15:29 24/05/2010

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,27%

Anh Quân

Tổng cục Thống kê chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,27% so với tháng 4/2010

Chỉ số giá bình quân 5 tháng đầu năm 2010 tăng 8,76% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá bình quân 5 tháng đầu năm 2010 tăng 8,76% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 24/5, Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2010. Với mức tăng 0,27% so với tháng 4, CPI tháng này đang tiếp tục xu thế tăng thấp của tháng trước.

So với tháng 12/2009, CPI tháng này đã tăng 4,55%; so với cùng kỳ tăng 9,05%. Chỉ số giá bình quân 5 tháng đầu năm tăng 8,76% so với cùng giai đoạn của năm trước đó.

Dù so với mức tăng 0,14% của tháng 4, tốc độ tăng của chỉ số giá tháng này đã cao hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là mức khá thấp nếu so với con số tương ứng của cùng kỳ các năm từ sau 2003 trở lại đây: CPI tháng 5/2009 tăng 0,44%; tháng 5/2008 tăng 3,91%; tháng 5/2007 tăng 0,77%; tháng 5/2006 tăng 0,6%; tháng 5/2005 tăng 0,5%; và tháng 5/2004 tăng 0,9%.

Cùng với hai tháng trước, CPI tháng 5 tiếp tục ở thế khó dự báo. “Thường thì CPI các tháng ở giữa con số của Hà Nội và Tp.HCM, nhưng năm nay thì không biết được”, quan điểm của Phó vụ trưởng Vụ Thương mại, dịch vụ, giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng trong lần trao đổi với VnEconomy vào tháng trước, nay lại tiếp tục đúng với diễn biến của tháng này.

Trước đó, CPI tháng 5 tại Hà Nội được công bố tăng 0,41% so với tháng trước; CPI của Tp.HCM tăng 0,48%.

Trên thực tế, CPI kéo dài 3 tháng với diễn biến “lạ” đương nhiên dẫn tới những dấu hỏi về tác động, chắc chắn phải đủ lớn để điều hành giá thị trường đi theo hướng có lợi như vừa qua.

Về cân đối tiền hàng, trong khi sản xuất tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp trên 13%, tổng phương tiện thanh toán (M2) tính đến ngày 30/4 ước tăng 2,92% so với cuối tháng trước và tăng 5,88% so với tháng 12/2009. Tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước tăng 1,73% so với tháng trước và tăng 5,58% so với tháng 12/2009.

Tiếp tục một nguyên nhân khác, mặc dù giá nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu đầu vào đang tăng rất mạnh nhưng giá hàng hóa xuất khẩu lại tăng không tương ứng. Đây có thể là nguyên nhân khiến giá một số hàng hóa bán tại thị trường trong nước cũng không tăng tỷ lệ thuận dưới áp lực của giá đầu vào.

Theo Bộ Công Thương, giá bông tăng 25%, sợi tăng 34% nhưng giá mặt hàng dệt may xuất khẩu chỉ tăng 5-10%; giá gỗ nguyên liệu tăng 25-30% nhưng giá sản phẩm gỗ chỉ tăng 10%; chất dẻo nguyên liệu tăng 43,7% về giá nhưng sản phẩm nhựa chỉ tăng tương ứng 20%....

Ở thị trường trong nước, hiệu quả điều hành giá cả thị trường đang phát huy tác dụng. Với những mặt hàng khác vốn khó kiểm soát như lương thực, thực phẩm, chỉ số giá luôn tăng ở mức thấp, thậm chí có chiều hướng giảm.

Trong khi đó, các mặt hàng thuộc diện quản lý về giá, diễn biến cung cầu vẫn tiếp tục ở mức cân đối, biến động về giá dù có cũng không nhiều, hoặc được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn.

Cụ thể, trong tháng 5, chỉ số giá mặt hàng thực phẩm chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,53%. Tuy nhiên, CPI lương thực tiếp tục giảm 1,29% so với tháng trước, kéo nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,12%.

Cũng trong cùng xu hướng, chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông đã giảm nhẹ 0,05% so với tháng trước.

Ở chiều hướng ngược lại, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng tới 1,46% so với tháng trước đó. Nguyên nhân tiếp tục do điện, nước tăng giá. Riêng mặt hàng thép xây dựng, khoảng 2/3 kỳ tính CPI đầu tiên, mặt hàng này tăng khoảng 5%, tuy nhiên sau đó đã giảm đáng kể.

Với quyền số khoảng 10%, riêng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đã tác động tăng chỉ số giá tháng 5 khoảng 0,15%. Các nhóm còn lại, chỉ số giá tăng không nhiều.

Chỉ số giá vàng và USD tháng này không song trùng về xu hướng. Chỉ số giá vàng tăng 1,91% so với tháng trước, USD giảm 0,63%.