16:56 25/07/2022

Thị trường trái phiếu hết “nguội lạnh”, Bộ Tài chính nhắc nhà đầu tư soi rõ rủi ro

Ánh Tuyết

Sau loạt biện pháp “gạn đục khơi trong" của nhà điều hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có những chuyển biến tích cực nhưng từ tháng 5, trái phiếu rầm rộ phát hành trở lại. Lo ngại sự tinh vi của các chủ thể tham gia thị trường sẽ gây rủi ro, Bộ Tài chính đưa ra loạt khuyến nghị với nhà đầu tư cá nhân...

Từ tháng 5, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng trở lại. Khối lượng phát hành tháng 6 tăng đến 55% so với thời kỳ "nguội lạnh" tháng 4.
Từ tháng 5, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng trở lại. Khối lượng phát hành tháng 6 tăng đến 55% so với thời kỳ "nguội lạnh" tháng 4.

Ngày 25/7, Bộ Tài chính đã gửi thông tin  báo chí về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2022 và các rủi ro nhà đầu tư cần lưu ý.

DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG 6 THÁNG SAU NHỮNG BIỆN PHÁP "GẠN ĐỤC KHƠI TRONG"

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn, thị trường trái phiếu nếu không được kiểm soát hiệu quả. Do đó, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hàng loạt văn bản nhằm tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đánh giá tổng quan thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp những tháng đầu năm, Bộ Tài chính nhận thấy những thay đổi rõ rệt sau những biện pháp “gạn đục khơi trong" thị trường.

Theo đó, "một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc công bố thông tin bổ sung về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu. Khối lượng phát hành cũng giảm dần từ tháng 2 đến tháng 4 nhưng tăng trở lại trong thời gian gần đây", Bộ Tài chính thông tin.

Thông tin cụ thể hơn, Bộ Tài chính cho biết khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng, vẫn duy trì đà tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo sát diễn biến thị trường từng tháng, có thể thấy khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tập trung chủ yếu trong tháng 1 và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4.

Nguồn: Bộ Tài chính.
Nguồn: Bộ Tài chính.

Cụ thể, khối lượng phát hành trong tháng 1 lớn nhất, lên đến 55,9 nghìn tỷ đồng.

Sau đó, doanh số phát hành trái phiếu doanh nghiệp lao dốc trong tháng 2 chỉ đạt gần 31 nghìn tỷ; tháng 3 đạt 48,8 nghìn tỷ đồng; tháng 4 "chạm đáy" 30,6 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ tháng 5, khối lượng phát hành tăng trở lại. Trong đó, khối lượng phát hành trong tháng 5 là 44,2 nghìn tỷ đồng. Khối lượng phát hành tháng 6 khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng, tăng đến 55% so với thời kỳ "nguội lạnh" tháng 4.

 

"Về hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, trong quý 1/2022, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng, khối lượng mua lại trước hạn trong quý 2/2022 khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp mua lại trước hạn khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp", Bộ Tài chính cho hay.

Liên quan đến cơ cấu doanh nghiệp phát hành, báo cáo mới đây của FiinGroup cho thấy, tổ chức tín dụng và các nhà phát triển bất động sản luôn "so kè" là những nhà phát hành lớn nhất thị trường, khi chiếm lần lượt 44% và 27% cơ cấu phát hành 6 tháng đầu năm 

Tuy nhiên, điều đáng chú ý cơ cấu ngành bất động sản chứng kiến sự sụt giảm đáng kể khi tỷ trọng của ngành này chiếm tới 37% trong năm 2021 và là ngành có giá trị phát hành lớn nhất trong năm.

Từ sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh, có thời điểm thị trường hoàn toàn vắng bóng trái phiếu bất động sản. Tuy nhiên, từ tháng 5, doanh nghiệp địa ốc “rục rịch” quay trở lại đường đua. Dù vậy, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý 2 cũng ghi nhận sự suy giảm so với quý 1.

NHỮNG NỘI DUNG GÂY "HIỂU LẦM"

Để tránh những rủi ro gặp phải, Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư và lưu ý các nội dung 5 nội dung.

Một là, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng mà trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ.

Theo đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp cần nhận thức rõ và chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Hai là, theo quy định của pháp luật hiện hành, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phải là sản phẩm đầu tư dành cho mọi cá nhân.

Loại hình đầu tư này chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.

Cùng với đó, Bộ Tài chính lưu ý khác với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán để chào bán cho không giới hạn nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép.

Với sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây, một số nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu có "mồi nhử" lãi suất cao thông qua các tổ chức phân phối như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.

"Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải hết sức lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Do đó, nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trường hợp nhà đầu tư dùng các cách thức không đúng quy định pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì cả nhà đầu tư và tổ chức cung cấp dịch vụ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Ba là, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.

 

"Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Do đó, không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành", Bộ Tài chính lưu ý.

Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu.

Trường hợp trái phiếu doanh nghiệp được giới thiệu là có bảo lãnh thì nhà đầu tư phải lưu ý phân loại là trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành.

Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành. Tổ chức bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư.

Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh là bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại.

Năm là, thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.

"Đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu", Bộ Tài chính đưa ra lưu ý quan trọng với nhà đầu tư.

Như vậy, trước khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư cần hiểu rõ quy định pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để đảm bảo mình đủ điều kiện được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

4 THÔNG TIN CƠ BẢN CỦA DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH NHÀ ĐẦU TƯ CẦN BIẾT

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng gợi ý nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp 4 thông tin đầy đủ, chính xác như sau.

Thứ nhất, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu như số lượng đợt phát hành, khối lượng phát hành, dư nợ vay, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu phát hành và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Thứ hai, mục đích phát hành trái phiếu.

Thứ ba, tài sản đảm bảo của trái phiếu.

Thứ tư, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cũng cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.

Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu, đánh giá đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư mới nên quyết định mua trái phiếu.

 

"Nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu", Bộ Tài chính lưu ý.

Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao.

Do đó, phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Đặc biệt các nhà đầu tư cần thận trọng khi tham gia các hợp đồng hợp tác đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp theo pháp luật dân sự cùng với các cá nhân, tổ chức nào khác vì rủi ro xảy ra là rủi ro của nhà đầu tư theo pháp luật dân sự.

 

Tăng cường chấn chỉnh thị trường, ngày 20/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính có công văn số 4078/BTC-VP chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị (Vụ Tài chính ngân hàng, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá, Thanh tra Bộ Tài chính và Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam) lập các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán, kiểm toán độc lập.

Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm sẽ công khai thông tin để tất cả các chủ thể trên thị trường được biết.