08:46 09/09/2011

Vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay?

Hồng Ngọc

Thị trường vàng có phiên phục hồi khá mạnh đêm 8/9, khi giá vàng giao tháng 12 tại sàn Comex tăng 2,2% lên 1.857,5 USD/ounce

Lý do chính khiến vàng phục hồi phiên 8/9 lại không xuất phát từ lực bắt đáy mà lại từ những tín hiệu bất lợi từ kinh tế thế giới.
Lý do chính khiến vàng phục hồi phiên 8/9 lại không xuất phát từ lực bắt đáy mà lại từ những tín hiệu bất lợi từ kinh tế thế giới.
Thị trường vàng có phiên phục hồi khá mạnh đêm qua (8/9), khi giá vàng giao tháng 12 tại sàn Comex, New York tăng 2,2% lên 1.857,5 USD/ounce. Trong phiên, giá vàng loại này có lúc lên sát 1.875 USD/ounce. Trên thị trường giao ngay, giá vàng cũng tăng khá mạnh lên gần 1.870 USD/ounce.

Đóng cửa trước đó, tại thị trường Singapore chiều 8/9, giá vàng trên thị trường giao ngay đã tăng hơn 1%. Cụ thể, vào lúc 13h41 (giờ Việt Nam), vàng giao ngay được giao dịch với giá 1.840,66 USD/ounce. Mức đỉnh của giá vàng trong phiên này đạt 1.843,49 USD/ounce, tăng 1,5% so với phiên trước.

Trước đó, trong hai phiên 6 và 7/9, giá vàng lao dốc mạnh. Hầu hết giới phân tích cho rằng, sự sụt giảm này chỉ mang tính kỹ thuật, bất chấp một số thông tin có lợi từ nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, lý do chính khiến vàng phục hồi phiên 8/9 lại không xuất phát từ lực bắt đáy mà lại từ những tín hiệu bất lợi từ kinh tế thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tuần tính tới hết ngày 3/9, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng thêm 2.000 người lên 414.000 người. Trong khi đó, bản báo cáo "Beige Book" về tình hình kinh tế Mỹ của Cục Dự trữ Liên bang (FED) công bố một ngày trước cho thấy, nền kinh tế số một thế giới tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chậm hoặc trung bình ở nhiều khu vực.

Theo báo cáo "Beige Book", trong tháng 8 vừa qua, 5 trong số 12 khu vực trên toàn nước Mỹ thông báo mức tăng trưởng "vừa phải" trong các hoạt động kinh doanh và kinh tế. Các khu vực này bao gồm St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco. Trong khi đó, hoạt động kinh tế tại bốn khu vực được ghi nhận mức "còn yếu" và ba khu vực còn lại "chậm hơn".

Báo cáo mới nhất của FED cũng cho thấy sự biến động của thị trường chứng khoán cũng như sự không ổn định trong hoạt động của một số thị trường đã khiến nhiều khu vực phải hạ bớt chỉ số đánh giá nền kinh tế khu vực hoặc thận trọng hơn trong dự báo triển vọng kinh tế.

Về thị trường việc làm, FED nhận định về cơ bản, tình hình ổn định tại một số khu vực và phát triển ở mức độ vừa phải tại các khu vực còn lại, trong khi nhu cầu tuyển người vào các vị trí cần có kỹ năng cao như kỹ sư, thợ cơ khí và phát triển phần mềm máy tính đang gia tăng.

Theo báo cáo, trong tháng 8 vừa qua, chi tiêu cho tiêu dùng tăng nhẹ ở hầu hết các khu vực, hoạt động du lịch vẫn phát triển ổn định và nhu cầu đối với các ngành dịch vụ nói chung là tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đã bị thiệt hại đáng kể do thiên tai, đặc biệt sau cơn bão lịch sử Irene đổ bộ vào miền Đông nước Mỹ hồi cuối tháng.

Thị trường vàng cũng đi lên sau bài phát biểu của Chủ tịch FED, trong đó ông Ben Bernanke đã không đưa ra được bất cứ biện pháp cụ thể hay kế hoạch mới nào nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều sụt giảm khá mạnh trong phiên giao dịch đêm qua.

"FED đã không đưa ra được nhiều sự chọn lựa hay các công cụ (kích thích kinh tế), những gì mà thị trường đã mong muốn hoặc dự đoán", Tim Ghriskey, Giám đốc đầu tư của hãng quản lý tài sản Solaris ở Bedford Hills, New York, nhận xét. "Thị trường cảm thấy thất vọng vì cuộc chơi vẫn vậy".

Chốt ngày giao dịch chứng khoán ngày 8/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 119,05 điểm, tương ứng 1,04%, xuống 11.295,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,72 điểm, tương ứng 1,06%, xuống 1.185,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 19,80 điểm, tương ứng 0,78%, xuống 2.529,14 điểm.

Góp phần kéo giá vàng đi lên còn là việc Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cho biết rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế đã tăng lên. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,5% để ngăn chặn mối nguy lạm phát.

Một yếu tố khác tuy không có tác động trực tiếp lên thị trường vàng, nhưng cũng cho thấy vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn thời điểm này. Đó là việc tổ chức định mức tín nhiệm Fitch cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc trong vòng hai năm tới và cho biết cơ hội hạ bậc tín nhiệm của Nhật Bản là lớn hơn bao giờ hết.

Andrew Colquhoun, trưởng nhóm xếp hạng tín nhiệm khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Fitch cho biết xếp hạng tín nhiệm nội tệ của Trung Quốc có thể bị đối mặt với việc hạ bậc trong vòng 12-24 tháng tới. Trong khi, khả năng Fitch hạ bậc tín nhiệm Nhật Bản là cao nhất từ trước đến nay vì khoản nợ công gấp đôi quy mô nền kinh tế 5 ngàn tỷ USD của nước này.

Trong khi đó, phát biểu trước thềm phiên họp tài chính G7, tân Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi khẳng định ông sẽ cố gắng thuyết phục các đối tác trong G7 rằng đồng Yên mạnh là mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. Nhật Bản lo ngại rằng sức mạnh của đồng Yên có thể xói mòn nỗ lực phục hồi kinh tế sau thảm họa động đất-sóng thần xảy ra hôm 11/3 năm nay.

Đồng Yên mạnh làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu nhật Bản, đồng thời khiến các hàng hóa sản xuất tại nước này trở nên đắt đỏ hơn khi bán ở nước ngoài. Hiện đang xuất hiện các mối quan ngại rằng, Nhật Bản có thể phải đối mặt với tình trạng "rỗng ruột" trong các ngành công nghiệp, khi ngày càng nhiều công ty đang tính chuyển sản xuất ra nước ngoài.

Hôm qua (8/9), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố kế hoạch kích thích tăng trưởng việc làm trị giá 447 tỷ USD, thay vì con số 300 tỷ USD như dự báo ban đầu. Số tiền này sẽ được bơm vào nền kinh tế thông qua các khoản chi cho cơ sở hạ tầng, trợ cấp cho các địa phương và cắt giảm thuế thu nhập cho công nhân và doanh nghiệp nhỏ.

Cụ thể, một nửa trong số 447 tỷ USD sẽ được dùng để cắt giảm thuế. Trong khi, 105 tỷ USD sẽ được chi cho cơ sở hạ tầng, bao gồm nâng cấp thay mới trường học, dự án vận tải, phục hồi các bất động sản đang bị bỏ không và khoảng 35 tỷ USD được dùng để hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương, để đảm bảo việc làm cho 280 nghìn giáo viên.

Trước đó, hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin thân cận trong đảng Dân chủ tiết lộ, ông Obama sẽ đưa ra kế hoạch chi tiêu mới trị giá 300 tỷ USD để thúc đẩy việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 8 vẫn đứng yên ở mức 9,1%. Để bù đắp cho khoản chi này, ông Obama dự định sẽ đưa ra các biện pháp cắt giảm chi tiêu khác.

Chính phủ Mỹ tin rằng, kế hoạch mới được công bố sẽ có tác dụng tốt, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng từ năm tới và ảnh hưởng này sẽ kéo dài cho tới tận năm 2013. Đồng thời, một nửa số tiền chi cho cắt giảm thuế kỳ vọng sẽ thu hút được sự quan tâm và nhất trí của các nghị sỹ đảng Cộng hòa.

Hiện chưa rõ kế hoạch này sẽ tác động như thế nào lên thị trường hàng hóa các loại, trong đó có vàng. Tính tới nay, vàng đã có 11 năm tăng giá liên tiếp, khoảng thời gian tăng giá dài nhất kể từ năm 1920. Giá kim loại quý đã tăng 28% trong năm nay do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu làm tăng nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản thay thế an toàn.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn như hiện nay, không có gì hơn là mua vàng để tìm nơi trú ẩn an toàn. Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ dự báo, giá vàng có thể lên tới 2.075 USD/oz vào năm 2012 do triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục u ám. Giá vàng năm 2013 được dự báo lên 1.725 USD/oz, tăng 44% so với dự báo ban đầu là 1.200 USD/oz.