16:53 10/09/2012

Tỷ phú Soros khuyên Đức từ bỏ đồng Euro

An Huy

Tỷ phú George Soros gây sốc khi khuyên nước Đức rời Eurozone nếu không lãnh đạo được khối này thoát khỏi suy thoái

Tỷ phú George Soros.
Tỷ phú George Soros.
Tỷ phú đầu cơ nổi tiếng George Soros vừa lên tiếng kêu gọi Chính phủ Đức nỗ lực đưa khối Eurozone thoát khỏi suy thoái bằng cách thúc đẩy tăng trưởng, lập một cơ quan tài khóa chung, và bảo lãnh cho trái phiếu chung của khu vực. Nếu Đức không làm được điều đó, thì theo ông Soros, chỉ có việc Berlin rời liên minh tiền tệ mới cứu vãn được tương lai của châu Âu.

“Dẫn đầu hoặc ra đi, đây là quyết định chính đáng mà nước Đức phải đưa ra”, tỷ phú Soros nói trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Financial Times của Anh. “Hoặc là Đức gắn số phận của mình với số phận của các châu Âu, chấp nhận rủi ro chìm nổi cùng nhau, hoặc phải rời đồng Euro, vì nếu như nước Đức ra khỏi Eurozone, thì tình hình ở đây sẽ khá hơn”.

“Tất cả đều phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm của nước Đức”, ông Soros phát biểu thêm. “Nếu họ cứ khăng khăng đòi theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng, nhất quyết duy trì lập trường giảm phát hiện nay, và không thay đổi quan điểm đó, thì xét trong dài hạn, tốt hơn hết là họ nên ra đi”.

Tỷ phú Soros mạnh mẽ ủng hộ sự nhất thể hóa của châu Âu, nhưng đồng thời cũng là một người công khai chỉ trích cách giải quyết khủng hoảng tại Eurozone của Đức từ năm 2010 đến nay. Đức là nền kinh tế lớn nhất, đóng góp ngân sách nhiều nhất trong Eurozone, nên là quốc gia giữ tiếng nói mang ý nghĩa quyết định trong các vấn đề quan trọng của khối này, bao gồm việc giải quyết khủng hoảng nợ.

Về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cách đây ít ngày tuyên bố một kế hoạch mua trái phiếu không giới hạn nhằm chống khủng hoảng, tỷ phú Soros đánh giá cao và xem đây “là một bước đi mạnh mẽ hơn những biện pháp trước đó”.
“Cách này sẽ đem lại hiệu quả. Kế hoạch thậm chí có thể đặt nền móng cho giải pháp cuối cùng. Nhưng đó chỉ là một giải pháp tạm thời chứ chưa phải là giải pháp thực sự”, ông Soros phát biểu.

Cũng theo ông Soros, chỉ bằng cách đơn giản là công bố khả năng can thiệp của ECB vào thị trường cũng có thể giúp Tây Ban Nha hạ lãi suất vay vốn trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ để chặn đứng vòng xoáy giảm phát ở nước này hiện nay. Ông Soros nhận định, Tây Ban Nha sẽ không lên tiếng xin cứu trợ cho tới khi nước này “bị dồn vào chân tường”.

Tỷ phú Soros nhận xét, việc đòi hỏi các nước như Tây Ban Nha và Italy theo đuổi thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng - điều mà nước Đức vẫn đang làm - sẽ chỉ khiến sự chia rẽ trong Eurozone, giữa một bên là các nước con nợ và một bên là các nước chủ nợ, thêm phần sâu sắc. “Đó là một bước đi tiến tới tạo ra một châu Âu có hai nửa vĩnh viễn”, ông Soros nhận xét.

Vị tỷ phú 82 tuổi này cũng nói rõ, giải pháp mà ông ủng hộ nhiều hơn vẫn là nước Đức từ bỏ lập trường giảm phát của nước này và hành động như một “nhà lãnh đạo rộng lượng” đối với các nước đối tác trong Eurozone, thay vì rời khỏi khối đồng tiền chung.

“Xét về mặt chính trị thì việc Đức rời khỏi Eurozone sẽ là một điều tồi tệ. Tất cả những người ủng hộ châu Âu chắc đều sốc với ý tưởng cho rằng Đức nên ra đi. Sẽ là tốt hơn nếu Đức thay đổi quan điểm của họ”, ông Soros nói.

Theo khuyến nghị của tỷ phú này, để ngăn chặn không cho cuộc đối đầu hiện tại giữa các nước chủ nợ và các nước con nợ trong Eurozone trở thành cuộc đối đầu vĩnh viễn, châu Âu cần có một cơ quan tài khóa chung (EFA), một dạng quỹ tiền tệ của khu vực, làm nhiệm vụ gánh vác những rủi ro từ hoạt động mua trái phiếu chính phủ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện.

Bên cạnh đó, theo ông Soros, Eurozone nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP danh nghĩa tối thiểu là 5%, với mức lạm phát cao hơn so với mức lạm phát mà Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cho phép. Nếu không có triển vọng tăng trưởng, thì các nước con nợ ở Eurozone sẽ tiếp tục mắc kẹt trong một “cái bẫy giảm phát” và rốt cục sẽ lâm cảnh vỡ nợ.

Tỷ phú Soros cũng khuyến nghị châu Âu sử dụng hai quỹ giải cứu tài chính của khu vực là EFSF trị giá 440 tỷ USD và quỹ ESM trị giá 500 tỷ USD để thành lập một “quỹ giảm nợ”, dùng quỹ này để mua các khoản nợ trái phiếu vượt trần 60% GDP của các nước trong Eurozone. Sau đó, quỹ giảm nợ này sẽ phát hành tín phiếu chung của Eurozone, bán cho các nhà đầu tư, và ECB sẽ xem tín phiếu này như một tài sản thế chấp chất lượng cao.

Vào thứ Tư tuần này, Tòa án Hiến pháp của Đức sẽ quyết định xem quỹ ESM có hợp pháp hay không. Những trở ngại pháp lý chưa được giải quyết đã khiến quỹ này bị trì hoãn, thay vì được tung ra từ tháng 7 năm nay. ESM là một phần trong kế hoạch mua trái phiếu chính phủ mà ECB công bố vào tuần trước. Các chính phủ đang vay nợ có thể đề nghị sự hỗ trợ từ ESM hoặc quỹ EFSF.

Tuy nhiên, ý tưởng bảo lãnh nợ chung cho Eurozone vẫn là một vấn đề mà Chính phủ Đức phản đối kịch liệt. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính nước này Wolfgang Schäuble cho rằng, điều đó không thể xảy ra trước khi có một “liên minh tài khóa” được thành lập ở châu Âu để giám sát kỷ luật tài chính ở khu vực.

“Trừ phi nước Đức thay đổi quan điểm của họ về đồng Euro, họ sẽ đẩy châu Âu vào một tình thế không thể chấp nhận được, dù không có chủ ý. Lo ngại thực sự của tôi lúc này đồng Euro đang đặt EU vào thế rủi ro”, ông Soros phát biểu.

Tỷ phú này cho rằng, ông sẽ bị người Đức cho là ông đang nói những lời của một nhà đầu cơ tài chính. “Nhưng tôi không chỉ là một nhà đầu cơ. Tôi gần như đã nghỉ hưu rồi. Tôi cho rằng, mình nói thẳng nói thật ở tuổi này là hợp lý”, ông Soros nói.