12:54 14/05/2009

Chuyển niêm yết giá bằng VND: Nhiều doanh nghiệp còn lưỡng lự

Thúy Nhung

Việc xác định đơn vị niêm yết giá không đơn giản chỉ là sự quy đổi, mà có những yêu cầu do đặc thù kinh doanh

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, việc niêm yết giá bằng ngoại tệ còn là yêu cầu từ đặc thù sản phẩm, lĩnh vực và mục đích kinh doanh của họ, nhất là khi đầu vào của sản phẩm hoặc việc thanh toán cho đối tác chủ yếu bằng ngoại tệ.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, việc niêm yết giá bằng ngoại tệ còn là yêu cầu từ đặc thù sản phẩm, lĩnh vực và mục đích kinh doanh của họ, nhất là khi đầu vào của sản phẩm hoặc việc thanh toán cho đối tác chủ yếu bằng ngoại tệ.
Việc xác định đơn vị niêm yết giá không đơn giản chỉ là sự quy đổi, mà có những yêu cầu do đặc thù kinh doanh.

Đó cũng là nguyên do chính khiến nhiều doanh nghiệp vẫn “lưu luyến” với việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ (chủ yếu bằng USD), dù đã có chỉ đạo tăng cường chấn chỉnh hoạt động này từ Thủ tướng Chính phủ.

Niêm yết… “nước đôi”

Ngày 8/5, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo bộ trưởng các bộ Công an, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Tp.HCM chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật  về quản lý ngoại hối, đặc biệt là các hoạt động thu đổi ngoại tệ trái phép, quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ.

Sau chỉ đạo này, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ôtô và du lịch, đã lần lượt chủ động chuyển đổi việc niêm yết giá hàng và dịch vụ bằng VND thay vì phổ biến bằng USD trước đó.

Tại Công ty Liên doanh Ôtô Việt Nam - Daewoo (Vidamco), một khoản chi phí gần 3.000 USD vừa được bổ sung để thay đổi lại thiết kế của một chương trình khuyến mại liên quan đến việc chuyển đổi đơn vị yết giá. Sự thay đổi này cũng có ở một số ma két quảng cáo các sản phẩm ôtô, các tour du lịch… tại các cơ quan xuất bản sau chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo khảo sát của phóng viên, một số website thương mại điện tử trong lĩnh vực công nghệ, các salon ôtô ở Hà Nội, cũng đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi việc niêm yết giá từ USD sang VND.

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn nhiều trường hợp vẫn giữ việc niêm yết giá bằng ngoại tệ; một số lựa chọn giải pháp trước mắt là hủy niêm yết bằng USD nhưng chưa đưa ra đơn vị giá bằng VND chính thức mà “thỏa thuận” cụ thể với khách hàng trong giao dịch. Phổ biến tại các doanh nghiệp phân phối máy tính và thiết bị công nghệ thông tin là việc niêm yết “nước đôi”, bằng cả VND và USD…

Còn vì yêu cầu kinh doanh

Tại website của Công ty Lữ hành Hanoitourist, giá các tour du lịch đi nước ngoài vẫn được niêm yết bằng ngoại tệ.

Chị Vương Thu Giang, Phó phòng Outbound của Hanoitourist cho biết, trước đây công ty đã từng thực hiện việc niêm yết bằng nội tệ đối với các tour đi nước ngoài, nhưng do trên thực tế vẫn tồn tại hai tỷ giá (tỷ giá tại ngân hàng và tỷ giá trên thị trường tự do) nên việc xác định giá khó khăn, trong khi công ty phải dùng ngoại tệ để thanh toán cho các đối tác.

“Trước đây chúng tôi đã lấy theo trung bình cộng của hai tỷ giá trên để tính giá tour. Nhưng điều này lại “vấp” phải phản ứng của khách hàng do giá khá cao. Còn nếu tính theo tỷ giá của ngân hàng, nhiều khi không mua được ngoại tệ tại đây, bản thân doanh nghiệp sẽ thiệt thòi không nhỏ. Còn trước yêu cầu mới đây của Thủ tướng, bản thân công ty cũng thấy khá lúng túng”, chị Giang giải thích.

Còn theo đại diện của Công ty TNHH Phân phối CMC, bà Tô Thị Lan Hương, bản thân công ty là nhà bán buôn nên việc niêm yết giá bằng ngoại tệ hay VND không phải là vấn đề lớn. Phương thức thanh toán cũng đã được đơn vị thương thảo trước với khách hàng nên trong giao dịch không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do các sản phẩm đều được nhập khẩu và thanh toán với đối tác bằng USD, nên việc niêm yết bằng ngoại tệ vẫn được “chuộng” hơn do giảm thiểu được ảnh hưởng từ biến động tỷ giá.

Trong khi đó, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, việc niêm yết giá bằng ngoại tệ còn là yêu cầu từ đặc thù sản phẩm, lĩnh vực và mục đích kinh doanh của họ, nhất là khi đầu vào của sản phẩm hoặc việc thanh toán cho đối tác chủ yếu bằng ngoại tệ.

Như với các tour du lịch hướng đến các đối tượng là người nước ngoài, niêm yết và quảng cáo trên các ấn phẩm trong nước là cần thiết để tạo tiện ích cho đối tượng tiếp cận, hạn chế rào cản quy đổi tỷ giá, nhất là khi thị trường ngoại tệ có nhiều biến động. “Tôi cho rằng đây cũng là một hình thức hỗ trợ việc thu hút du khách, nhất là khi du lịch là một kênh để thu hút vốn gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam”, đại diện một công ty du lịch nói.

Hay như phân tích của ông Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng bán hàng của Vidamco, việc niêm yết giá bằng nội tệ khiến cả người mua và doanh nghiệp gặp khó. Do tỷ giá liên tục có sự thay đổi khiến giá niêm yết trở thành giá “tạm báo” cho khách hàng, khi xuất hoá đơn lại phải tính theo tỷ giá mới, nhiều khi chênh lệch khá lớn so với mức giá đã đưa ra và khách hàng không khỏi phàn nàn. Trong khi việc yết giá bằng USD có thể dễ dàng thống nhất trong hợp đồng.

Đó cũng là trở ngại của nhiều doanh nghiệp phân phối hàng điện tử, nhất là các sản phẩm nhập khẩu, khi việc yết giá bằng VND có thể dẫn đến yêu cầu phải điều chỉnh giá hàng ngày, trong khi đó là yếu tố cần ổn định đối với sự tiếp cận của khách hàng.

Mặt khác, cũng theo ông Minh, trong kinh doanh, yếu tố tâm lý cũng là chi tiết mà doanh nghiệp cần để ý. Với mặt hàng ôtô, việc niêm yết bằng nội tệ với nhiều con số có thể tạo cảm giác “quan ngại” đắt đỏ đối với người tiêu dùng, có thể ảnh hưởng đến sức mua. Và mong muốn của doanh nghiệp trong trường hợp này là thay vì cấm niêm yết bằng ngoại tệ, cơ quan quản lý có thể áp dụng hình thức cho phép niêm yết song song cả hai loại đơn vị.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, yêu cầu niêm yết giá của các mặt hàng bằng nội tệ chính là cách các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn áp dụng để tránh hiện tượng Đô la hóa nền kinh tế. Thực hiện yêu cầu trên cũng không quá khó khăn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần có sự kiểm tra giám sát thực hiện việc niêm yết giá để tránh tình trạng giá cả của một số một hàng sẽ bị đẩy lên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhưng một chuyên gia khác lại cho rằng, việc niêm yết quảng cáo bằng đồng nội tệ chỉ nên áp dụng với các doanh nghiệp phục vụ người trong nước. Với doanh nghiệp phục vụ đối tượng khách nước ngoài, Nhà nước nên linh hoạt để doanh nghiệp có thể niêm yết bằng USD để khách hàng thuận tiện hơn trong tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ.