08:41 05/05/2009

Chính sách kích cầu nhìn từ thị trường nội địa

Dương Ngọc

Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước đã trở thành biện pháp quan trọng để ngăn chặn suy giảm kinh tế

Thị trường nông thôn có vai trò quan trọng trong chính sách kích cầu - Ảnh: Việt Tuấn.
Thị trường nông thôn có vai trò quan trọng trong chính sách kích cầu - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong điều kiện xuất khẩu  sụt giảm  thì tiêu thụ trong nước trở thành kênh quan trọng để thực hiện mục tiêu hàng đầu hiện nay là ngăn chặn sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời ngăn chặn tình trạng mất và thiếu việc làm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê về tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm nay cho thấy quy mô tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tương đối khá. Bình quân đầu người một tháng đạt khoảng 1 triệu đồng.

Nếu loại trừ yếu tố tăng giá so với cùng kỳ năm trước, thì tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có xu hướng cao lên qua các kỳ và cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nhờ tiêu thụ trong nước có xu hướng cao lên đã góp phần làm cho tăng trưởng công nghiệp tháng 4 có xu hướng cao hơn các tháng trước đó, tạo điều kiện cho việc hấp thụ vốn từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá với các gói kích cầu đầu tư; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước đã trở thành biện pháp quan trọng để ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Tốc độ tăng (tính theo giá thực tế, chưa loại trừ yếu tố tăng giá) so với cùng kỳ năm trước có sự khác nhau giữa các loại hình kinh tế, giữa các ngành hoạt động, làm cho cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có sự chuyển dịch so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực nhà nước giảm 2,3%, làm cho tỷ trọng trong tổng số đã giảm từ 10,9% trong cùng kỳ năm trước xuống còn 8,8% trong 4 tháng này. Điều này chứng tỏ hệ thống phân phối của khu vực Nhà nước tiếp tục có những hạn chế, bất cập và việc củng cố, kiện toàn hệ thống này, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, cần được quan tâm hơn để tránh những cơn sốt nóng, lạnh đột ngột, tác động xấu đến tâm lý và thị trường.

Khu vực tập thể tăng trưởng chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng chung (11,7% so với 21,5%), nên tỷ trọng thấp và giảm (từ 1,04% xuống còn 1%).

Khu vực cá thể tăng với tốc độ cao nhất (24,8%), nên tỷ trọng của khu vực này tăng lên so với cùng kỳ năm trước (từ 55,7% lên 57,1%). Điều đó chứng tỏ vai trò to lớn của khu vực cá thể của thị trường nông thôn (người buôn bán nhỏ, chợ, nhất là chợ nông thôn) và người tiêu dùng vẫn chủ yếu hướng vào những mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng bình dân và người buôn bán nhỏ đã nắm bắt được nhu cầu này.

Khu vực tư nhân tăng trưởng khá cao (24,1%) và tỷ trọng trong tổng số đã tăng từ 29,7% lên 30,4%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá, nhưng tỷ trọng còn nhỏ (chưa đến 2,8%), nhưng sẽ có xu hướng phát triển mạnh hơn khi kinh tế thế giới hồi phục và từ 1/1/2009, Việt Nam đã mở rộng cửa hơn về lĩnh vực này cho các nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết khi gia nhập WTO.

Ngành thương nghiệp tăng trưởng cao nhất (22,2%) và tỷ trọng tăng (từ 77,8% lên 78,4%), hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất. Điều đó chứng tỏ, thương nghiệp thuần tuý (hàng hoá) vốn có sức hút lớn nhất và trong điều kiện tác động của khủng hoảng thì nhu cầu tiêu dùng vẫn tập trung lớn hơn cho hàng hoá, cho thương nghiệp thuần.

Du lịch là ngành có tốc độ tăng cao thứ hai (21,5%), nhưng tỷ trọng còn rất nhỏ (1,1%). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh (giảm 17,8%).  Du lịch nội địa những ngày gần đây tăng khá hơn, nhưng du lịch quốc tế có thể sẽ tiếp tục giảm khi báo động về dịch cúm A/H1N1 đã được nâng lên cấp 5 trong 6 cấp báo động.

Dịch vụ khác chiếm tỷ trọng lớn thứ ba (9,2%), nhưng tăng thấp nhất (16,3%).