16:31 07/04/2016

Vụ Panama: Trung Quốc, Hồng Kông chiếm gần 1/3 công ty “ma”

An Huy

Mossack Fonseca đã thu phí đối với hơn 16.300 công ty “ma” được thành lập qua các văn phòng ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục

Ngôi sao phim võ thuật Thành Long được cho là một trong số những khách hàng của Mossack Fonseca ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục - Ảnh: Forbes.<br>
Ngôi sao phim võ thuật Thành Long được cho là một trong số những khách hàng của Mossack Fonseca ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục - Ảnh: Forbes.<br>
Hồng Kông và Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 1/3 số công ty bình phong (offshore company) được tạo ra bởi Mossack Fonseca, công ty luật là “tâm bão” trong vụ rò rỉ tài liệu Panama Papers.

Trong số này, có một số công ty được thành lập cho khách hàng là người thân trong gia đình những quan chức vào hàng quyền lực nhất ở Trung Quốc.

Theo tin từ Bloomberg, Mossack Fonseca đã thu phí đối với hơn 16.300 công ty “ma” được thành lập qua các văn phòng của công ty luật này ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Đây chính là thị trường lớn nhất của Mossack Fonseca, chiếm 29% tổng số công ty “ma” được công ty này thành lập trên thế giới - số liệu do Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố ngày 6/4.

Cổ đông trong các công ty “ma” được Mossack Fonseca thành lập cho khách hàng ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông được ICIJ cho là bao gồm ngôi sao phim võ thuật Thành Long, anh rể của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và họ hàng của hai ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc là Lưu Vân Sơn và Trương Cao Lệ.

Panama Papers, vụ rò rỉ hơn 11,5 triệu tài liệu mật của Mossack Fonseca, diễn ra vào một thời điểm bất lợi cho ông Tập Cận Bình, khi mà ông Tập đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng bằng cách yêu cầu đảng viên cung cấp thông tin về tài sản gia đình.

Thông tin về vụ rò rỉ này đã bị “lọc” khỏi mạng Internet ở Trung Quốc. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vụ này chỉ là chuyện “nghe nói”. Tờ Thời báo Hoàn cầu của nước này đăng một bài báo gọi đây là nỗ lực của truyền thông phương Tây nhằm làm mất uy tín của các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Theo ICIJ, văn phòng của Mossack Fonsece tại Hồng Kông được mở vào năm 1989 và là văn phòng bận rộn nhất trên thế giới của công ty luật này. Ngoài ra, ICIJ cũng có văn phòng ở 8 thành phố của Trung Quốc đại lục gồm Đại Liên, Hàng Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Ninh Ba, Thanh Đảo, Thượng Hải và Thẩm Quyến.

ICIJ nói rằng tài liệu bị rò rỉ cho thấy, con dâu của ông Lưu Vân Sơn là giám đốc kiêm cổ đông của một công ty ở British Virgin Islands, trong khi con rể của ông Trương Cao Lệ là cổ đông của 3 công ty ở thiên đường thuế này. ICIJ cũng nói ông Đặng Gia Quý, chồng của bà Tề Kiều Kiều, chị gái ông Tập Cận Bình, là một cổ đông trong hai công ty ở British Virgin Islands.

Hôm thứ Ba tuần này, Thủ tướng Iceland, ông Sigmundur David Gunnlaugsson, đã từ chức sau một cuộc biểu tình rầm rộ của hàng chục nghìn người dân bất bình vì việc ông bị tình nghi cất giấu tài sản ở nước ngoài để trốn thuế trong vụ Panama Papers.

Ngày 6/4, liên minh cầm quyền Iceland đã bổ nhiệm ông Sigurdur Ingi Johannsson, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, vào cương vị Thủ tướng, trong khi cuộc biểu tình của người dân Iceland đã bước sang ngày thứ ba liên tiếp.

Ngày 5/4, khi được Bloomberg hỏi về vụ Panama Papers, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối đưa ra bình luận, thay vì nói rằng những bài viết của ICIJ là vô căn cứ.