06:46 25/05/2010

Trung Quốc “tự quyết” trong vấn đề tỷ giá

Dương Lâm

Trung Quốc sẽ xúc tiến định hình cơ chế tỷ giá đồng Nhân dân tệ theo nguyên tắc "tự quyết, trong tầm kiểm soát và từng bước"

Nhân dân tệ vẫn là vấn đề nóng trong đối thoại Mỹ-Trung - Ảnh: Reuters.
Nhân dân tệ vẫn là vấn đề nóng trong đối thoại Mỹ-Trung - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục xúc tiến cải cách việc định hình cơ chế tỷ giá đồng Nhân dân tệ theo nguyên tắc "tự quyết, trong tầm kiểm soát và từng bước".

Theo tờ New York Times, phát biểu tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ vòng 2 hôm 24/5, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ song phương khi cho rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ góp phần vào hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.

Riêng về tỷ giá đồng Nhân dân tệ, vấn đề tranh cãi thời gian qua giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục xúc tiến cải cách việc định hình cơ chế tỷ giá đồng Nhân dân tệ theo nguyên tắc "tự quyết, trong tầm kiểm soát và từng bước".

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã hoan nghênh Chính phủ Trung Quốc đang đi đúng hướng trong việc điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Ông Geithner cho rằng, một đồng tiền với tỷ giá được điều chỉnh theo thị trường sẽ hỗ trợ Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng kinh tế, duy trì lạm phát ở mức thấp và điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế nước này.
 
Bình luận về phát biểu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Frank Lavin, cựu quan chức thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy, Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề tiền tệ dù nước này chưa sẵn sàng nâng giá. Trung Quốc đang cố gắng thể hiện rằng, họ hiểu việc điều chỉnh tỷ giá hay không đang được các bên quan tâm. Theo cựu quan chức này, Trung Quốc cần nâng giá đồng nhân dân tệ trong những tháng tới.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRIC ngày 16/4 ở Brazil, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng đã khẳng định, Bắc Kinh sẽ từng bước thông qua một cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi, song đó phải là cơ chế có thể kiểm soát và do chính Trung Quốc khởi xướng.

Ông Hồ Cầm Đào nêu rõ, sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn. Việc quyết định giữ ổn định tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ đã góp phần giữ vững sự ổn định của hệ thống kinh tế-tài chính thế giới.

Bắc Kinh đang phải chịu sức ép lớn từ dư luận quốc tế (dẫn đầu là Mỹ) yêu cầu phải nâng giá đồng Nhân dân tệ. Kể từ giữa năm 2008 đến nay, tỷ giá đồng Nhân dân tệ được cố định ở mức 6,8 Nhân dân tệ/USD. Những ý kiến chỉ trích cho rằng, các nhà xuất khẩu Trung Quốc được hưởng lợi thế không công bằng khi hàng hóa của họ rẻ hơn.

Trong khi đó, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cho hay, nước này sẽ tiếp tục điều chỉnh đồng Nhân dân tệ và duy trì các gói kích thích kinh tế.

Theo ông Trần Đức Minh, những tháng gần đây, Nhân dân tệ đã tăng 15% so với Euro, do Euro sụt giảm mạnh trước ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang có chiều hướng lan rộng sang các nước khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Để ngăn chặn những tác động từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đối với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai các chính sách tài chính tích cực và ổn định tiền tệ; đồng thời kêu gọi các chính phủ trên thế giới chung tay chống lại chủ nghĩa bảo hộ, nhằm duy trì tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ông Trần Đức Minh cho rằng, điều quan trọng là phải duy trì ổn định các đồng tiền chủ chốt của thế giới, trong đó có đồng Nhân dân tệ, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự chấm dứt.

Theo lãnh đạo Bộ Thương mại Trung Quốc, sự ổn định đồng tiền của một quốc gia, đặc biệt là của những nền kinh tế lớn, có ý nghĩa sống còn. Việc tăng hay giảm giá của một đồng tiền sẽ tác động rất lớn đến kinh tế thế giới.

Ông Trần Đức Minh khẳng định, cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và sự sụt giảm mạnh của đồng Euro sẽ tác động xấu đến các nhà xuất khẩu Trung Quốc, bởi EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm tới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong bốn tháng đầu năm nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc đứng ở mức 16,1 tỷ USD, giảm 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3, lần đầu tiên trong sáu năm qua, cán cân thương mại của nước này bị thâm hụt 7,2 tỷ USD.