07:35 01/08/2012

Bắt giữ gần 2.000 tấn xăng lậu

Xuân Hương

Hơn 2.000 tấn xăng tạm nhập tái xuất trị giá khoảng 40 tỷ đồng đang tiêu thụ lậu trong nội địa thì bị lực lượng hải quan bắt giữ

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Hơn 2.000 tấn xăng tạm nhập tái xuất trị giá khoảng 40 tỷ đồng đang tiêu thụ lậu trong nội địa thì bị lực lượng hải quan phát hiện, bắt giữ. Một lần nữa là lời cảnh báo về không ít những bất ổn phát sinh trong hoạt động tạm nhập tái xuất nói chung, xăng dầu tạm nhập tái xuất nói riêng.

Theo cơ quan hải quan, tối ngày 28/7, tại vùng biển giáp ranh Thanh Hóa và Nam Định, Hải đội 2 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan phát hiện và bắt quả tang một tàu nước ngoài, quốc tịch Campuchia bán xăng trái phép. Bắt quả tang 23 đối tượng, trong đó có 9 người Trung Quốc đang tổ chức bơm xăng trái phép sang cho 3 tàu: Hoàng Sơn 09, Hoàng Sơn 02 và Minh Châu 08 đều thuộc Công ty TNHH Hoàng Sơn, trụ sở tại Thanh Hóa.

Theo khai nhận từ các đối tượng, họ lợi dụng mua xăng tại Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất, nhưng không vận chuyển về Trung Quốc mà bán lại cho các đối tác Việt Nam để hưởng chênh lệch. Lượng xăng tạm nhập tái xuất mà tàu Giang Châu đang chở tại thời điểm bị lực lượng hải quan bắt giữ là khoảng 2.000 tấn xăng, tương đương khoảng 40 tỷ đồng.

Qua điều tra, cơ quan hải quan cho biết, đơn vị mua hàng là Công ty TNHH Hồng Phát (trụ sở tại Bắc Hải, Quảng Tây, Trung Quốc). Đơn vị bán hàng cho Công ty là Công ty TNHH một thành viên xăng dầu hàng không Việt Nam (trụ sở tại Long Biên, Hà Nội).

Đây là lần đầu tiên hoạt động buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn dưới hình thức tạm nhập tái xuất được phát hiện tại khu vực miền Trung. Đây không phải là lần đầu và duy nhất các đối tượng thực hiện hành vi gian lận này mà đã hoạt động từ rất lâu với tần suất hoạt động trung bình là 4 chuyến/tháng.

Hành vi sử dụng để gian lận là dùng hóa đơn khống và trong trường hợp cấp thiết mới điền ngày tháng xuất hàng, khiến cơ quan hải quan gặp không ít khó khăn trong công tác nắm tình hình. Và đây cũng được nhận định chỉ là một trong số các đường dây lợi dụng hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất để gian lận, trốn thuế.

thực tế, việc quản lý xăng dầu tạm nhập tái xuất trong thời gian qua, theo cơ quan hải quan các địa phương, đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các quy định pháp luật (Thông tư 126 của Bộ Công Thương). Để quản lý có hiệu quả hoạt động tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng này, đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất từ hải quan các địa phương.

Theo Cục Hải quan Tp.HCM, cơ quan hiện quản lý lượng xăng dầu xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước, trong đó loại hình tạm nhập tái xuất chiếm tỷ trọng khá lớn, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời nộp thuế loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu, cần bổ sung khoản 3 Điều 2 Thông tư 165 của Bộ Tài chính theo hướng: nếu đến thời hạn tạm nhập mà lô hàng tạm nhập chưa tái xuất hay có tái xuất nhưng chưa đến 50% lượng hàng đã tạm nhập thì cơ quan hải quan không chấp thuận gia hạn kéo dài thời hạn tạm nhập.

Để xác định đúng đối tượng doanh nghiệp thuộc khu chế xuất là doanh nghiệp chế xuất được mua xăng dầu tạm nhập theo Thông tư 126. Cục Hải quan Tp.HCM đề nghị bổ sung nội dung: giấy chứng nhận đầu tư là doanh nghiệp chế xuất do Ban quản lý khu chế xuất- khu công nghiệp cấp.

Trước những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm của hàng tạm nhập tái xuất, để siết chặt quản lý đối với loại hình này, đồng thời hạn chế gian lận, tuồn hàng vào nội địa tiêu thụ, mới đây, ngày 26/7, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản số 3842/TCHQ-ĐTCBL gửi Ban chỉ đạo 127 các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Quảng Trị yêu cầu tăng cường quản lý đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trên chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các chính sách, quy định của pháp luật đối với loại hình hàng hóa tạm nhập, tái xuất.

Đồng thời, cần tổ chức tuyên truyền hướng dẫn thủ tục để các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định; yêu cầu các doanh nghiệp dừng, đỗ xe chở hàng đúng nơi quy định tại các khu vực kiểm soát hải quan, không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại các khu vực cửa khẩu.

Ban chỉ đạo 127 các tỉnh cũng cần tổ chức lực lượng tiến hành tuần tra, kiểm soát các khu vực, tuyến đường trọng điểm, không để xảy ra các tình trạng doanh nghiệp phá dỡ container, tẩu tán hàng hóa, đưa vào nội địa tiêu thụ; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm...

Riêng liên quan tới vụ việc hơn 2.000 tấn xăng trên, ngày 31/7, đại diện  Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan đang tiến hành các hoạt động khám xét tàu, giám định chất lượng, đo đếm trọng lượng xăng... Nếu có đủ căn cứ xác định hàng vi phạm, sẽ bàn giao cho các cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố vụ việc.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)