15:03 03/02/2017

Vì sao sếp Uber rời nhóm cố vấn kinh tế của Trump?

Thăng Điệp

Trong số những người lên án chính sách của tân Tổng thống Mỹ đối với người nhập cư, có nhiều tài xế Uber

Giám đốc điều hành Uber, ông Travis Kalanick - Ảnh: Reuters.<br>
Giám đốc điều hành Uber, ông Travis Kalanick - Ảnh: Reuters.<br>
Giám đốc công ty ứng dụng chia sẻ xe Uber, ông Travis Kalanick, hôm 2/2 đã rút khỏi nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hãng tin Reuters cho biết nguyên nhân khiến ông Kalanick không tiếp tục công việc cố vấn cho ông Trump là áp lực ngày càng lớn từ các nhà hoạt động và nhân viên Uber phản đối chính sách nhập cư của chính quyền Trump.

Trong số những người lên án chính sách của tân Tổng thống Mỹ đối với người nhập cư, có nhiều tài xế Uber vốn là người nhập cư.

Tuy vậy, ông Kalanick viết trong một bức e-mail gửi nhân viên mà Reuters thu thập được: “Tham gia vào nhóm cố vấn không đồng nghĩa với ủng hộ Tổng thống hay chương trình nghị sự của ông ấy, nhưng không may điều đó đã bị hiểu lầm thành như vậy”.

Phát ngôn viên Uber Chelsea Kohler đã xác nhận việc ông Kalanick ra khỏi nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống.

Nhiều chiến dịch trên mạng xã hội gần đây đã nhằm vào Uber, kêu gọi người dùng xóa tài khoản ứng dụng này và chuyển sang dùng ứng dụng đối thủ Lyft. Về phần mình, Uber đã gửi e-mail cho những người dùng xóa tài khoản, nói rằng công ty chia sẻ mối lo ngại của họ và sẽ bồi thường cho những tài xế bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Ít ngày sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã ký sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với người tị nạn và công dân từ 7 quốc gia có phần đông dân số là người theo đạo Hồi.

Kalanick nói ông đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ về sắc lệnh trên và “những vấn đề mà sắc lệnh gây ra đối với cộng đồng của chúng tôi”. Ông cũng nói với Tổng thống về việc ra khỏi nhóm cố vấn kinh tế.

“Có nhiều cách mà chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng để ủng hộ sự thay đổi công bằng trong chính sách nhập cư. Tuy nhiên, việc ở lại trong hội đồng cố vấn sẽ cản trở điều đó. Sắc lệnh của Tổng thống làm tổn thương nhiều người trong các cộng đồng trên khắp nước Mỹ”, ông Kalanick viết trong e-mail gửi nhân viên. “Các gia đình bị chia cắt, nhiều người bị mắc kẹt ngoài biển, và có một nỗi lo sợ ngày càng gia tăng rằng nước Mỹ không còn là một quốc gia chào đón người nhập cư”.

Trong một tuyên bố vào tối ngày 2/2, Nhà Trắng không đề cập đến Uber, nhưng nói rằng Tổng thống Trump “hiểu tầm quan trọng của một cuộc đối thoại cởi mở với các lãnh đạo doanh nghiệp để bàn về cách tốt nhất đưa nền kinh tế đất nước trở nên mạnh hơn”.

Động thái của sếp Uber có thể gia tăng áp lực lên nhóm giám đốc doanh nghiệp dự kiến sẽ tham dự một cuộc gặp với ông Trump vào ngày 3/2. Trong số những nhân vật tham dự cuộc gặp này có các giám đốc điều hành của hãng xe GM, ngân hàng JPMorgan Chase, quỹ đầu tư Blackstone, hãng công nghệ IBM, tập đoàn bán lẻ Wal-Mart…

Ngoài ra, hội đồng cố vấn kinh tế của ông Trump còn có giám đốc các hãng xe điện Tesla, hãng đồ uống Pepsi, công ty tư vấn Boston Consulting Group…

Việc ông Kalanick thôi cố vấn cho Trump có thể là tín hiệu cho sự rạn nứt gia tăng trong mối quan hệ giữa các công nghệ với Washington.

“Đang có một cuộc chiến manh nha”, ông Neejar Agrawal đến từ quỹ Batter Ventures nhận xét. “Chính quyền Trump rõ ràng không đề cao những hoạt động kinh tế mà công nghệ tạo ra”.

Nhiều công ty công nghệ lớn gồm Microsoft, Alphabet, và Amazon đều phản đối sắc lệnh của Trump, nói rằng họ đều phải dựa vào lao động từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Trong khi đó, Amazon và Expedia đã có động thái pháp lý ủng hộ đơn kiện của chưởng lý bang Washington nhằm vào sắc lệnh của Trump.