10:01 18/01/2011

Vì sao Trung Quốc muốn Nhân dân tệ “hóa rồng”?

Diệp Anh

Việc Nhân dân tệ ngày càng lớn mạnh là một bước đi trong chiến lược “hóa rồng” của Trung Quốc

Nhân dân tệ của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh - Ảnh: Getty.
Nhân dân tệ của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh - Ảnh: Getty.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, Bắc Kinh muốn quốc tế hóa Nhân dân tệ để tăng thêm sức mạnh và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào USD hay Euro. Giới chuyên gia Trung Quốc cho biết, tiến trình này đã được thực hiện từ nhiều năm nay.
 
Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ trước khi công du Washington, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đề cập đến vấn đề quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và sự cần thiết phải cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế.

Theo hãng tin AFP và RFI, một trong những lý do mà lãnh đạo Trung Quốc đề cập đến vấn đề này là nhằm giảm bớt áp lực của Mỹ và phương Tây đòi Bắc Kinh phải nâng giá Nhân dân tệ, qua đó tạo điều kiện cho cạnh tranh thương mại bình đẳng.

Giới chuyên gia cho rằng, các biện pháp mà Trung Quốc tiến hành nhằm quốc tế hóa đồng tiền quốc gia nằm trong một chiến lược lâu dài, nhưng trước mắt, Bắc Kinh chưa sẵn sàng từ bỏ việc kìm giữ giá trị đồng tiền thấp, đặc biệt là so với đô la Mỹ.

Chính quyền Obama và các chính khách Mỹ cho rằng, giá trị Nhân dân tệ thấp là nguyên nhân dẫn đến mất cân đối trong cán cân thương mại song phương. Trong tháng 11 năm ngoái, nhập siêu của Mỹ từ Trung Quốc lên đến 25,6 tỷ USD.

Trong khi đó, theo Trung Quốc, đây là kết quả của phân công lao động quốc tế và những hạn chế của Washington trong việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.

Dưới áp lực của phương Tây, tháng 6/2010, Trung Quốc đã cho nới rộng biên độ dao động tỷ giá Nhân dân tệ và USD. Nhờ vậy, giá trị đồng tiền Trung Quốc tăng 3,6%.

Mặt khác, cùng với sự phát triển về kinh tế, Bắc Kinh cũng muốn quốc tế hóa Nhân dân tệ, tăng thêm sức mạnh và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào USD hay Euro, đồng thời cũng tránh được những áp lực đòi điều chỉnh tỷ giá từ phía các đối tác thương mại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ là thực tế không thể tránh khỏi. Với việc nắm giữ gần 3.000 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối, Trung Quốc đặc biệt lo ngại về giá trị của đồng USD sẽ suy giảm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong khi đó, giới đầu tư cũng nhận ra rằng hệ thống tài chính toàn cầu đang quá coi Mỹ là trung tâm và quá phụ thuộc vào đồng USD. Tình trạng này đã làm phát sinh quá nhiều vấn đề trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Các nhà phân tích dự đoán chỉ trong vài năm tới sẽ có khoảng 20%-30% kim ngạch nhập khẩu trị giá 2.300 tỷ USD của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, thay vì USD, tăng mạnh so với 1% hiện nay.

Nhà đầu tư nổi tiếng quốc tế Jim Rogers mới đây còn nhận định, đồng Nhân dân tệ là một trong những đồng tiền an toàn nhất thế giới. Ông Rogers cho rằng, các nhà đầu tư toàn cầu nên tiếp tục nắm giữ đồng tiền này, bởi đồng USD của Mỹ hiện đã trở thành một sự lựa chọn sai lầm của các nhà đầu tư.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục góp phần làm thay đổi thế giới. Trong 10 năm tới, với sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền sử dụng trong giao dịch mua bán bên cạnh đồng USD và đồng Euro.

Việc Nhân dân tệ ngày càng lớn mạnh là một bước đi trong chiến lược “hóa rồng” của Trung Quốc, bởi từ cổ chí kim, vai trò của cường quốc luôn song hành cùng vị thế của đồng tiền quốc gia.

Theo giới chuyên gia Trung Quốc, tiến trình quốc tế hóa nhân dân tệ đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Tháng 7/2009, Bắc Kinh thí điểm dùng Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại ở một số vùng biên giới.

Chương trình này sau đó được áp dụng cho các đối tác ở Hồng Kông và Ma Cao và một số nước ASEAN. Vào cuối năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận dùng Nhân dân tệ và rúp để thanh toán thương mại, thay vì dùng USD.

Để mở rộng việc sử dụng đồng Nhân dân tệ ra bên ngoài biên giới, Bắc Kinh còn từng bước giảm bớt các hạn chế di chuyển vốn. Chính các biện pháp kiểm soát này đã giúp Trung Quốc tránh được hiện tượng các nhà đầu tư bất ngờ rút vốn ồ ạt, giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Cuối năm 2010, Bắc Kinh đã cho phép các nhà xuất khẩu Trung Quốc được quyền giữ lại phần thu nhập ngoại tệ để mua sản phẩm và đầu tư ở nước ngoài. Trong khuôn khổ một kế hoạch thí điểm, các doanh nhân ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang được phép đầu tư ra nước ngoài khoảng 200 triệu USD mỗi năm.

Một chuyên gia kinh tế tại ngân hàng HSBC cho rằng, biện pháp này là dấu hiệu báo trước về khả năng chuyển đổi của đồng Nhân dân tệ trong các tài khoản vốn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng thừa nhận là còn phải chờ nhiều năm nữa thì Nhân dân tệ mới có thể trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế, như USD hay Euro. Ông cũng chỉ trích hệ thống tiền tệ hiện nay, với vai trò thống trị của USD, là một sản phẩm của quá khứ.

Theo hãng tin AFP dẫn lời ông Alistair Thornton, chuyên gia thuộc hãng tư vấn IHS Global Insight, mục đích của việc tự do hóa các tài khoản vốn là để thúc đẩy việc dùng Nhân dân tệ như một đồng tiền quốc tế, đồng thời để làm dịu những căng thẳng về tỷ giá trước cuộc viếng thăm Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Thế nhưng, các biện pháp của Bắc Kinh không làm dịu được sự bực bội của các chính khách Mỹ.

Một ngày trước khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Washington, hôm 17/1, ba Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, gồm Charles Schumer - New York, Debbie Stabenow - Michigan và Bob Casey – Pennsylvania, đã đệ trình một dự luật cho phép trả đũa những mất cân đối về tiền tệ có tác động tiêu cực và bất công đối với ngoại thương của Mỹ.