11:26 04/08/2007

“Công nghiệp dệt may thiếu chữ A”

Nguyễn Mạnh

Hỏi chuyện nhà tạo mẫu Đặng Minh Hạnh, Viện trưởng Viện Mẫu thời trang (Fadin)

"Nhiệm vụ của Fadin là nối kết giữa nhà thiết kế và nhà sản xuất" - Ảnh: TT.
"Nhiệm vụ của Fadin là nối kết giữa nhà thiết kế và nhà sản xuất" - Ảnh: TT.
Hỏi chuyện nhà tạo mẫu Đặng Minh Hạnh, Viện trưởng Viện Mẫu thời trang (Fadin).

Xin bà cho biết, trong công nghiệp dệt may thì thời trang giữ vai trò như thế nào?

Tôi xin được ví dụ, quy trình của nền công nghiệp dệt may Việt Nam như 24 chữ cái từ A đến Z. Đã rất nhiều năm qua chúng ta đã có một quy trình hoàn chỉnh từ B đến Z, đó là sản xuất, tiêu thụ, lưu thông phân phối...

Chúng ta thiếu chữ A, chính là khâu thiết kế - đứng ở vị trí đầu tiên và căn bản nhất trong quy trình.

Để có một nền công nghiệp thời trang hoàn hảo, thì cần những bước đi cụ thể như thế nào?

Hiện nay, chúng ta thiếu căn bản nhất là khâu đào tạo. Khoảng 5 năm gần đây đã có rất nhiều trường đại học, cao đẳng... tổ chức những khoa, những lớp đào tạo nghề thiết kế thời trang, nhưng chất lượng đào tạo thật sự có vấn đề.

Một trong những yếu tố bên ngoài cũng cần chú ý là các chương trình ca nhạc, tạp kỹ thường hay đưa biểu diễn thời trang vào như một tiết mục để thay đổi không khí làm người xem nhàm chán vì không thấy cái mới chuyển động và thật sự cần thiết cho cuộc sống, một điều cũng cần phải đặt ra là mạng lưới thông tin và những phóng viên thời trang có thực sự là những người am hiểu ở lĩnh vực này?

Vai trò của thông tin chính xác sẽ là một trong những yếu tố tích cực, giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về thực trạng của một nghề mang lại lợi ích kinh tế thực sự cho đất nước.

Được biết, Tập đoàn Dệt may (Vinatex) đã có chương trình phối hợp với Viện Fadin trong việc mua thương hiệu có uy tín để sản xuất, tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu. Xin bà cho biết kế hoạch cụ thể như thế nào?

Tôi khẳng định, đây là thông tin sai. Thông tin đúng của chúng tôi là một trong bốn chiến lược hàng đầu của Tập đoàn Dệt may tại thời điểm này là “thời trang hoá toàn ngành”.

Nhiệm vụ của Fadin là nối kết giữa nhà thiết kế và nhà sản xuất. Mô hình này chúng tôi đã làm thí điểm cách đây 5 năm giữa Công ty May Phương Đông và nhà thiết kế Trương Anh Vũ đã mang lại một hiệu quả rất tốt.

Hiện nay, chúng tôi đã nối kết với những đơn vị lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Dệt may Hà Nội với những nhà thiết kế như Trọng Nguyên, Quang Huy, Thương Huyền, Thu Giang... và đã có những kết quả khả quan ban đầu.

Đầu tư vào khâu thiết kế mẫu đã khó nhưng việc xây dựng một thương hiệu cho từng nhãn hàng thời trang còn khó hơn. Vậy, Viện mẫu và Tập đoàn đã có chương trình biến dự định này thành hiện thực như thế nào?

Đây là một quy trình tất yếu cho những công ty biết thích nghi với sự đòi hỏi của người tiêu dùng và sự chuyển động của thị trường thời trang. Tôi không nghĩ đây là một việc khó vì chúng ta đã có những thương hiệu mạnh, nay chúng ta cần phải tổ chức lại để phát triển theo đúng quy luật bằng một bộ óc có chiến lược lâu dài, bằng cái nhìn rộng mở và thở bằng hơi thở của những sự biến động trong cuộc sống ngày hôm nay.

Xin bà cho biết, đầu tư vào một nhãn hàng có tốn kém không và chi phí cụ thể ra sao?

Sự tốn kém tuỳ thuộc vào quy mô và đẳng cấp của thương hiệu. Đôi khi chỉ cần 5 hoặc 10 triệu đồng Việt Nam và đôi khi là 5 hoặc 10 triệu USD. Điều đáng nói ở đây chính là quan điểm đúng và phương pháp thích hợp của người chủ đầu tư.

Trên thị trường nội địa, đã có những nhãn hàng nào đang đi đúng hướng của một ngành công nghiệp thời trang?

Cũng đã có khá nhiều những thương hiệu đã thật sự thuyết phục. Về quy luật, những thương hiệu nào đã tồn tại trên 5 năm với mức lợi nhuận từ 100% đến 300% hoặc hơn thế... cũng đồng nghĩa với sự phát triển có định hướng đúng. Sau 5 năm là thời gian lâu nhất mà các thương hiệu phải tự làm mới mình bằng những chiến lược phù hợp với sự phát triển của xã hội đương thời.

Điều này thật sự không dễ, trong tình hình mà điểm xuất phát của thời trang Việt Nam là tự phát và thiếu căn bản.