12:03 04/05/2022

Thị trường rung lắc mạnh, cổ phiếu dầu khí tăng vượt trội

Kim Phong

Những biến động của thị trường quốc tế trong mấy ngày nghỉ đã tác động phần nào lên thị trường trong nước, kết hợp với áp lực chốt lời ngắn hạn. VN-Index giữa phiên sáng tạo đáy giảm tới 1,12%, tương đương hơn 15 điểm trước khi phục hồi lại. Cổ phiếu dầu khí tỏa sáng, nhưng chưa đủ để dẫn dắt...

Trong nhóm vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, các mã tăng mạnh nhất lại có vốn hóa chưa đủ để điều tiết chỉ số.
Trong nhóm vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, các mã tăng mạnh nhất lại có vốn hóa chưa đủ để điều tiết chỉ số.

Những biến động của thị trường quốc tế trong mấy ngày nghỉ đã tác động phần nào lên thị trường trong nước, kết hợp với áp lực chốt lời ngắn hạn. VN-Index giữa phiên sáng tạo đáy giảm tới 1,12%, tương đương hơn 15 điểm trước khi phục hồi lại. Cổ phiếu dầu khí tỏa sáng, nhưng chưa đủ để dẫn dắt.

Giá dầu và giá khí đốt thế giới tăng tốt trong những ngày nghỉ và kết quả kinh doanh quý 1/2022 là yếu tố duy nhất ảnh hưởng tích cực. Nhóm cổ phiếu dầu khí dẫn dắt bởi GAS đang tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên nhóm này rất khó kéo chỉ số.

GAS là trụ duy nhất có khả năng ảnh hưởng rõ rệt lên VN-Index. Ngay từ khi mở cửa cổ phiếu này đã nhảy +1,51%. Kết phiên sáng GAS tăng 3,02% và đang là trụ khỏe nhất của chỉ số, cộng cho VN-Index khoảng 1,6 điểm. PLX tăng 2,08% cũng đứng thứ 4 trong Top 10 cổ phiếu đỡ chỉ số.

Nhóm mã dầu khí còn lại hầu hết là tăng tích cực: PVD tăng 1,97%, PVC tăng 5,47%, PVS tăng 3,66%, PVO tăng 3,7%, OIL tăng 2,96%, PVT tăng 2,71%, PCG tăng 2,99%...

Nhóm blue-chips VN30 có POW cũng bất ngờ tăng kịch trần nhưng cổ phiếu này vốn hóa chưa đủ để dẫn dắt. Thực tế toàn nhóm blue-chips này sụt giảm giá khá mạnh, lúc tạo đáy VN30-Index giảm tới 1,62%, mạnh hơn cả VN-Index. Độ rộng cuối phiên sáng chỉ có 9 mã tăng/18 mã giảm và chỉ số tụt 0,92% so với tham chiếu.

Ngoài các mã dầu khí và POW, rổ VN30 sót lại FPT tăng 0,19%, BVH tăng 0,32%, MWG tăng 0,87%, PNJ tăng 1,39%, SAB tăng 0,06%. Trong khi đó số giảm áp đảo cả về số lượng lẫn vốn hóa: TCB giảm 3,18%, MSN giảm 1,9%, VPB giảm 1,5%, NVL giảm 1,46%, CTG giảm 1,26%, VRE giảm 2,27%... Dù vậy điểm tích cực là diễn biến phục hồi đang xuất hiện khá rõ, không chỉ ở chỉ số mà cả cổ phiếu. Các trụ như VCB, VIC, VHM đều đã thoát đáy, hồi lại tới trên 2% và lùi lên tham chiếu thành công. Số khác như GVR, MBB cũng quay đầu đi lên trên 1% so với giá đáy.

Độ rộng sàn HoSE cuối phiên sáng ghi nhận 145 mã tăng/279 mã giảm. Sự biến thiên của độ rộng cũng thể hiện trạng thái phục hồi khá tốt: Thời điểm VN-Index tạo đáy lúc 10h40, độ rộng chỉ là 117 mã tăng/304 mã giảm. Tuy số mã hồi tới mức vượt tham chiếu không nhiều, nhưng đa số thoát đáy.

VN-Index thể hiện diễn biến thoát đáy và cải thiện về cuối phiên.
VN-Index thể hiện diễn biến thoát đáy và cải thiện về cuối phiên.

Ở phía tăng, cũng có gần 100 mã đang chốt trên 1% so với tham chiếu, với 7 mã kịch trần. Tuy nhiên số tăng hết biên độ có thanh khoản không cao, trừ POW và VSC. Một số thanh khoản rất tốt và giá tăng cao như VCG tăng 6,48% thanh khoản 112,5 tỷ đồng; BCG tăng 5,97%, giao dịch 129,7 tỷ; VHC tăng 2,98% giao dịch 121,7 tỷ; HAH tăng 5,65% giao dịch 109 tỷ...

Thanh khoản phiên sáng nay không có cải thiện rõ rệt nào, tổng giá trị khớp hai sàn chỉ đạt 8.664 tỷ đồng, tăng 1,1% so với sáng phiên trước. Riêng HoSE thì không tăng, đạt 7.701 tỷ đồng. Tuy vậy VN30 lại giao dịch cao hơn 11,3%, đạt gần 2.493 tỷ đồng. HPG, VPB, POW là các mã thuộc VN30 đứng trong top 5 thanh khoản toàn thị trường sáng nay.

Khối ngoại thu hẹp giao dịch đáng kể và đang bán ròng trên HoSE 137,4 tỷ đồng, mua ròng trên HNX 4,2 tỷ và bán ròng UpCOM 9,3 tỷ đồng. HPG được mua ròng tốt nhất với 43 tỷ đồng, tiếp đến là BCG với 18,9 tỷ. Các mã còn lại đều mua quá nhỏ dưới 10 tỷ đồng. Phía bán cũng tương tự, lớn nhất có DIG -14,1 tỷ, VHM -12,3 tỷ, MSN -12 tỷ, VHC -10 tỷ. Đó cũng là các mã duy nhất bị bán ròng trên 10 tỷ đồng. Điều này thể hiện mức bán ròng không lớn, chủ yếu do số lượng mã cộng dồn.