22:10 06/08/2017

Trung Quốc xây đập thủy điện lớn thứ 2 thế giới

Hoài Thu

Dự án này sẽ tạo ra hơn 60 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm, bằng hai phần ba lượng điện tiêu thụ của cả Bắc Kinh trong năm 2015

Hình ảnh công trường dự án Baihetan chụp ngày 27/7 - Ảnh: News.cn.<br>
Hình ảnh công trường dự án Baihetan chụp ngày 27/7 - Ảnh: News.cn.<br>
Trung Quốc đã tổ chức lễ khởi công dự án đập thủy điện Baihetan. Khi hoàn thành, đây sẽ là công trình thủy điện lớn thứ 2 thế giới, tờ China Daily cho biết.

Dự án thủy điện Baihetan thuộc hạ lưu sông Jinsha River, khu vực phía trên sông Dương Tử, thuộc Ningnan, Tứ Xuyên tiếp giáp Qiaojia, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Với tổng công suất lắp đặt 16 triệu kilowatt, dự án này sẽ tạo ra hơn 60 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm, tương đương hai phần ba lượng điện tiêu thụ của thành phố Bắc Kinh trong năm 2015.

Dự kiến, thủy điện này bắt đầu sản xuất điện vào năm 2021 và được đưa vào vận hành đầy đủ từ cuối năm 2022.

Với chiều cao đập lên tới 300m, dự án này có thể bao phủ lưu vực có diện tích 430.000 km2, tương đương 91% diện tích lưu vực sông Jinsha. Gần 100.000 người dân thuộc tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam sẽ được di tán để dành chỗ xây dựng dự án này.

Baihetan là một trong nhóm 4 dự án thủy điện thuộc lưu vực sông Jinsha. Trong đó, nhà máy Wudongde đang được xây dựng còn Xiangjiaba và Xiluodu bắt đầu hoạt động lần lượt vào năm 2012 và 2013. 

Với tổng công suất lắp đặt hơn 46 triệu kilowatt, 4 dự án này có thể sản sinh 190 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm, lớn gấp đôi sản lượng của Đập Tam Hiệp (Three Gorges) - cũng là dự án thủy điện lớn nhất thế giới. Đập Tam Hiệp được xây trên sông Dương Tử, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bắt đầu cấp điện từ năm 2008 và hoạt động đầy đủ từ giữa năm 2012.

Dự án Baihetan cho sản lượng điện tương đương với gần 20 triệu tấn than đá tiêu chuẩn, giúp giảm 52 triệu tấn khí thải carbon và sulfur mỗi năm, ông Lu cho biết.

Năm ngoái, tờ Guardian cho biết hai nhà thầu Trung Quốc đang xúc tiến với chính phủ Congo để xây dự án đập thủy điện khổng lồ có thể tiêu tốn 100 tỷ USD. Dự án trải khắp dòng sông Congo, lớn thứ hai thế giới về lưu lượng dòng chảy.

Công suất phát điện của dự án có thể đạt mức gần 40 triệu Kilowatt, gần cao gấp đôi so với đập Tam Hiệp hoặc tương đương công suất của 20 nhà máy điện hạt nhân lớp gộp lại. Nhóm nhà thầu Trung Quốc nói dự án này có thể phát điện trong vòng 4-5 năm. Trong khi đó, một nhóm nhà thầu Tây Ban Nha cho rằng phải mất ít nhất 6 năm để hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án này.