10:06 21/11/2008

CPI tháng 11: Hà Nội tăng mạnh, Tp.HCM giảm nhanh

Anh Quân

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 trái chiều tại hai địa bàn lớn: tăng mạnh tại Hà Nội, giảm nhanh tại Tp.HCM

Đợt ngập lụt lịch sử vừa qua là nguyên nhân chính đẩy CPI tại Hà Nội tăng mạnh - Ảnh: Từ Nguyên.
Đợt ngập lụt lịch sử vừa qua là nguyên nhân chính đẩy CPI tại Hà Nội tăng mạnh - Ảnh: Từ Nguyên.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 trái chiều tại hai địa bàn lớn: tăng mạnh tại Hà Nội, giảm nhanh tại Tp.HCM.

Theo số liệu vừa công bố, chỉ số CPI tại hai thành phố chiếm tỷ trọng cao nhất là Hà Nội và Tp.HCM trong tháng 11 diễn biến trái chiều: tại Hà Nội, chỉ số này tăng mạnh tới 1,07% (tháng 10 chỉ tăng 0,18%); trong khi đó tại Tp.HCM, con số này lại giảm nhanh, âm 0,69% (tháng trước giảm 0,24%).

Tại Hà Nội, trận lụt lịch sử vừa qua được cho là nguyên nhân chính đẩy chỉ số CPI tháng 11 tăng cao trở lại. Giá cả nhiều mặt hàng tăng lên, và lương thực, thực phẩm lại một lần nữa là động lực tạo nên một “cao trào” giá mới.

Vẫn những hàng hóa, dịch vụ biến động không quy luật từ đầu năm, lương thực - thực phầm và xăng dầu, là những nhân tố tác động mạnh nhất đến chỉ số giá. Mặc dù giá xăng dầu liên tục giảm, nhưng lương thực - thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ hàng tính chỉ số CPI (chiếm trên 40% quyền số) dẫn đến chỉ số giá tháng này tăng cao tại Hà Nội.

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 3,8% so với tháng trước; trong đó lương thực chủ yếu là gạo giữ mức giá cao khi tăng 1,61%, giá thực phẩm tăng tới 4,98%, chủ yếu do tác động kéo từ rau xanh và một phần từ thịt. Trong nhóm hàng này, đáng chú ý là nhiều loại rau xanh có giá tăng đến 2 - 3 lần trong tháng qua.

Trong tháng tính CPI (từ 16/10 đến 15/11), giá xăng dầu đã qua 5 lần giảm giá, là chu kỳ giảm dài nhất trong nhiều năm trở lại đây. Xăng A92 từ 16.500 đồng/lít đã giảm chỉ còn 13.000 đồng/lít vào đúng ngày cuối cùng của kỳ tính CPI.

“Giúp” thêm lực kéo chỉ số giá, gas và sắt thép cùng giảm giá mạnh khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm tới 5,13%.

Cũng chịu tác động từ giảm giá xăng dầu, nhóm giao thông, bưu chính viễn thông giảm 4,75%, trong đó bưu chính viễn thông chỉ giảm 0,02%.

Còn lại, đa số các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác đều tăng thấp, ngoại trừ hai nhóm tăng trên 1% l à may mặc, mũ nón giày dép và hàng hóa, dịch vụ khác.

Trái lại, tại Tp.HCM, chỉ số giá tháng 11 vẫn tiếp tục xu hướng giảm do được hỗ trợ bởi hàng loạt hàng hóa dịch vụ giảm giá.

Cũng từ nguyên nhân giảm giá xăng dầu, sắt thép và gas, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm mạnh nhất khi đạt mức âm 5,66%;
nhóm giao thông, bưu chính, viễn thông đã đạt mức giảm 4,15%.

Trong nhóm có quyền số cao nhất (lương thực, thực phẩm), chỉ số giá lương thực đã giảm mạnh tới 8,67% chủ yếu do giá gạo giảm rất sâu tại khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, giá hàng thực phẩm vẫn tiếp tục tăng lên, tới 1,48%, chủ yếu cũng do “lực kéo” từ mặt hàng rau xanh.

Sau Hà Nội và Tp.HCM, dự kiến chỉ số giá tháng 11 của cả nước sẽ được công bố vào đầu tuần tới.