14:02 25/10/2009

Chỉ số giá tháng 10/2009: Sóng nhẹ trên những dải đá ngầm?

Anh Quân

Sau “bước sóng” hàm chứa nhiều tín hiệu tốt của CPI tháng này, vẫn còn đó mối lo từ những “dải đá ngầm” bên dưới con nước

Một chợ cá tại Đà Nẵng. Trận bão vào miền Trung vừa rồi đã “góp sức” đẩy chỉ số giá nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tháng này tăng ở một số tỉnh - Ảnh: Getty Images.
Một chợ cá tại Đà Nẵng. Trận bão vào miền Trung vừa rồi đã “góp sức” đẩy chỉ số giá nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tháng này tăng ở một số tỉnh - Ảnh: Getty Images.
Sau “bước sóng” hàm chứa nhiều tín hiệu tốt của CPI tháng này, vẫn còn đó mối lo từ những “dải đá ngầm” bên dưới con nước.

Những phán đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này sẽ không vượt quá 0,5%, sau khi cơ quan thống kê công bố CPI tháng 10/2009 của Tp.HCM (tăng 0,15%) và Hà Nội (tăng 0,23%), nay đã được khẳng định.

Số liệu thống kê cho thấy, CPI cả nước tháng 10/2009 chỉ tăng 0,37% so với tháng trước đó.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng này chỉ tăng 2,99%; so với tháng 12/2008 đã tăng 4,49%. CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2009 so với cùng thời kỳ của năm 2008 tăng 7,17%.

Đặt trong tương quan những tác nhân xúc tác, bối cảnh, và một số diễn biến đáng lưu ý, mức tăng thấp của CPI tháng này có thể được nhìn nhận ở mấy điểm sau.

Thứ nhất, nếu xét trên dãy số CPI trong những tháng gần đây, chỉ số giá tháng này đang “gây khó” cho những phân tích và dự báo trước đó. Nhiều dữ kiện, đã dẫn dắt các chuyên gia kinh tế đi đến khẳng định khá chắc chắn, nay tỏ ra trái chiều.

Ví dụ như, tăng trưởng tín dụng có thể vượt 30% trong năm nay; cung tiền cũng có thể vượt mức khống chế 23-25%; hoặc trần lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần bắt đầu thiết lập kỷ lục mới; xu thế tiêu dùng tăng vào cuối năm… nay có thể chỉ còn là sự hồ nghi.

Trái với những dự báo về mức tăng mạnh mẽ hơn trong quý 4/2009, chỉ số giá tháng này bỗng đổi hướng giảm tốc, trở thành một trong những tháng CPI tăng thấp từ đầu năm đến nay (CPI tháng Sáu tăng 0,55%; tháng Bảy tăng 0,52%; tháng Tám tăng 0,24%; tháng Chín vọt lên 0,62%).

Thứ hai, ấn tượng ở con số 0,37% nói trên, xét về mặt con số, chưa có sự hậu thuẫn vững chắc từ giá xăng dầu, mặt hàng liên tục gây sức ép lên chỉ số giá nhiều tháng qua.

Có thể yếu tố giá xăng dầu, trong chu kỳ tính CPI tháng qua giảm lần đầu tiên sau 7 lần tăng giá. Tuy nhiên, nó cũng chỉ cầm cự được đến 0 giờ ngày 24/10, sau chưa đầy một tháng tạo ảnh hưởng tốt lên chỉ số giá.

Một điểm đáng lưu ý khác, tuy giá xăng có giảm trong tháng tính CPI này, nhưng nhóm phương tiện đi lại vẫn tăng 0,77% và đạt mức tăng cao nhất trong tháng. Trong khi đó, bưu chính viễn thông không phải là nguyên nhân, vì chỉ số giá dịch vụ này “đứng nghiêm” trong tháng qua.

Thứ ba, ở một diễn biến quan trọng khác, CPI nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống cũng tăng 0,37% so với tháng trước đó. Nhưng một số tỉnh trọng điểm về lương thực lại có tăng giá đột biến, chủ yếu: Cần Thơ tăng 1,03%; Vĩnh Long tăng 0,98%.

Trận bão vào miền Trung vừa rồi đã “góp sức” đẩy chỉ số giá nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tháng này tăng ở một số tỉnh: Thừa Thiên Huế tăng 1,48% (trong đó thực phẩm tăng 1,47%, ăn uống ngoài gia đình tăng tới 5,19%); Đà Nẵng tăng 1,28% (lương thực tăng 1,17%; thực phẩm 1,21%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,43%)… Tiếp tục một bằng chứng về sự thiếu ổn định của xu hướng chỉ số giá hiện nay.

Thứ tư, về xu hướng chỉ số giá trong các tháng tiếp theo, nhiều nhận định từ phía Tổng cục Thống kê, các chuyên gia kinh tế đều giữ nguyên nhận định rằng, chỉ số giá các tháng tới sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt mức cao hơn trong tháng này.

Những thông tin liên quan đến nhận định này là việc giá xăng dầu thế giới vẫn diễn biến bất thường, nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ khi nền kinh tế thế giới tiếp tục đón tin tốt; các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh nhập khẩu từ nay đến cuối năm để hưởng ưu đãi thuế được áp dụng trong năm nay; tín dụng tuy đã có dấu hiệu thắt chặt dần, nhưng khó có thể giảm mạnh luồng tiền cấp ra vì nhu cầu vay tín dụng những tháng cuối năm vẫn sẽ tăng cao…

Cuối cùng, mức tăng thấp của chỉ số giá tháng này, dù sao, vẫn có thể tạo dư luận tốt, cũng như đem lại những tin tưởng vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Vậy, nó sẽ có tác động thế nào đến quyết định cuối cùng của Chính phủ về gói kích thích kinh tế, dự kiến sẽ được công bố trong phiên họp Chính phủ tháng này? Đến việc nhấn nút biểu quyết của các đại biểu quốc hội đối với chính sách tài khóa trong năm tới?