13:43 06/07/2009

Biến động hiếm gặp của giá dầu

Mai Phương

Tình trạng mất ổn định của giá xăng dầu đang là một bài toán khó tìm lời giải với các chính phủ và giới phân tích

Một người biểu tình giơ cao biểu ngữ phản đối giá dầu cao, phía trước một cửa hàng xăng dầu tại thủ đô Manila (Philippines), ngày 22/6 - Ảnh: Getty Images.
Một người biểu tình giơ cao biểu ngữ phản đối giá dầu cao, phía trước một cửa hàng xăng dầu tại thủ đô Manila (Philippines), ngày 22/6 - Ảnh: Getty Images.
Tình trạng mất ổn định của giá xăng dầu đang là một bài toán khó tìm lời giải với các chính phủ và giới phân tích.

Sự biến động mạnh mẽ về giá trên thị trường dầu thô thế giới trong suốt 18 tháng qua chưa có dấu hiệu ngưng lại. Từ đầu năm tới nay, giá dầu đã tăng hơn gấp đôi, bất chấp sự suy yếu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia lo ngại sự bất ổn giá nhiên liệu này có thể đe dọa sự phục hồi của kinh tế. Cùng lúc, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng hoang mang trước tình hình giá dầu biến động khó lường.

Chưa có tiền lệ

Nhìn lại 12 tháng qua, thị trường dầu thô đã trải qua một thời kỳ lên xuống mạnh mẽ. Mùa hè năm ngoái, giá dầu đạt đỉnh trên 145 USD/thùng, sau đó, khi kinh tế toàn cầu lao dốc, giá dầu đã tuột về mức 33 USD/thùng vào tháng 12/2008. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, giá dầu ngọt nhẹ tại New York lại đã tăng 55%, lên ngưỡng 70 USD/thùng.

“Vẫn là chưa đủ sức thuyết phục nếu gọi đây là sự biến động cực mạnh”, bà Laura Wright, Giám đốc tài chính tại hãng hàng không Southwest Airlines của Mỹ nhận định. “Sự lên xuống của giá dầu trong thời gian một năm rưỡi qua là chưa từng có tiền lệ”, bà Wright nói thêm.

Theo ông Costanza Jacazio, một nhà phân tích năng lượng tại công ty Barclays Capital ở New York, sự biến động của giá dầu thô trong năm 2008 đã đạt tới độ mạnh chưa từng thấy kể từ các cú sốc dầu lửa vào cuối thập niêm 1970 và đầu những năm 1980. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước tại New York, giá dầu kỳ hạn tháng 8 tăng 2,58 USD/thùng, lên mức 66,73 USD/thùng, sau khi tăng vượt mức 72 USD/thùng vào cuối tháng trước.

Những đợt sóng này trên thị trường nhiên liệu đã gây tác động tới toàn bộ nền kinh tế thế giới. Trong đó, đáng kể nhất là việc hai hãng sản xuất ôtô GM và Chrysler của Mỹ đã bị đẩy tới cảnh phải nộp đơn xin phá sản do doanh số sụt giảm nghiêm trọng. Khách hàng đã xa lánh những chiếc xe tiêu thụ nhiều xăng do hai hãng này sản xuất.

Các hộ gia đình ở Mỹ - cùng lúc đối mặt với giá nhà xuống dốc, tỷ lệ thất nghiệp leo thang, tình trạng tín dụng thắt chăt - một lần nữa phải giám sát chặt chẽ các khoản chi cần thiết do giá nhiên liệu leo thang.

Theo nhận định của Hiệp hội Hàng không Thế giới (IATA), đối với ngành này, việc giá dầu tăng gần đây chắc chắn sẽ tiếp tục dẫn tới mức thua lỗ lớn trong năm nay. IATA dự báo, năm nay, ngành hàng không toàn cầu sẽ lỗ 9 tỷ USD, sau khi đã lỗ 10,4 tỷ USD trong năm ngoái.

Ngoài ra, sự biến động khó lường của giá dầu thời gian qua đã khiến việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thêm phần khó khăn.

Tại hãng Southwest Airlines, chi phí xăng dầu chiếm 1/3 tổng chi phí. Hãng này đã đề phòng sự leo thang của giá dầu bằng cách dự trữ một nửa lượng xăng dầu tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm nay với mức giá 71 USD/thùng và toàn bộ lượng xăng dầu tiêu thụ cho năm 2010 với giá 77 USD/thùng. Nếu giá dầu tăng vượt những mức này, chính sách dự trữ của họ là thành công, nhưng nếu giá rớt mạnh dưới những mức giá trên, thua lỗ sẽ là chuyện tất yếu.
Biến động hiếm gặp của giá dầu - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến giá dầu thô trong 1 năm qua - Nguồn: WTRG.

Nhiều lý do để dầu lên giá

Mặc dù sự lên xuống của giá dầu thô thời gian qua tương đối “khớp” với sự biến động giá của các loại tài sản khác như cổ phiếu và các mặt hàng cơ bản khác, việc giá dầu tăng gần đây đã khuấy động trở lại cuộc tranh cãi đã có ở năm ngoái về vai trò của các nhà đầu tư - mà chính xác hơn là các nhà đầu cơ - trên thị trường hàng hóa cơ bản.

Các quan chức chính phủ trên khắp thế giới một lần nữa tỏ ra lo ngại về khả năng lặp lại của kịch bản giá dầu đạt kỷ lục của năm ngoái. Trong cuộc họp diễn ra tại Vienna, Áo, vào tháng trước, các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nhận định “vấn đề đầu cơ dầu lửa vẫn chưa được giải quyết, và tình trạng bong bóng dầu lửa của năm 2008 có thể lặp lại”. Mặc dù vậy, OPEC chưa đưa ra được biện pháp giám sát nào chặt chẽ hơn đối với hoạt động đầu cơ này.

Nhiều yếu tố khác đẩy giá dầu lên trong năm 2008 cũng đã quay trở lại. Nỗi lo ngại về tình hình nguồn cung đã len lỏi vào thị trường khi tình trạng bạo lực leo thang ở khu vực sản xuất dầu chính của Nigieria, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi. Thị trường cũng canh cánh mối lo về việc bất ổn chính trị ở Iran có thể ảnh hưởng tới nguồn cung dầu từ nước này.

OPEC đã khá thành công khi ngăn đà sụt giảm của giá dầu trong những tháng gần đây bằng cách hạn chế sản lượng. Ngay cả khi giá dầu đã phục hồi, các thành viên của tổ chức này cũng chưa tỏ ra sẵn lòng sẽ nới lỏng những hạn chế trên. Các quan chức hàng đầu của OPEC cho biết, mục tiêu của họ là giá dầu 75 USD/thùng vào cuối năm nay.

“Cả OPEC và các thành viên cốt cán của tổ chức này đều không đạt được ích lợi thực sự nào nếu tìm cách ngăn lại sự leo thang hiện nay của giá dầu”, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng Toàn cầu có trụ sở tại London nhận định.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác năm ngoái. Năm 2008, kinh tế thế giới còn chưa lâm vào suy thoái và nhu cầu đối với các loại hàng hóa vẫn còn mạnh, nhưng trong năm nay, kinh tế thế giới đang ngập trong giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong vòng hơn một nửa thế kỷ qua. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, suy thoái có thể nghiêm trọng hơn những gì người ta vẫn hình dung, và sự phục hồi diễn ra vào năm tới sẽ rất yếu ớt. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, nhu cầu năng lượng của thế giới khó có khả năng phục hồi trước năm 2014.

Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, những yếu tố vốn thường được xem là báo hiệu cho sự đi xuống của giá dầu, như kho dự trữ xăng dầu của Mỹ ở mức cao và mức sản lượng thừa mứa của OPEC, hiện nay không còn nhiều sức nặng đối với thị trường. “Giá dầu thô dường như đã cách ly khỏi những yếu tố cơ bản của thị trường như nhu cầu yếu, nguồn cung dư thừa và kho dự trữ ở mức cao”, các nhà phân tích của ngân hàng Deutsche Bank nhận định trong một báo cáo gần đây.

Giới phân tích cũng cho rằng, các nhà đầu tư đang đánh cược rằng giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất của kinh tế thế giới có thể đã chấm dứt, theo đó nâng mức chào giá đối với dầu thô - mặt hàng mà họ cho là sẽ khan hiếm một khi nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại.

Thêm vào đó, sự mất giá của đồng USD cũng được xem là một nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu đi lên thời gian qua. Do giá dầu thô được tính bằng USD nên khi đồng tiền này giảm giá, giá dầu lại được đẩy lên và ngược lại. Từ đầu tháng 3 tới nay, tỷ giá USD đã giảm 11% so với Euro và giảm 17% so với đồng Bảng Anh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tin rằng, sự lên xuống mạnh mẽ của giá dầu thời gian qua không hẳn là chuyện gì bất thường. Ông Jeroen van der Veer, cựu Giám đốc điều hành của hãng Shell cho rằng, giá dầu đang ngày càng phản ánh sát hơn những đánh giá dài hạn về nguồn cung và sức cầu của nhiên liệu này, thay vì những yếu tố cơ bản của thị trường ở thời điểm hiện tại. Vì thế, chuyên gia này khuyến cáo nên có cái nhìn dài hạn về thị trường dầu lửa.

“Giá dầu chưa bao giờ quá ổn định cả. Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta nên kỳ vọng những mức biến động mạnh hơn nữa”, ông Veer nói.

(Theo New York Times)