08:04 01/09/2011

Xu hướng giá vàng thời gian tới có dễ đoán?

Diệp Anh

Thị trường vàng đã tăng giá tới 12% trong tháng 8 vừa qua. Đây là tháng giao dịch tốt nhất của vàng kể từ tháng 11/2009 tới nay

Chốt phiên 31/8, giá vàng giao tháng 12 tăng 0,1%, lên 1.831,7 USD/ounce.
Chốt phiên 31/8, giá vàng giao tháng 12 tăng 0,1%, lên 1.831,7 USD/ounce.
Giá vàng tương lai nhích nhẹ trong phiên giao dịch đêm qua (31/8), đưa mức tăng trong toàn tháng 8 lên 12%. Đây là tháng giao dịch tốt nhất của kim loại quý này kể từ tháng 11/2009 tới nay.

Cụ thể, chốt phiên New York, giá vàng giao tháng 12 tăng 1,90 USD/ounce, tương ứng 0,1%, lên 1.831,7 USD/ounce. Trong tháng 8 vừa qua, giá vàng hợp đồng loại này đã được nâng thêm 201 USD/ounce, tương ứng với mức tăng 12%.

Mức giá kỷ lục của vàng hợp đồng giao sau được xác lập hôm 22/8 ở 1.891,9 USD/ounce, nhưng chỉ trong hai ngày sau đó, giá vàng loại này đã trượt gần 6%, mức giảm theo ngày thảm hại nhất kể từ tháng 3/2008 tới nay.

Tuy nhiên, kể từ sau phiên giao dịch đó tới nay, giá vàng đã phục hồi trở lại. Phiên giao dịch ngày 30/8, vàng tăng 38,2 USD, tương ứng 2,1%, chốt ở 1.829,8 USD/ounce trên sàn Comex ở New York.

Trang Market Watch dẫn lời ông Bernard Sin, phụ trách giao dịch tiền tệ và kim loại của hãng tài chính MKS ở Geneva, cho hay nhu cầu vàng vật chất ở châu Á và châu Âu tiếp tục mạnh mẽ, và giá mặt hàng kim loại quý này có thể còn biến động mạnh trong vài ngày tới.

"Thị trường có khả năng đi lên khi Ấn Độ bước vào mùa mua sắm vàng", ông Sin nhận định. Ấn Độ và Trung Quốc hiện là những quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu trên thế giới, với việc mua vàng được xem là một tài sản tích trữ truyền thống.

Trong khi đó, tại Mỹ, theo công bố hôm 30/8 của tổ chức nghiên cứu tư nhân Conference Board, chỉ số lòng tin tiêu dùng tại Mỹ giảm từ 59,2 điểm trong tháng 7 xuống 44,5 điểm trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009 và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.

Khủng hoảng lòng tin tiêu dùng khiến lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái trở lại vẫn có cơ sở. Trong khi đó, các nhà đầu tư mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ khi nhận định Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ không dễ dàng trong việc kéo chi phí vay mượn xuống.

Mặc dù cho đến nay, các số liệu từ sản lượng công nghiệp đến việc làm chỉ cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại chứ không suy giảm. Tuy nhiên, người tiêu dùng không tìm thấy những dấu hiệu lạc quan để có thể tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp cao là yếu tố đang ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 dự báo ở mức 9,1%, song tình hình có thể còn tồi tệ hơn khi chỉ số đánh giá sự khó khăn trong tìm kiếm việc làm đã ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2009.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này chỉ đạt 1% trong quý 2/2011, thấp hơn mức dự báo 1,1% của giới phân tích và thấp hơn so với ước tính 1,3% của Bộ Thương mại đưa ra trước đó.

Cơn bão Irene vừa quét qua nước Mỹ có thể làm tăng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong vài tuần, mặc dù 50.000 việc làm dự kiến sẽ được bổ sung cho lĩnh vực xây dựng trong quá trình khắc phục hậu quả sau cơn bão.

Tại cuộc họp hồi đầu tháng, FED đã phải cân nhắc các biện pháp mới để hỗ trợ tăng trưởng như gắn lãi suất với một tỷ lệ thất nghiệp cụ thể và cũng đã tuyên bố sẽ duy trì mức lãi suất siêu thấp hiện nay cho đến ít nhất là giữa năm 2013.

Ngoài ra, theo kết quả cuộc điều tra dư luận mới nhất của hãng tin tài chính Bloomberg, chỉ số S&P/Case-Shiller bao gồm giá nhà đất tại 20 thành phố lớn của Mỹ trong tháng 7 đã giảm 4,6% so với tháng 6/2010, mức giảm năm mạnh nhất kể từ tháng 10/2009.

Tỷ lệ thất nghiệp cao, niềm tin người tiêu dùng tiếp tục sụt giảm, tín dụng thắt chặt là những yếu tố chính tác động tới thị trường nhà đất tại quốc gia này. Nguồn cung dư thừa từ số lượng lớn bất động sản bị thu hồi trong thời gian qua cũng là khiến giá nhà đất tại Mỹ tiếp tục đà đi xuống.

Chính những bấp bênh của nền kinh tế lớn nhất thế giới và những lo sợ về khả năng tái suy thoái đã khiến giá vàng thời gian qua tăng như vũ bão. Và một khi những yếu tố phục hồi định hình chưa rõ nét, thì vàng vẫn tiếp tục là vịnh tránh bão an toàn của giới đầu cơ.

Bên cạnh yếu tố kinh tế Mỹ, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và nhiều nước khác cũng có tác động nhất định tới thị trường vàng thời gian qua và dự kiến đây cũng là chương trình nghị sự chính trong cuộc họp G20 vào cuối tháng 9 này.

Cụ thể, cuộc họp G20 sắp tới sẽ bàn về những vấn đề tài chính của các nền kinh tế phát triển, cuộc khủng nợ công nghiêm trọng tại Mỹ, một số quốc gia thành viên khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

G20 cũng sẽ tập trung bàn thảo các biện pháp kích thích và thúc đẩy sự tăng trưởng cân bằng của nền kinh tế toàn cầu. G20 dự kiến sẽ đẩy mạnh tiến trình "đánh giá lẫn nhau" nhằm tăng cường khả chống chọi với các "ngoại lực".

Theo đó đòi hỏi một số nước thành viên tiến hành các biện pháp ngăn chặn như giảm thâm hụt ngân sách và nợ công, khuyến khích tiết kiệm tư nhân, và giải quyết tình trạng thặng dư quá mức trong cán cân tài khoản vãng lai.

Một yếu tố khác tuy chưa tác động ngay lên thị trường vàng, nhưng dự kiến cũng sẽ có những ảnh hưởng, là nguy cơ vỡ nợ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 17.500 tỷ Nhân dân tệ trong 2 năm qua.

Hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings đã cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm bằng đồng nội tệ của Trung Quốc do lo ngại về nguy cơ vỡ nợ ngày càng cao. Hiện Fitch xếp hạng tín nhiệm nợ bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ở mức AA-.

Andrew Colquhoun, một quan chức của Fitch, cho rằng “chất lượng tài sản ngân hàng sẽ tiếp tục sa sút đáng kể trong trung hạn”. Trước đó, hồi tháng 4, Fitch đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín nhiệm nội tệ của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng ở nỗi lo về nguy cơ vỡ nợ của các doanh nghiệp. Tháng trước, Moody’s cảnh báo nợ xấu của các chính quyền địa phương Trung Quốc nghiêm trọng hơn so với dự báo.

Báo cáo của Moody’s chỉ ra rằng nợ của các chính quyền địa phương có thể cao hơn 3.5 ngàn tỷ Nhân dân tệ so với ước tính 8.5 ngàn tỷ Nhân dân tệ của các nhà kiểm toán. Ngoài ra, Moody’s cảnh báo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể lên tới từ 8-12% tổng dư nợ.

Cũng liên quan tới Trung Quốc, hôm qua, một chuyên gia cố vấn danh tiếng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nói với tờ Tin tức Kinh doanh nước này rằng, Bắc Kinh nên tăng cường nắm giữ vàng và các loại hàng hóa khác.

"Trung Quốc nên nhìn nhận vàng là một tài sản dự trữ chiến lược quan trọng và nên tăng lượng nắm giữ vàng trong dài hạn, mua vào khi giá ở mức thấp", chuyên gia cố vấn Xia Bin nói. "Trong quá khứ, chúng ta không coi đó là một nguyên tắc đầu tư, nhưng giờ phải như vậy".

Theo một tiết lộ hôm 20/7 của mạng IPS News, Trung Quốc đang có kế hoạch nâng dự trữ vàng của họ lên 8.000 tấn, từ mức 1.054 tấn hiện nay. Việc Mỹ bế tắc trong giải quyết vấn đề nâng trần nợ trước đó đã khiến Trung Quốc lo ngại về giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ.

Cùng ngày, ngân hàng Commerbank cho biết, sản lượng khai thác vàng của Australia đang tăng lên. Sản lượng vàng của Australia tăng gần 10% lên 270 tấn khối trong năm tài khóa 2010 - 2011. Trong quý 2 vừa qua, nước này đã sản xuất 68,1 tấn vàng, tăng 5% so với quý trước.

Australia hiện là nước khai thác vàng lớn thứ hai trên thế giới. Trong khi đó, Peru, nước đứng thứ 6 về sản xuất vàng, cũng vừa báo cáo mức tăng sản lượng 9,1% trong suốt tháng 7 so với cùng kỳ năm trước.

"Bất chấp mọi nỗ lực, sản lượng vàng khai thác được vẫn chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường", các chuyên gia phân tích của Commerzbank nhận định.

Tuy nhiên, theo Sunil Kashyap, giám đốc quản lý hãng vốn Scotia ở Hồng Kông, việc xác định xu hướng giá vàng hiện đang gặp khó khăn, bởi gần đây mặt hàng này cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu cơ phi truyền thống như các quỹ đầu cơ và cá nhân giàu có.