14:27 02/06/2014

Vì sao Trung Quốc “vồ vập” tân Thủ tướng Ấn Độ?

An Huy

Tân Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi có thể sẽ là một nhân tố khó lường trong quan hệ với Trung Quốc

Tân Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi.
Tân Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi.
Ba ngày sau khi ông Modi chính thức nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ, người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chủ động gọi điện cho ông Modi để thảo luận về tương lai quan hệ giữa hai nước.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin, trong cuộc điện đàm này, ông Lý Khắc Cường nói với Modi rằng, Trung Quốc “sẵn sàng tăng cường sự tin tưởng song phương” với Ấn Độ và coi sự phát triển được duy trì của Ấn là một cơ hội cho Trung Quốc.

Trước đó, ông Lý Khắc Cường đã ra một tuyên bố chúc mừng ông Modi nhân dịp ông Modi nhậm chức Thủ tướng, đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với nhà lãnh đạo mới của Ấn Độ.

Cũng theo Tân Hoa Xã, ông Modi nói “phát triển quan hệ với Trung Quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nền ngoại giao Ấn Độ”. Tân Thủ tướng Ấn khẳng định, Chính phủ mới do đảng BJP cầm quyền “coi mối quan hệ Ấn-Trung có tầm quan trọng lớn”.

Tờ báo India Today của Ấn Độ thì đưa tin, Thủ tướng Modi đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Ấn Độ trong năm nay. Đây sẽ là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013.

Theo dự kiến, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Ấn Độ vào đầu tháng 6 này. Chuyến thăm của ông Vương Nghị sẽ mở đường cho chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình sau đó.

Khi còn là Thủ hiến bang Gurajat, ông Modi đã thăm Trung Quốc 4 lần, tích cực kêu gọi vốn đầu tư của Trung Quốc để phát triển nền kinh tế của bang này. Tờ Economic Times của Ấn nhấn mạnh, phần lớn khoản vốn đầu tư 900 triệu USD của Trung Quốc vào nước này tập trung ở Gurajat.

Với nền tảng này, và trọng tâm rõ ràng của ông Modi là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, Trung Quốc dường như tự tin bác bỏ những lo ngại cho rằng ông Modi sẽ có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.

Một bài viết trên tờ Global Times nhận định, ông Modi “sẵn sàng làm ăn với Trung Quốc”. Bài viết này thậm chí còn nhận định, việc ông Modi xuất thân từ cánh tả sẽ là một lợi thế cho quan hệ Trung-Ấn.

Trung Quốc chắc chắn quan tâm tới việc theo đuổi một mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Ấn Độ. Trong cuộc đàm thoại với Thủ tướng Modi, ông Lý Khắc Cường bày tỏ sự quan tâm đối với việc tiếp tục phát triển hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar (BCIM), một trong những kế hoạch kinh tế hướng Tây do Bắc Kinh thúc đẩy.

Trung Quốc cũng xem Ấn Độ là một phần trong “con đường tơ lụa trên biển” mới, một tuyến thương mại đường biển đầy tham vọng nối giữa Trung Quốc và châu Âu, qua Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi. Cả trên bộ và trên biển, Ấn Độ là một phần quan trọng trong tầm nhìn của Trung Quốc về hội nhập kinh tế với khu vực Tây Á và xa hơn nữa. Bắc Kinh đang lạc quan rằng, tầm nhìn của họ sẽ phù hợp với các mục tiêu kinh tế của tân Thủ tướng Modi.

Rõ ràng, Trung Quốc đang tỏ ra lạc quan về mối quan hệ Trung-Ấn dưới thời tân Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ không dễ dàng như những gì Bắc Kinh mong muốn.

Để thúc đẩy mạnh mẽ tầm nhìn về kinh tế như đề cập ở trên, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải giải quyết được các tranh chấp biên giới còn tồn tại. Có một số ý kiến cho rằng, về vấn đề này, ông Modi sẽ thể hiện lập trường cứng rắn như những gì người ta vốn biết về ông.

Một bài phân tích trên tờ Livement nhận định, quyết định của ông Modi bổ nhiệm một cựu tư lệnh quân đội vào vị trí lãnh đạo khu vực Đông Bắc của Ấn Độ là có mục đích trực tiếp với Trung Quốc.

“Quân đội Trung Quốc giờ có lẽ phải nghĩ đi nghĩ lại trước khi đưa quân tới nơi gần các khu vực tranh chấp”, bài phân tích này viết. Đặc biệt, với xuất thân cánh tả, ông Modi sẽ đối mặt với áp lực phải đáp trả mạnh hơn trước các hành động gây hấn của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp.

Tờ The Diplomat đánh giá, nếu Trung Quốc và Ấn Độ có thể tránh được việc thách thức nguyên trạng ở các khu vực biên giới có tranh chấp, thì sự lạc quan về hợp tác song phương giữa hai nước là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, nếu nhìn từ tình hình trên biển Đông, chủ nghĩa dân tộc có thể vượt lên trên những mối lo kinh tế, nhất là khi liên quan đến vấn đề chủ quyền.

Bài báo của tờ tạp chí uy tín này đánh giá, kiểu tự tin mà Tân Hoa Xã đưa ra - ý tưởng trong đó ông Modi và Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận thế thượng phong của Trung Quốc - có thể “phản đòn” ngoạn mục nếu Bắc Kinh sử dụng ý tưởng này để lấn tới trong vấn đề biên giới.