11:50 27/04/2009

Báo động chất lượng nước đóng chai, đóng bình

Thúy Nhung

Nhiều mẫu nước đóng chai, đóng bình được kiểm tra có nồng độ pH cao, nhiễm vi sinh vật

Hiện cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất, hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh mặt hàng này, nhưng chủ yếu là cơ sở sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ, hình thức phân phối là qua đại lý và bán lẻ tại gia đình. Chính điều này đã làm nảy sinh vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn đối với các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình.
Hiện cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất, hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh mặt hàng này, nhưng chủ yếu là cơ sở sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ, hình thức phân phối là qua đại lý và bán lẻ tại gia đình. Chính điều này đã làm nảy sinh vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn đối với các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình.
Nhiều mẫu nước đóng chai, đóng bình được kiểm tra có nồng độ pH cao, nhiễm vi sinh vật...

Thông tin trên được ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) cung cấp tại hội thảo “Nước uống đóng chai và vấn đề sức khoẻ người tiêu dùng”, tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Hiện  nước uống đóng chai, đóng bình đã trở thành hàng hoá thiết yếu và được sử dụng phổ biến tại các cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng và gia đình. Với nhu cầu đó, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai gia tăng rất nhanh về cả quy mô và công suất.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất, hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh mặt hàng này, nhưng chủ yếu là cơ sở sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ, hình thức phân phối là qua đại lý và bán lẻ tại gia đình. Chính điều này đã làm nảy sinh vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn đối với các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình.

Tại Hà Nội, gần đây qua kiểm tra 134 mẫu nước đóng chai, đóng bình, có 19/134 mẫu vi phạm (chiếm 14,17%). Trong đó, 14 mẫu vi phạm về pH (10,44%), 5/19 mẫu vi phạm về Coliforms (3,73%).

Từ 16/2/2009 đến 1/4/2009, kiểm tra 329 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai tại Tp.HCM, thanh tra Sở Y tế Tp.HCM cũng phát hiện 129 cơ sở sản xuất vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Thanh tra đã đình chỉ 53 cơ sở vì không đảm bảo điều kiện sản xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm vi sinh.

Thậm chí, một số mẫu nước đóng chai, đóng bình ở đây còn bị nhiễm Pseumonas, loại vi trùng nguy hiểm, có khả năng kháng thuốc cao, dễ làm nhiễm trùng đường ruột, hoặc tấn công các vết thương gây nhiễm trùng máu.

Tiếp đến, ngày 10/4/09, thanh tra Sở Y tế Tp.HCM đã đình chỉ thêm 3 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai nhiễm vi sinh vật. Mới đây, chiều 21/4, thanh tra Sở Y tế lại phát hiện thêm 6 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai có kết quả xét nghiệm bị nhiễm vi sinh vật.

Cơ quan chức năng của thành phố cũng đã tiến hành niêm phong gần 5.500 lít nước không đảm bảo chất lượng và yêu cầu các cơ sở nhanh chóng thu hồi sản phẩm cùng lô bị nhiễm vi sinh đang lưu hành trên thị trường.

Có thể nói tình trạng vi phạm quy định của của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nước uống tinh khiết đóng chai hiện nay phức tạp cả về mức độ và quy mô.

Theo TS. Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do đa số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nước uống đóng chai có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ còn chưa được đầu tư thoả đáng, địa bàn sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường... Trách nhiệm của người sản xuất, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, có tư tưởng đối phó với các quy định của pháp luật.

Trong khi đó, chúng ta lại chưa có bộ máy quản lý hành chính thống nhất; chưa có tổ chức hệ thống thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm; chưa có đủ nguồn nhân lực và ngân sách hoạt động, trang thiết bị kiểm nghiệm thực phẩm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thường xuyên và có hiệu quả thực sự.

Tiếp đến là sự hiểu biết của cộng đồng về việc lựa chọn sản phẩm nước uống đóng chai bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn hạn chế.

TS. Hoàng Thị Kim Thanh, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết, hiện có những dây chuyền sản xuất nước “tinh khiết” có giá vài chục triệu đồng, vẫn đầy đủ các công đoạn khử trùng bằng tia cực tím, thẩm thấu ngược R.O... Nên rất nhiều cơ sở tư nhân đã chọn phương án dùng nước được hút từ giếng khoan lên, lọc bằng than hoặc sỏi, rồi xử lý bằng “công nghệ” khử khuẩn qua hệ thống máy dùng tia cực tím tạo ozone khử trùng rồi đóng chai, cung cấp ra thị trường loại nước uống “tinh khiết”.

Hiện theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, nước tinh khiết phải đáp ứng trên 40 chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh...  Theo ông Nguyễn Viết Linh, Trưởng phòng Kinh doanh Xí nghiệp Nước tinh khiết Hà Nội, với những hệ thống xử lý nước rẻ tiền, không thể có được sản phẩm đảm bảo. "Cũng là máy khử khuẩn bằng tia cực tím, nhưng nếu là thiết bị không đảm bảo, chỉ có thể diệt khoảng 30% vi khuẩn có trong nước ngầm. Nguy hiểm nhất là E.Coli, luôn có sẵn trong nước giếng khoan, không được khử triệt để sẽ tồn tại trong nước “tinh khiết” rồi vào cơ thể người gây bệnh. Chưa kể đến hàm lượng các chất độc hai có trong nước giếng khoan không được xử lý triệt để như Asen…", ông Linh nói.

Trong khi đó, không phải người tiêu dùng nào cũng biết điều này, nên các loại nước đóng chai, đóng bình với những tên gọi “mĩ miều”, được in kèm dòng chữ như: sản xuất trên thiết bị hoàn toàn tự động, siêu lọc, tiệt trùng bằng tia cực tím... ở nhãn mác, cộng thêm chiêu bán hàng với dịch vụ giao hàng tận nơi miễn phí, mua một tặng một..., các nhà sản xuất “bẩn” vẫn lừa được vô số các “thượng đế” bỏ tiền ra tiêu thụ sản phẩm.

Trước thực trạng trên, mới đây Vinatas đã kiến nghị Bộ Y tế cần phải coi nước uống đóng chai, đóng bình là loại thực phẩm có nguy cơ cao (tương tự nước khoáng thiên nhiên) và quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt điều kiện vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Bộ Y tế cũng cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng vệ sinh an toàn nước uống đóng chai, đóng bình và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh an toàn của cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007.

Bên cạnh đó, Bộ cũng cần kiến nghị Thủ tướng nâng mức xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi giấy phép sản xuất kinh doanh đối với cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh theo quy định của pháp luật.

* Nước máy đun sôi còn tốt hơn nước "tinh khiết"

Theo TS. Hoàng Thị Kim Thanh, nước tinh khiết chỉ có trên lý thuyết hoặc trong phòng thí nghiệm, không có trong thực tế (là nước chỉ có Oxy và Hydro kết hợp).

Nước được gọi là tinh khiết trên thị trường chỉ đảm bảo về mặt vệ sinh chứ không tốt về mặt sức khoẻ, đặc biệt là dùng lâu dài, bởi nước tinh khiết được lọc bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO) hoặc trao đổi ion (IE), đã lọc đi các khoáng chất. Bình thường 50% các khoáng chất được bổ sung qua đường uống, nếu dùng nước tinh khiết quá nhiều hay hoàn toàn trong ăn uống, nhất là trong thời gian kéo dài, cơ thể sẽ thiểu khoáng chất và sinh bệnh thiếu vi chất.

Hơn nữa, những loại nước “tinh khiết” do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, yếu tố vệ sinh chưa chắc đã đảm bảo. Do đó, người dân nên sử dụng nước máy đạt tiêu chuẩn rồi đun sôi.