10:40 31/03/2014

Trung Quốc “thu giữ 14,5 tỷ USD tài sản” gia đình Chu Vĩnh Khang

An Huy

Đây được xem là bê bối tham nhũng lớn nhất từng bị phát giác ở Trung Quốc trong vòng hơn 6 thập kỷ trở lại đây

Ông Chu Vĩnh Khang bắt đầu thăng tiến từ ngành dầu khí của Trung Quốc. 
Ông từng giữ chức Bộ trưởng Công an Trung Quốc từ năm 2002 đến 2007, 
trước khi trở thành Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị nước này.<br>
Ông Chu Vĩnh Khang bắt đầu thăng tiến từ ngành dầu khí của Trung Quốc. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Công an Trung Quốc từ năm 2002 đến 2007, trước khi trở thành Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị nước này.<br>
Nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, nhà chức trách Trung Quốc đã thu giữ số tài sản trị giá ít nhất 90 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 14,5 tỷ USD từ gia đình ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Bộ Công an của nước này.

Theo nguồn tin trên, các công tố viên và cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đóng băng một loạt tài khoản ngân hàng với tổng số tiền 37 tỷ Nhân dân tệ và thu giữ một số lượng lớn trái phiếu trong và ngoài nước với tổng trị giá 51 tỷ Nhân dân tệ sau khi tiến hành khám xét một loạt căn nhà có liên quan ở Bắc Kinh, Thượng Hải và 5 địa phương khác.

Các điều tra viên cũng đã tịch biên 300 căn hộ chung cư và biệt thự có tổng trị giá khoảng 1,7 tỷ Nhân dân tệ, cùng nhiều đồ cổ, các bức họa đương đại trị giá khoảng 1 tỷ Nhân dân tệ, chưa kể hơn 60 xe ôtô. Trong số các tài sản bị thu giữ còn có nhiều loại rượu đắt tiền, vàng bạc, tiền mặt là Nhân dân tệ và ngoại tệ. Hầu hết các tài sản này đều không do ông Chu Vĩnh Khang đứng tên.

Đây được xem là bê bối tham nhũng lớn nhất từng bị phát giác ở Trung Quốc trong vòng hơn 6 thập kỷ trở lại đây. Nguồn tin cho biết, ngoài việc thu giữ tài sản, cơ quan chức năng còn bắt giam hoặc thẩm vấn hơn 300 người liên quan tới Chu Vĩnh Khang, bao gồm người thân, đồng minh chính trị, bồ nhí, và nhân viên.

Reuters nhận định, vụ điều tra nhằm vào Chu Vĩnh Khang cho thấy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chỉ đạo thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng ở mức độ cao nhất.

Tuy nhiên, hãng tin này cũng cho rằng, đây có thể là một cái giá chính trị mà ông Chu Vĩnh Khang phải trả vì đã phản đối việc lật đổ Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh và là một đồng minh thân cận của ông khi còn đương chức. Tháng 9 năm ngoái, Bạc Hy Lai bị kết án chung thân vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Ông Chu Vĩnh Khang đã bị quản thúc tại gia từ tháng 9 năm ngoái sau khi nhà chức trách Trung Quốc chính thức tiến hành điều tra đối với ông. Ông này là chính trị gia cao cấp nhất của Trung Quốc từng bị điều tra tham nhũng kể từ cuộc cách mạng 1949. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về vụ việc này.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập một lực lượng đặc biệt để điều tra những cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông Chu Vĩnh Khang. Theo nguồn tin, ông Chu Vĩnh Khang không chịu hợp tác với các điều tra viên và một mực khẳng định mình là nạn  nhân của một cuộc đấu quyền lực.

Nguồn tin cũng cho biết, hơn 10 người thân của ông Chu Vĩnh Khang đã bị bắt, trong đó có vợ ông này là bà Jia Xiaoye - một cựu nhà báo truyền hình, con trai cả từ cuộc hôn nhân trước của ông là Chu Bân, anh em đằng vợ của Chu Bân, và em trai của Chu Vĩnh Khang.

Ngoài ra, còn có khoảng 10 quan chức ít nhất ngang hàng thứ trưởng bị điều tra. Trong số này có Jiang Jiemin, cựu Chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroChina, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Li Dongsheng, và cựu tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam Ji Wenlin.

Ông Chu Vĩnh Khang bắt đầu thăng tiến từ ngành dầu khí của Trung Quốc. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Công an Trung Quốc từ năm 2002 đến 2007, trước khi trở thành Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị nước này. Năm 2012, ông này về hưu và được nhìn thấy lần cuối cùng trong một sự kiện diễn ra ở trường Đại học Dầu khí Trung Quốc vào đầu tháng 10 năm ngoái.