10:25 09/09/2017

Trung-Triều có còn là quan hệ “môi hở răng lạnh”?

An Huy

Dù không vui, Trung Quốc đã “ngậm bồ hòn làm ngọt” bỏ qua cho những hành động gây hấn của Triều Tiên

Cờ Trung Quốc và Triều Tiên bên ngoài một nhà hàng Triều Tiên ở Ninh Ba, Triết Giang, Trung Quốc, tháng 4/2016 - Ảnh: Reuters.<br>
Cờ Trung Quốc và Triều Tiên bên ngoài một nhà hàng Triều Tiên ở Ninh Ba, Triết Giang, Trung Quốc, tháng 4/2016 - Ảnh: Reuters.<br>
Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào ra mặt ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ chưa từng kinh qua thử thách, dự báo rằng “mối quan hệ bạn bè truyền thống” giữa hai nước sẽ được tăng cường.

Hai năm sau, người chú dượng của Kim Jong Un là Jang Song Thaek bị xử tử, nhân vật đứng mũi chịu sào của Triều Tiên trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời là một quan chức tương đối có tư duy cải cách. Theo hãng tin Reuters, từ đó trở đi, mối quan hệ giữa hai nước đồng minh xấu đi nhanh chóng, đến nỗi một số nhà ngoại giao và chuyên gia lo ngại rằng giống như Mỹ, Trung Quốc có thể trở thành một mục tiêu cho những cơn giận của Triều Tiên.

Trong khi Mỹ và đồng minh của nước này cho rằng Bắc Kinh nên có thêm hành động để kiềm chế Bình Nhưỡng, sự tăng tốc chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên diễn ra đồng thời với sự đi xuống của mối quan hệ ngoại giao Trung-Triều.

Trước khi về hưu vào mùa hè năm nay, ông Wu Dawei, quan chức Trung Quốc phụ trách quan hệ với Bình Nhưỡng, không hề tới Triều Tiên trong vòng hơn 1 năm. Người lên thay ông Wu là ông Kong Xuanyou cũng chưa thăm Triều Tiên và vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ nắm giữ từ trước đó. Giới ngoại giao cho biết, ông Kong đã đi tới Pakistan từ giữa tháng 8.

Theo giáo sư quan hệ quốc tế Jin Canrong thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, ý tưởng cho rằng Trung Quốc kiểm soát ngoại giao đối với Triều Tiên hoàn toàn là sai lầm. “Chưa bao giờ tồn tại mối quan hệ lệ thuộc giữa hai bên. Chưa bao giờ. Nhất là sau chiến tranh lạnh, Triều Tiên rơi vào cảnh khó khăn và không thể có đủ sự giúp đỡ từ Trung Quốc, nên họ đã quyết tâm tự lực cánh sinh”, ông Jin nói.

Vào giữa thập niên 1990, một nạn đói lớn đã xảy ra ở Triều Tiên, được cho là khiến nhiều người ở nước này thiệt mạng. Trận đói đó là một bước ngoặt đối với kinh tế Triều Tiên, dẫn tới việc nước này buộc phải cho phép hoạt động thương nghiệp tư nhân. Nhờ đó, Triều Tiên có được mức độ độc lập nhất định khỏi thế giới bên ngoài, đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào tư tưởng “Juche” - tự lực.

Dù mối quan hệ song phương luôn bị phủ bóng bởi sự hoài nghi và thiếu tin tưởng, Trung Quốc đã “ngậm bồ hòn làm ngọt” bỏ qua cho những hành động gây hấn của Triều Tiên, bởi bất ổn ở Triều Tiên có thể đẩy hàng triệu người tị nạn chạy qua biên giới sang Trung Quốc, và cũng có thể đặt sự hiện diện của Mỹ ngay sát Trung Quốc.

Đó là lý do tại sao Trung Quốc không muốn sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để gây sức ép đối với Triều Tiên. Bắc Kinh lo ngại rằng những biện pháp mạnh như cấm vận dầu lửa mà Mỹ đề xuất có thể dẫn tới sự sụp đổ của Triều Tiên. Thay vào đó, Trung Quốc luôn kêu gọi bình tĩnh, kiềm chế, và tìm giải pháp thông qua đàm phán.

Reuters cho rằng, vụ thanh trừng Jang Song Thaek vào năm 2013 đã khiến Bắc Kinh mất niềm tin vào ông Kim Jong Un. “Dĩ nhiên là Trung Quốc không vui”, một nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh tiết lộ.

Trong một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ, Trung Quốc đã cử ông Liu Yunshan, một quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản nước này, tới tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng vào tháng 10/2015.

Khi đó, ông Liu đã chuyển một lá thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá cao sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, bao gồm không chỉ những lời chúc mừng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà còn cả “những lời chúc thân tình” của cá nhân ông Tập.

Tuy nhiên, động thái này của Trung Quốc đã bị đáp lại bằng những hành động mạnh của Bình Nhưỡng. Trong đó có những hành động mà giới phân tích cho là được tính toán thời điểm để khiến Bắc Kinh bối rối nhất có thể.

Chẳng hạn, vụ thử bom nhiệt hạch vào hôm thứ Bảy tuần trước diễn ra đúng lúc Trung Quốc đăng cai một hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS. Hồi tháng 5, Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa chỉ vài giờ trước khi khai mạc Diễn đàn Vành đai và Con đường - sự kiện nhằm quảng bá sáng kiến chính sách đối ngoại chủ chốt của ông Tập Cận Bình.

Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng ví mối quan hệ Trung-Triều như môi với răng, “môi hở thì răng lạnh”. Tuy nhiên, giờ đây, dường như Trung Quốc đang “chịu đựng” Triều Tiên chỉ vì không muốn gặp rắc rối.

Bất chấp sức ép mà hành động của Triều Tiên gây ra đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đến nay vẫn kiềm chế có hành động cứng rắn hơn. Sau vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Bình Nhưỡng, một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo rằng việc cắt nguồn cung dầu cho Triều Tiên sẽ biến cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên thành một cuộc xung đột giữa nước này với Trung Quốc.

Ông Zhao Tong, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Carnegie-Tsinghua Center ở Bắc Kinh, nói rằng Triều Tiên rất không hài lòng với việc Trung Quốc ủng hộ việc Liên hiệp quốc gần đây siết lệnh trừng phạt đối với nước này. “Nếu Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt kinh tế mạnh hơn trực tiếp đe dọa sự ổn định của chính thể ở Triều Tiên, thì rất có thể Triều Tiên sẽ trở nên thù nghịch với Trung Quốc như với Mỹ”, ông Zhao nhận định.