17:22 10/05/2011

Chưa thể có “giá thị trường” với điện, xăng dầu

Trương Minh Cương

Hiện chưa thể nói giá điện, giá xăng dầu (và không chỉ điện, xăng dầu) được vận hành theo cơ chế thị trường

Chính cạnh tranh lành mạnh và công bằng sẽ buộc các chủ thể kinh doanh tìm cách hạ giá thành, cải tiến chất lượng hàng hóa và dịch vụ để thu hút khách hàng.
Chính cạnh tranh lành mạnh và công bằng sẽ buộc các chủ thể kinh doanh tìm cách hạ giá thành, cải tiến chất lượng hàng hóa và dịch vụ để thu hút khách hàng.
1. Gần đây, trên các phương tiện truyền thông, nhiều người nói đến việc thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, xăng dầu, cũng như một số sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác.

Vậy thế nào là giá thị trường? Thiết nghĩ, đây cũng là vấn đề cần được làm rõ.

Giá thị trường, theo người viết, có thể hiểu một cách đơn giản là giá được hình thành trong một môi trường kinh doanh bình đẳng, với nhiều chủ thể tham gia, và các chủ thể này cạnh tranh lành mạnh và công bằng.

Như vậy, có hai yếu tố quyết định việc hình thành giá thị trường. Yếu tố thứ nhất là có nhiều chủ thể tham gia kinh doanh, và đây là tiền đề. Yếu tố thứ hai là các chủ thể này phải cạnh tranh lành mạnh và công bằng. Bởi, nếu có một chủ thể kinh doanh nào đó được ưu ái hơn các chủ thể khác (ví dụ tiếp cận tín dụng) thì cũng không thể có cạnh tranh bình đẳng được.

Chính cạnh tranh lành mạnh và công bằng sẽ buộc các chủ thể kinh doanh tìm cách hạ giá thành, cải tiến chất lượng hàng hóa và dịch vụ để thu hút khách hàng. Cạnh tranh có tác dụng kìm giữ giá.

Hiểu giá thị trường như vậy, thì hiện chưa thể nói giá điện, giá xăng dầu (và không chỉ điện, xăng dầu) được vận hành theo cơ chế thị trường.

Điện vẫn chỉ do một mình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung ứng. Vậy là độc quyền 100%. Về mặt hàng xăng dầu, hiện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm hơn 50% thị phần, thậm chí có những địa bàn, thị phần của Petrolimex chiếm gần như tuyệt đối. Như vậy, đây cũng là mặt hàng mà tính độc quyền còn rất cao.

Trong khi đó, theo Luật Cạnh tranh của Việt Nam (ban hành năm 2006), một doanh nghiệp chiếm từ 30% thị phần trở lên đã có địa vị thống lĩnh thị trường, và nhà nước phải kiểm soát các doanh nghiệp có địa vị thống lĩnh này.

2. Việc cần làm hiện nay là xóa bỏ các hình thức bù lỗ (qua đó xóa bỏ mọi hình thức bao cấp) về giá, trước hết là giá xăng dầu, thực hiện lộ trình xóa bỏ bù lỗ giá điện đi đôi với việc kiểm soát độc quyền đối với các mặt hàng này. Có một số quan ngại khi điều chỉnh tăng giá xăng dầu để tránh phải bù lỗ trong điều kiện lạm phát đang cao. Người viết cho rằng, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác.

Vì, nếu tiếp tục bù lỗ, chẳng những ngân sách không chịu đựng nổi, bán lậu sang các nước láng riềng sẽ tăng, chúng ta sẽ mất thêm ngoại tệ và gây nguy cơ thiếu hụt nguồn cung (hiện giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các xung quanh). Kìm giá cũng sẽ không khuyến khích tiết kiệm tiêu dùng. Hơn nữa kìm nén quá lâu, khi không chịu được nữa, buộc phải điều chỉnh sẽ phải điều chỉnh lớn dễ gây cơn sốc về giá.

Chúng ta đã có bài học về việc này. Việc duy trì quá lâu bao cấp về giá điện, ngoài việc không khuyến khích sử dụng tiết kiệm, còn làm hạn chế thu hút đầu tư vào phát điện trong điều kiện chúng ta đang rất thiếu nguồn.

Ấy là chưa kể đến các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng khác cũng không thể hạch toán đúng giá thành trong môi trường cạnh tranh đầy đủ bởi các yếu tố đầu vào (giá xăng dầu, điện) vẫn còn được bao cấp. Các doanh nghiệp này, vì vậy, cũng không “đo” đúng thực chất của mình trong một thế giới toàn cầu hóa.

Vấn đề là lựa chọn bước đi phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện (kể cả tác động tâm lý) đẩy giá các hàng hoá khác tăng lên.

Do đó, yêu cầu xóa bù lỗ trên đây phải gắn liền với kiểm soát của nhà nước đối với giá xăng dầu, giá điện từ khâu đầu tư công trình, giá đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh, hao hụt, tiền lương và sự phân phối tiền lương (có dư luận cho rằng lương của các doanh nghiệp này rất cao và phân phối rất không hợp lý giữa lãnh đạo và công nhân?) và rộng hơn là kiểm soát độc quyền đối với các đơn vị này.

Phải thật sự công khai minh bạch cơ cấu giá điện, giá xăng dầu, kể cả công khai minh bạch tiền lương ở các đơn vị này để người dân biết. Không thể bắt chước các công ty tư bản để biện minh rằng  tiền lương là vấn đề bí mật, của ai người ấy biết. Ở các công ty tư bản lao động là người làm thuê, các nhà tư bản là chủ sở hữu doanh nghiệp. Ở ta, các đơn vị này thuộc sở hữu nhà nước, và ta vẫn nói công nhân lao động là chủ doanh nghiệp kia mà!

Ngay ở Mỹ, nhà nước vẫn khống chế lương của các nhà quản lý. Việc Tổng thống Mỹ quy định giới hạn tiền lương của các CEO trong các định chế tài chính tư nhân của Mỹ là một minh chứng.

Cũng cần có cơ chế ổn định giá để tránh mức điều chỉnh quá lớn khi đầu vào thay đổi. Ở các nước có tiềm lực mạnh, họ có nguồn dự trữ lớn. Khi giá thế giới tăng, nhà nước tung dự trữ ra bán để ổn định thị trường. Hiện tại, nước ta chưa có khả năng đó. Lập quỹ bình ổn giá là một giải pháp. Vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu và nghiên cứu xây dựng quỹ bình ổn giá điện, có tính đến sự thay đổi các yếu tố đầu vào (giá nhiên liệu và cơ cấu điện năng...).

3. Gần đây, có nhà nghiên cứu đề xuất chia Petrolimex thành một số công ty nhỏ nhằm hạn chế vị thế thống lĩnh thị trường tới mức gần như độc quyền của tổng công ty này, và tăng tính cạnh tranh ở mặt hàng xăng dầu.

Theo người viết, đây không phải là giải pháp tối ưu. Bởi lẽ, (1) cơ sở vật chất kỹ thuật trong kinh doanh xăng dầu vốn là một hệ thống liên hoàn từ cầu cảng tiếp nhận, kho chứa, đường ống dẫn dầu rất khó chia tách; (2) chia nhỏ tổng công ty sẽ làm mất đi tính kinh tế về quy mô, dẫn đến lãng phí trong đầu tư và có thể đẩy giá thành lên trong khi nhu cầu xăng dầu ngày càng tăng.

Ấy là chưa kể, nếu sau này chúng ta buộc phải mở cửa thị trường xăng dầu, thì với quy mô quá nhỏ, sẽ rất khó cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài trên thị trường Việt Nam, chưa nói đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cách tốt nhất, là sáp nhập nhiều công ty nhỏ thành những công ty lớn, có khả năng cạnh tranh với Petrolimex. Nếu chỉ nhìn số học một cách thuần tuý, sẽ có người nói: như vậy, thị phần của tổng công ty này vẫn không thay đổi. Nhưng, sáp nhập như vậy sẽ tạo ra sức mạnh mới cho câc công ty được sát nhập, giúp họ tăng nhanh thị phần và cạnh tranh với Petrolimex.

Hiện nay, Việt Nam có 11 đầu mối nhập khẩu và bán buôn xăng dầu. Các đầu mối này đều là sở hữu nhà nước, hoàn toàn có thể sáp nhập 9 đầu mối (ngoài Petrolimex và Petro Vietnam) lại thành 3 đầu mối. Như vậy, cả nước sẽ có khoảng 5 đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu cạnh tranh nhau. Đây là con số đủ lớn.

Ở các nước khác, hệ thống trạm xăng làm đại lý cho các doanh nghiệp lớn phát triển mạnh nhưng cũng không có quá nhiều hãng lớn tham gia thị trường. Trước giải phóng, ở miền Nam nước ta cũng chỉ có ba hãng nhập khẩu và bán buôn xăng dầu là Shell, Esso và Caltex.

4. Về mặt hàng điện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương soạn thảo đề án xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh. Theo đó sẽ có nhiều công ty hoạt động độc lập trong khâu phát điện. Việc truyền tải và phân phối sẽ do một công ty độc lập thực hiện.

Người viết cho rằng, đây là hướng đi cần thiết và đúng đắn. Các công ty phát điện sẽ cạnh tranh nhau trong việc bán điện cho công ty truyền tải và phân phối. Trong các khâu phát và dẫn, thì chi phí phát điện phụ thuộc vào nhiều yếu tố (giá nhiên liệu, cơ cấu điện năng - yếu tố bị tác động bởi nguồn nước). Chi phí truyền tải ổn định hơn và do đó, dễ kiểm soát hơn. Nhà nước có thể tính chi phí và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp truyền tải điện.

Để có thể có thị trường phát điện cạnh tranh, cần cơ cấu lại EVN. Phải tách truyền tải và phân phối điện thành một công ty độc lập, không nằm trong hệ thống các công ty phát điện của EVN. Đây là điều kiện cần. Thiếu điều kiện đó, khó mà có thị trường phát điện cạnh tranh.