẽ rất lớn trong các giai đoạn nâng dần vận tốc của loại tàu này và tôi nghi ngờ về tính khả thi của dự án bởi các yếu tố liên quan tới kinh tế”, ông nói.

Cư dân mạng Trung Quốc cũng tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của dự án tham vọng này. Một số người cho rằng Trung Quốc đã mất 6 năm để nâng vận tốc của “tàu viên đạn” từ 300 km/h lên 350km/h và trong trường hợp khẩn cấp, không có hệ thống phanh nào trên thế giới có thể dừng con tàu “bay” với vận tốc như vậy mà hành khách còn sống sót.

Một số người khác thì cho rằng các nhà chức trách nên tìm cách giải quyết các vấn đề giao tốc có thể ứng dụng ngay hơn là “mơ mộng” với những con tàu “bay”.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học Trung Quốc tìm cách phát triển công nghệ tàu siêu tốc.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Giao thông Tây Nam tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên cho biết đang có kế hoạch chế tạo thử nghiệm đường ống chân không chạy tàu cao tốc. Tuy nhiên, dự án này đặc biệt hơn Hyperloop của Elon Musk ở chỗ có thể dùng có các dự án của quân đội.

Khi đó, Zhao Chunfa, thành viên của nhóm nghiên cứu nói: “Trên đường day thẳng tắp dài vài cây số, ta có thể tăng lên vận tốc hơn 1.000 km/h mà không gặp nhiều khó khăn với những công nghệ hiện có”.

Công ty Hyperloop One của Mỹ và Hyperloop Transportation Technologies hiện là hai công ty khác cũng đang phát triển loại tàu chạy với vận tốc hơn 1.000 km/h.