19:44 23/06/2010

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,22%

Anh Quân

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 lại một lần nữa “chốt” mức tăng thấp, chỉ 0,22% so với tháng trước

Một số mặt hàng thực phẩm như thịt, rau tươi, đồ uống, giải khát… tăng giá do thời tiết nắng nóng.
Một số mặt hàng thực phẩm như thịt, rau tươi, đồ uống, giải khát… tăng giá do thời tiết nắng nóng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 lại một lần nữa “chốt” mức tăng thấp, cho thấy giá cả hàng hóa tiếp tục duy trì ổn định tháng thứ 3 liên tiếp.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày hôm nay, 23/6, cho biết, CPI tháng 6 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước đó, giảm tốc chút ít trong tương quan so sánh với chỉ số giá tháng 5 (tăng 0,27%), nhưng vẫn cao hơn mức tăng của tháng 4 (0,14%).

Đạt mức tăng thấp nhất so với CPI tháng 6 các năm từ 2004 trở lại đây, nhưng nếu so với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tháng này đã tăng 4,78%, so với cùng kỳ tăng 8,69%, cao hơn con số tương ứng của tháng 6/2009 (tăng 2,68% và 3,94%). CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2010 tăng 8,75% so với nửa đầu năm 2009.

Thực tế cho thấy, những diễn biến khá “êm ả” của CPI tháng 6 đã được dự báo khá sớm và chính xác. Hôm 8/6, một quan chức từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã “chốt” lại mức dự báo CPI tháng 6, với kịch bản tăng từ 0,2-0,25%, thay cho mức dự báo trong khoảng 0,25-0,35% trước đó.

Lý do để những dự báo gần đây khá sát thực tế là do tình hình giá cả thị trường đã liên tục được cập nhật. Tài liệu thu thập được từ cơ quan quản lý nhà nước cùng phản ánh khá sát tình hình, đa số các mặt hàng quan trọng đều ổn định về giá, một số giảm so với tháng trước.

Đáng chú ý, mặt hàng gạo, vật liệu xây dựng, xăng dầu, gas… đều giảm giá so với tháng trước (riêng xăng dầu giảm giá 2 lần vào các ngày 27/5 và 8/6). Nhiều mặt hàng trong thời điểm tiêu thụ mạnh như đường, sắt thép… cũng không có biến động nhiều về giá, hỗ trợ chỉ số giá duy trì sự ổn định.

Ở chiều hướng ngược lại, một số mặt hàng thực phẩm như thịt, rau tươi, đồ uống, giải khát… tăng giá do thời tiết nắng nóng. Cũng do nguyên nhân này mà tiêu thụ điện, nước tăng mạnh, kéo CPI tháng 6 đi lên.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,22% - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2009 và 2010 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Xét trong tương quan tiền - hàng, những con số mới nhất cho thấy, tăng trưởng tín dụng tháng 6 đã cao hơn nhiều các tháng trước đó, đạt trên 3%, đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay ước đạt khoảng 10,5%. Dù vậy, sự phục hồi của sản xuất phần nào cũng lấy lại thế cân bằng cho giá cả thị trường.

Về phía các mặt hàng nhập khẩu, mặc dù giá cả nhiều loại nguyên liệu đầu vào sản xuất quan trọng đã phục hồi so với đầu năm, tuy nhiên, chỉ số giá USD so với tháng trước đã giảm liên tiếp trong vòng 3 tháng trở lại đây, phần nào làm “nhạt” tác động của giá cả thế giới đến Việt Nam.

Chi phí đầu vào sản xuất cũng được lợi từ giảm giá xăng và tăng giá VND, nhưng trên góc độ nào đó vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi giá điện, nước, đã tăng từ đầu tháng 3. Tiêu dùng điện tăng trong tháng nắng nóng, áp vào mức tính giá lũy tiến của ngành điện khiến nhiều doanh nghiệp đội thêm chi phí.

Mặc dù CPI mặt hàng lương thực tháng 6 giảm 0,83%, nhưng thực phẩm tăng 0,71%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,59% đã đẩy chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,37% so với tháng trước.

Với các nhóm chịu tác động lớn từ 2 lần giảm giá xăng, chỉ số giá nhóm giao thông đã giảm 0,71%. Tuy nhiên nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng vẫn tăng 0,01%, chủ yếu do ảnh hưởng từ chi phí điện. Trong khi đó, nhóm bưu chính viễn thông có sự đột biến so với thường thấy, khi tăng 0,49%.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng còn là nguyên nhân tăng chỉ số giá ở nhóm đồ uống và thuốc lá (0,62%), và nhóm văn hóa, giải trí, du lịch (0,36%).

Chỉ số giá vàng tháng này tăng 0,39%; chỉ số giá USD giảm 0,17% so với tháng trước, nhưng so với cuối năm ngoái vẫn tăng 0,3% và 0,41%.

Nhìn nhận về diễn biến CPI các tháng tới đang khá đan xen giữa tác nhân làm tăng chỉ số giá và nguyên nhân kéo giảm CPI. Về phía yếu tố tích cực, nhiều phân tích cho rằng sản lượng một số loại hàng hóa thiết yếu trên thế giới vẫn dồi dào, đưa đến khả năng giá cả có thể còn ổn định trong quý 3.

Trong khi đó, nhu cầu mua tích trữ nguyên liệu đầu vào sản xuất như thường lệ sẽ bắt đầu tăng trong quý tới, khi các doanh nghiệp lên kế hoạch cho chu kỳ sản xuất hàng hóa phục vụ Tết và các ngày lễ lớn cuối năm.

Dù cú hích tiền tệ có thể là đáng kể đối với mặt bằng giá cả hiện nay, nhưng ngược lại, tồn kho một số mặt hàng đang khá lớn, đặc biệt là vật liệu xây dựng, khiến giá cả khó có thể đẩy lên trong ngắn hạn.

Trả lời VnEconomy vào tháng trước, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ và giá cả Nguyễn Đức Thắng lưu ý rằng, quý 2 thường cho thấy xu hướng diễn biến giá cả ổn định hơn. Trên đà ổn định của CPI 3 tháng vừa qua, tính quy luật có nhiều hơn cơ hội trở lại trong quý tới.