09:44 19/06/2012

Bộ Y tế đang quản lý giá thuốc thế nào?

Nguyên Vũ

Vấn đề giá thuốc nhập khẩu được đại biểu Quốc hội và cử tri nêu ra từ lâu nhưng chưa có chuyển biến đáng kể

Vấn đề giá thuốc nhập khẩu được đại biểu Quốc hội và cử tri nêu ra từ lâu nhưng chưa có chuyển biến đáng kể - Ảnh: TT.
Vấn đề giá thuốc nhập khẩu được đại biểu Quốc hội và cử tri nêu ra từ lâu nhưng chưa có chuyển biến đáng kể - Ảnh: TT.
Đã qua khá nhiều lần “truy” trách nhiệm về quản lý giá thuốc, song tại kỳ họp Quốc hội thứ ba, đại biểu vẫn tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng, ở nước ta người dân phải chi phí lớn cho việc khám, chữa bệnh trong đó có việc chi tiền thuốc cao. Vấn đề giá thuốc nhập khẩu được đại biểu Quốc hội và cử tri nêu ra từ lâu nhưng chưa có chuyển biến đáng kể, đại biểu Bùi Ngọc Chương ghi tại phiếu chất vấn.

Trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc quản lý thuốc nhập khẩu, quy hoạch phát triển công nghiệp dược ở Việt Nam trong thời gian qua và giải pháp thời gian tới là thông tin đại biểu Chương đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời.

Ở kỳ họp Quốc hội thứ hai, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng từng nêu nhận xét “ Việc quản lý nhà nước về giá thuốc vẫn chưa có chuyển biến, có nguyên nhân do Bộ Y tế chậm thực hiện cam kết ban hành quy định về thay đổi cơ chế quản lý giá thuốc cũng như về đấu thầu thuốc tại các bệnh viện.”

Cùng thời điểm đó, trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội, Bộ trưởng Tiến nói: “Trong thời kỳ giá hàng hóa tất cả đều tăng này thì thuốc không nằm ngoài quy luật, song cũng chỉ cao hơn các nước trong khu vực chút xíu”.

Tại văn bản trả lời chất vấn vừa được gửi đến đại biểu Chương,  Bộ trưởng Tiến khẳng định, thời gian qua liên bộ Y tế - Tài chính – Công Thương đã tích cực triển khai việc quản lý chặt chẽ thị trường thuốc chữa bệnh, đặc biệt đối với thuốc nhập khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thuốc thuộc nhóm hàng có tỷ lệ tăng giá thấp nhất, với chỉ số giá giảm dần trong ba năm qua, chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm y tế đứng thứ 8 -10 so với 11 nhóm hàng trọng yếu của nền kinh tế.

Văn bản cũng đưa ra con số so sánh về chi tiêu tiền thuốc của Việt Nam và một số nước trong khu vực, tính đến năm 2012. Cụ thể, tiền thuốc bình quân đầu người của Việt Nam là 25USD, đứng thứ 10/13 quốc gia trong khu vực châu Á, sau Hàn Quốc (238 USD), Thái Lan (49 USD)… và cao hơn Indonesia (19 USD), Pakistan 12 USD…

Về giá thuốc thực tế, khảo sát được thực hiện tháng 5/2012 cho thấy, so sánh giá của 25 mặt hàng cùng tên thương mại, cùng hoạt chất, nồng độ và hàm lượng, giá trúng thầu tại tất cả các mặt hàng ở Thái Lan cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 3,17 lần, mặt hàng có giá chênh lệch cao nhất 6,64 lần.

Bộ trưởng Kim Tiến cũng cho biết đã ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, đang chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế và hướng dẫn triển khai các văn bản mới ban hành đấu thầu thuốc, giá thuốc để các đơn vị áp dụng thống nhất. Văn bản hướng dẫn triển khai áp dụng thí điểm quy định về thặng số bán buôn tối đa toàn chặng đối với một số nhóm thuốc thiết yếu do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả cũng đang được phối hợp xây dựng.

“Với các giải pháp đã và đang thực hiện nêu trên, những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý giá thuốc sẽ được khắc phục trong thời gian tới”, Bộ trưởng khẳng định.

Ở câu hỏi về quy hoạch phát triển công nghiệp dược Việt Nam, văn bản trả lời chất vấn khẳng định, ngành công nghiệp dược Việt Nam là một trong ít ngành của Nhà nước đạt tiêu chuẩn của quốc tế. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành mới được xếp loại ở mức vừa và nhỏ. Công nghiệp sản xuất nguyên liệu hóa dược và công nghiệp kháng sinh gần như chưa đáng kể. Sự hỗ trợ của Nhà nước với ngành Dược còn rất hạn chế.